Chút hoang hoải cao nguyên

Chút hoang hoải cao nguyên
TP - Hoang hoải, dạng tâm trạng chưa hẳn đã là tuyệt vọng nhưng nhuốm nhiều những ngơ ngác phân vân khi mới rồi tôi trở lại cao nguyên...

Trắng đêm giữa chợ khủng Bình Điền
> Tiếng ru từ Bình Minh

Ngắc ngoải Đam San

Hơn mười năm trước may mắn được nhập vào đám khách du lịch, tôi hăm hở lên Tây Nguyên trong đó có chặng Đam San tours. Từ Đăk Lăk, gần hai chục cây số đường chưa tốt lắm nhưng cũng dễ đi, chúng tôi nhích dần vào nơi con sông Krông Ana và Krông Nô gặp nhau. Tại khu vực Ngã Sáu (xã Ea Na, huyện Krông Ana) hợp thành dòng sông Sêrêpôk, con sông Sêrêpôk bao đời với hành trình chảy ngược của mình qua các huyện Buôn Đôn, Ea Suop, trước khi đổ vào dòng Mekong, dòng sông này đã tạo nên nhiều dòng thác hùng vĩ trên đất Tây Nguyên trong đó có vưu vật Thác Khói!

Con thác hùng vĩ hoành tráng ngày nào (ngay giữa mùa khô cao nguyên vẫn sải rộng với bề ngang hơn trăm mét ào ạt xiết trên các bậc đá chen lẫn với cây ngàn từ độ cao hàng chục mét) nói biến mất thì không đúng nhưng thoắt co mình lại chỉ còn vài mét ngó trần thùi lụi như một con lạch!

Phải gọi vưu vật bởi dòng Sêrêpôk đang cuồn cuộn chảy giữa rừng già bỗng đổ thẳng xuống những bậc đá sâu tạo nên dòng thác trước khi tiếp tục xuôi. Từ dưới nhìn lên thác cao, có cảm giác vòi vọi hồng hoang.

Sau mới biết, mặt thác rộng hơn 100m. Nước tràn qua các khối đá khổng lồ đổ ầm ầm, rền vang giữa đại ngàn. Bụi nước tung bay trắng xóa, mịt mờ như làn khói. Thác Khói có tên bởi lẽ ấy? Thác Khói còn có tên địa phương là Dray Sap hoặc thác Gia Long.

Không nói làm chi những nơi giang san cẩm tú của đất nước có biệt thự, biệt điện đã đành, tại các nơi cùng hương tịch nhưỡng xứ lâm tuyền, vị vua Bảo Đại cấm có bỏ sót chỗ nào. Từ những năm 1920, Bảo Đại đã lên xứ K rôngAna này bắt phu người Thượng xây mấy cái cầu treo vắt vẻo qua nhánh suối ven thác. Lại vắt sức phu thành bờ kè đá cho thác khỏi xói lở dài hằng trăm mét. Tôi đồ rằng Thác Khói có tên Gia Long cũng do Bảo Đại đặt để tôn vinh tiền nhân? Nghe nói khi lên ngôi, Gia Long đã tìm đến cảnh đẹp nơi non xanh thủy tú này làm chốn nghỉ dưỡng nên có tên ấy? Lại có truyền thuyết khi bị quân Tây Sơn đuổi chí chết, Nguyễn Ánh đã phải chạy lên xứ thâm sơn cùng cốc này mà trú ngụ mấy năm, rồi khi tranh đoạt được thiên hạ đã cải tạo Thác Khói để làm nơi thưởng ngoạn?

Đu mình trên các bậc đá chênh vênh, lạ lẫm bao du khách từng găm cái nhìn vào những trụ cầu bê tông cốt thép trơ khấc rêu bám dày còn sót ven thác nước. Thời Gia Long hay Bảo Đại đây đã xây những trụ cầu treo ấy? Rồi quanh thác còn có 5 ao khá lớn đang lặng tờ đưới những tàn cây. Nghe giới thiệu, ngoài những chuyến săn bắn, Bảo Đại thường đắm mình bên những bờ ao ấy mà đợi gái?

