Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển

Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển
TP - “Tôi lấy anh Bảo năm 1979, có 3 đứa con. Chúng là tài sản lớn nhất của tôi”. Chị Liên con dâu cụ Vương Hồng Sển mở đầu câu chuyện kể về đời làm dâu gian truân của mình như thế. Ngoảnh lại, thấy bố chồng, chồng mình đều đã ở nơi chín suối. Cuộc đời vàng son như giấc mộng dưới gốc hòe.

Những đứa con nổi tiếng của người thợ ảnh
> Đoạn cuối của những cuộc đời vừa bắt đầu

Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng

Vương Hồng Bảo, chồng chị, mất năm 1998, trong tù. Các con chị Liên đã lớn. “Ngày trước tôi sợ chết, vì lo con mồ côi cha, mồ côi mẹ. Giờ tôi nhắm mắt cũng được rồi. Các con tôi đều đã lớn. Tiếng là làm dâu cụ Vương Hồng Sển, đại quý tộc trâm anh, mà đời tôi chẳng nhận một cái gì. Hộ khẩu tôi cũng chẳng có ở nhà này. Nhưng tôi thực lòng không tiếc”.

Chị Liên và anh Bảo cùng học trường Tây, quen nhau từ thủa ấu thơ. Lớn lên, chị lập gia đình với một bác sĩ người Pháp, có một đứa con, rồi ông ấy mất. Còn anh Bảo, chính chị đã làm mai mối anh Bảo cho người bạn gái Ấn Độ. Họ có 2 cháu, mất một cháu. Năm 1978, cô ta đưa đứa con gái đi khỏi Việt Nam. Chị Liên và anh Bảo về sống với nhau.

Khi đó họ cùng làm ở Hãng phim Giải phóng. Anh làm kế toán, chị làm hóa trang. Chị về làm dâu cụ Vương Hồng Sển, bước vào tòa nhà cổ lừng lẫy xứ Sài Gòn với hàng ngàn món đồ cổ quý giá. Nhưng chị không có hộ khẩu trong gia đình, dù đã sinh cho cụ Vương Hồng Sển 3 đứa cháu nội.

Lúc đó cây cối um tùm. Nhà cửa thâm u. Chị nhớ lại: “Khi tôi sinh cháu nội cho ông, ông nói với mẹ tôi: Liên nó trúng số độc đắc. Ông mang những đồ cổ quý giá, đến cho tôi xem. Ông nói: con ơi, món này 30 cây, món kia 200 cây. Ông sợ rằng khi mình chết, tài sản tiêu tán đi, nên dặn dò như thế. Cụ lấy ba đời vợ, nửa đời mới có được đứa con là chồng tôi. Giờ có cháu nội, cụ mừng vui lạ thường”.

Làm dâu nhà cụ Vương Hồng Sển, nhà sử học tiếng tăm, một nhà văn hóa, người chơi đồ cổ lâu năm, một biểu tượng của văn hóa Nam Bộ, quả không phải chuyện dễ dàng. Khách đến chơi, đứng ở ngoài cửa nói chuyện. Khách cỡ nào được đến bàn trà giao lưu. Khách cỡ nào mới lên ngồi dưới bàn thờ. Khách cỡ nào được cho lên nhà trên. Tất cả việc ấy, cụ quy ước cả.

“Tôi là một chứng nhân sống trong ngôi nhà tiếng tăm này – Chị Liên nói - Ông cụ sống rất giản dị. Bà mẹ chồng tôi góp phần xây dựng nên sự nghiệp, nhưng thực sự cụ chưa hưởng được gì.

Tiếng làm dâu, nhưng chị chẳng có gì: “Cái xe riêng tôi còn chưa có. Đi học lái xe, ông sợ xe đụng. Học bơi thì sợ chìm. Học đàn thì ông bảo: mày đàn như đứa mù vậy”.