...Bây giờ giữa mùa mưa Tây Nguyên, đến Thác Khói, du khách chợt hoang hoải sững sờ như gặp lại một phế tích? Con thác hùng vĩ hoành tráng ngày nào (ngay giữa mùa khô cao nguyên vẫn sải rộng với bề ngang hơn trăm mét ào ạt xiết trên các bậc đá chen lẫn với cây ngàn từ độ cao hàng chục mét) nói biến mất thì không đúng nhưng thoắt co mình lại chỉ còn vài mét ngó trần thùi lụi như một con lạch! Hoàn toàn đã biến mất thứ bụi nước kỳ ảo làm nên cái tên Thác Khói ngày nào! Năm cái ao rộng thênh trong xanh phẳng lặng nay chỉ là mấy hõm nước đục ngầu phủ đầy lá rừng rụng. Những ngôi nhà sàn cất ven thác lở lói xập xệ. Tấm biển nham nhở hoen rỉ phóng to chứng chỉ Di tích lịch sử văn hóa quốc gia thắng cảnh Thác Dray Sap do Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm ký ngày 4-1-1999 rũ xuống chừng sắp sập. Gần đó là một tấm biển mới thông báo hiệu lệnh những hồi còi khi xả nước qua đập tràn Buôn Kuop. Khung cảnh tang thương của Thác Khói cũng xuất xứ từ tấm biển này chăng? Tôi ngó lại mấy cái lạch nước đang lờ đờ buông qua mấy hẻm đá, di duệ của thân thác vạm vỡ hùng vĩ ngày nào chợt láng máng ra quy trình dòng Sêrêpôk cuộn mình làm nên huyền thoại thác Dray Sap đã bị hút, bị san theo dòng chảy turbine của nhà máy thủy điện Buôn Kuop như thế nào! Chợt giật thột khi nghe giới thiệu rằng dòng sông Sêrêpok có ba nấc thang năng lượng làm thành ba nhà máy thủy điện. Thượng nguồn là đập thủy điện Buôn Tu Shar. Xuôi chút là đập thủy điện có công suất lớn thứ hai ở Tây Nguyên Buôn Kuôp. Xuôi hạ nguồn là đập thủy điện Dray H’Linh và ken chặt phía dưới là thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.

Đìu hiu cửa khẩu

Cảm giác ấy chợt dậy lên trong buổi chiều mưa quan ải Bờ Y. Cửa khẩu Bờ Y (ngã ba Đông Dương) nơi mà “một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe”, bên này là Bờ Y- Ngọc Hồi, phía bên kia là tỉnh Atôpư của Lào, quá vài bước chân là tỉnh Ranatakiri của Campuchia.

Có lẽ thời điểm xôm tụ hoành tráng nhất của Bờ Y là ngày được công nhận cửa khẩu quốc tế cùng việc khai trương khu kinh tế động lực. Tầm vóc một Bờ Y tổng diện tích 70.438ha là “điểm nhấn” của “con đường tơ lụa” nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ của Việt Nam với một không gian địa lý- kinh tế rộng lớn về phía tây bao gồm nam Lào, đông bắc Thái Lan, Campuchia, Myanmar… Bờ Y là trung tâm trong Tam giác phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, có quy chế hoạt động riêng, được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, gắn kết với hành lang kinh tế Đông-Tây của khu vực.

Theo quy hoạch, Bờ Y sẽ có hàng loạt các trung tâm ra đời nghe mà sướng lỗ nhĩ: Trung tâm thương mại tài chính, Trung tâm y tế, văn hóa thể dục thể thao; Trung tâm khoa học, Trung tâm dịch vụ mậu biên và kiểm soát cửa khẩu, Trung tâm du lịch dịch vụ, Trung tâm giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, văn hóa nghề, văn hóa truyền thống... Lại có cả sân bay quốc tế với hơn 700 ha. Dự kiến đến năm 2025, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 293.000 dân trong đó 222.000 cư dân đô thị.

Ngần ấy năm, khu kinh tế này thu hút 47 dự án đăng ký với số vốn 91.000 tỷ đồng. Song, đến nay chỉ có 16 dự án được thực hiện với số vốn đầu tư 146 tỷ đồng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Bờ Y trực thuộc Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã rất sớm bổ sung cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ, mua sắm phương tiện hành nghề hiện đại. Vậy mà tổng số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cả 6 tháng năm 2011 chỉ có 92. Tháng 7 là 42 DN. Mặt hàng xuất khẩu chỉ lèo tèo những nhà thép tiền chế, vật liệu xây dựng, phân bón, hàng bách hóa tổng hợp, một số dược phẩm và một ít máy móc thiết bị phục vụ công trình xây dựng thủy điện tại Lào. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ tròn gỗ xẻ sản phẩm gỗ, cà phê nhân và một ít máy móc thiết bị tái nhập.

Giải bài toán thu hút vốn và giữ chân các nhà đầu tư là vấn đề nan giải của Ban quản lý khu kinh tế Bờ Y. Có lẽ cơn địa chấn khủng hoảng dường như tạm lắng khi nghe nói các tỉnh phía Nam của Lào đang triển khai mạnh việc khai thác hàng loạt mỏ khoáng sản và bên Campuchia cũng vậy. Cơ hội để Bờ Y thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn, là nơi tập kết khoáng sản thô và chuyển giao công nghệ luyện kim, chế tạo thân ô tô… không phải là xa vời?

Cùng số phận như Bờ Y, được Chính phủ công nhận là Cửa khẩu quốc tế từ nhiều năm nay nhưng Lệ Thanh chỉ đang là… cửa khẩu tiềm năng!

Tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Lệ Thanh trong 7 tháng đầu năm 2010 mới đạt gần 24 triệu USD.

Ông Chi cục trưởng cửa khẩu Bờ Y Trần Lập phàn nàn rằng, hiện chưa có các mặt hàng mang tính định hướng, ổn định cao. Hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ xẻ, hạt điều, mì lát… và hàng xuất là vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và xăng dầu. Riêng gỗ xẻ đã bị phía bạn tạm dừng cả năm nay.

Vắng vẻ cửa khẩu Bờ Y
Vắng vẻ cửa khẩu Bờ Y.

Ghé một ngôi nhà cất tạm ven khu kinh tế cửa khẩu, tôi ngồi với ông Bình chủ nhà. Bỏ lại gian hàng tạp hóa ở thị xã Gia Lai, ông giắt ít vốn về Lệ Thanh làm ăn khi nghe triển vọng sáng sủa ở khu kinh tế cửa khẩu. Có mấy ông bạn theo chân ông Bình nhưng hai năm sau bỏ về cả, riêng ông cứ nấn ná bằng việc buôn ít hàng lặt vặt ở khu chợ biên giới Đức Cơ... Theo ông Bình vẫn chưa có nhà đầu tư cỡ máu mặt về Lệ Thanh làm ăn. Họ chỉ tới hỏi han thăm dò. Nghe chuyện ông Bình được biết thêm ở Lệ Thanh này cũng xuất hiện kiểu kinh doanh mới. Ấy là việc cắm đất thực chất là lấn chiếm để chờ đền bù, nhất là phần đất tỉnh dành cho các nhà đầu tư. Hiện tại dân đã lấn chiếm khoảng 100/200 ha đất thuộc khu vực này để canh tác hoặc “đón đầu” chờ đền bù!

May mắn chúng tôi được phép đặt chân lên quốc lộ 78 của Campuchia. Con lộ rải nhựa bốn làn xe dài gần 80 km nối từ tỉnh lỵ Ratanatakiri đã chớm đến của khẩu Lệ Thanh này. Nhưng chúng tôi chỉ được