Chị về làm dâu, từ năm 1979-1989, đi làm việc ở hãng phim, lương bỏ tiền túi tiêu riêng. Mỗi tháng ông cụ phát tiền chợ, tiền mua 100 kí lô gạo, phát tiền đóng học phí của 3 cháu nội, phát tiền đổ rác, tiền người làm, quản gia, phát tiền cho bà cụ ăn sáng, phát tiền cho hai vợ chồng ăn sáng.

Chị Liên nói: “Vì cuộc sống quá an bình, nên tôi chẳng lo lắng gì. Tôi chẳng có thủ đoạn giành giật với ai. Khi chồng tôi có nhân tình, tôi bèn bỏ về nhà ngoại ở chợ Bến Thành”. Chị ra đi, buồn bã lắm, để 3 đứa con ở lại ngôi nhà cổ. Chị hỏi chồng: Giữa hai người đàn bà, anh phải chọn một. Nhưng chồng chị không chọn được, bởi vướng nợ nần với người đàn bà kia.

Người chồng cả tin

Khi gặp lại nhau, họ làm cơ quan nhà nước. Cuộc sống rất yên bình. Rồi anh Bảo chuyển sang công ty vàng bạc, gặp bạn bè, bỏ công ty đi mở hiệu vàng riêng! Đó là những ngày tháng vô cùng quan trọng, đã quyết định cuộc đời của anh và của cả gia đình. Bảo không biết đi buôn. Sau một thời gian làm ăn, anh bị lừa hết tiền.

Chị Liên nhớ lại: “Chồng tôi cầm 300 cây vàng đi mở cửa hiệu, khi trở về, chỉ còn 20 cây. Chồng tôi bảo: Em đi sang Trung Quốc đòi tiền đi. Tôi mới bảo: Em là thân con gái, sao đi xa vậy được. Người ta đã cố tình lừa, em đi, người ta giết em đó. Tôi thấy chồng tôi thực là ngây thơ”.

Những khó khăn trong chuyện làm ăn, khiến anh Bảo rất buồn. Anh cố gắng khẳng định mình, làm ăn và kết bạn với một người phụ nữ khác.

Đó là năm chị 37 tuổi. Giờ chị 60 tuổi rồi.

“Tôi đã mất tất cả – Chị nói - Chồng tôi cùng nhân tình vào tù với án chung thân. Chồng tôi chết trong tù, có người nói chồng tôi buồn quá nên tự tử mà chết. Bố chồng tôi cũng chết cùng năm ấy. Gia đình bỗng chốc tan nát. Của cải tiêu tan. Đời tôi không thể ngờ có ngày như vậy. Tôi trở lại ngôi nhà này sau khi chồng tôi mất, để chăm sóc 3 đứa con thơ, lần hồi kiếm sống, chạy ăn từng bữa với khối nợ nần mà chồng tôi để lại đè lên gia đình này”.

Sân sau ngôi nhà, được cho thuê để nấu cơm bình dân
Sân sau ngôi nhà, được cho thuê để nấu cơm bình dân.

Ngôi nhà cổ điêu linh

“Giờ tôi cứ đi nhà thờ mỗi ngày. Con tôi cứ 5 giờ chiều về mở cửa hàng bán ốc. Ban ngày, chúng tôi cho thuê mặt bằng nấu cơm bụi, ngày thu 60 ngàn, lấy tiền mua gạo”. Chị Liên trò chuyện với tôi, sau ngôi nhà cổ danh tiếng, đã bị chia năm sẻ bảy, cơi nới lung tung.

Theo di chúc của cụ Vương Hồng Sển, ngôi nhà cổ được hiến cho nhà nước làm nơi trưng bày cổ vật của cụ, xây dựng một cái quỹ văn hóa mang tên Vương Hồng Sển. Cổ vật đã được đưa vào bảo tàng cất giữ. Nhưng chuyện bàn giao ngôi nhà cho nhà nước để tôn tạo làm di tích thì không hề đơn giản.

Chị Liên xót xa: “Căn nhà này danh tiếng bao nhiêu, đau khổ bấy nhiêu. Một ngôi nhà bình thường, không chừng lại sướng” .

Cháu nội cụ Vương Hồng Sển, con của chị Liên, cháu lớn tên là Vương Hồng Liên Hương (1983), ở nhà bán ốc. Các em là Vương Bảo Thành, Vương Hồng Bảo Minh đang đi làm ở các công ty với đồng lương ít ỏi.

Việc giải quyết nhà cửa cho con cháu của cụ Vương Hồng Sển vẫn chưa đến đâu. Các cơ quan chức năng muốn đền bù, đưa gia đình ra khỏi di tích, để tu sửa, tôn tạo. Nhưng qua thời gian dài, chưa thống nhất được phương án nào.

Ngôi nhà cổ xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Nhiều người chung sống trong căn nhà, “trời mưa, trong nhà dột chẳng kém ngoài trời”. Phần nhà cơi nới cũng hư hỏng nhiều.

Vương Hồng Liên Hương nói với tôi: “Chúng tôi muốn bình yên. Tôi muốn sống ở đây. Giờ biết sống ở chỗ nào. Các em của tôi cũng đã lớn.Tôi muốn bình yên bán ốc để sống. Tôi cũng ba mươi tuổi rồi. Tôi đã có chồng, có con rồi. Nhà này giờ không còn gì hết, nhà này chỉ còn cái xác thôi. Lại không được xây dựng sửa chữa gì cả”.

Ngôi nhà cổ đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố từ năm 2003. Đến giờ, nom nó chẳng khác gì một phế tích, mà người sinh sống trong đó đang chật vật dưới nắng mưa.

Anh Nam, Phòng Di sản văn hóa, Sở VHTTDL TPHCM cho biết: “Thành phố đã theo di chúc của cụ Vương Hồng Sển, xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với di tích, nhưng chưa thực hiện được việc quản lý, do người nhà của cụ vẫn còn sống ở đó”. Anh Nam cho biết: “Nhiều lần nhà nước đã cấp nhà cho chị Hương và các em, nhưng gia đình chưa đồng ý với phương án đưa ra, kể cả lúc cấp nhà mặt tiền ở đường Vạn Kiếp với giá 8 tỷ đồng”.

Theo bản án tuyên với Vương Hồng Bảo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, thì tòa yêu cầu bồi thường cho người bị hại là 5,350 tỷ đồng, 1.001,5 chỉ vàng, 46.700 USD.

Anh Nam cho biết: “Năm 2005 chị Vương Hồng Liên Hương đã khởi kiện đòi thành phố chia di sản, nhưng năm 2010 tòa đã bác yêu cầu của chị Hương đòi chia tài sản thừa kế đối với nhà di tích. Chúng tôi phải chờ phúc thẩm rồi mới thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích được”.

Vụ án của người chồng, chưa thi hành án, lại đến vụ án của người con gái. Chị Liên cảm thấy mình như trong mớ bòng bong. Chị nói: “Chúng tôi muốn có nghề nghiệp ổn định, chẳng hạn mở một trung tâm ngoại ngữ mang tên Vương Hồng Sển. Bán ốc hoài thế này, cực các cháu quá”.

Tôi chia tay gia đình khi quán ốc đêm được dọn ra, ngay sau ngôi nhà cổ đang mục ruỗng theo thời gian.

Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển ảnh 2
Giờ tôi cứ đi nhà thờ mỗi ngày. Tôi buồn lắm. Con tôi cứ 5 giờ chiều về mở cửa hàng bán ốc. Ban ngày, chúng tôi cho thuê mặt bằng nấu cơm bụi, ngày thu 60 ngàn, lấy tiền mua gạo” -

Chị Liên, con dâu cụ Vương Hồng Sển

7-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG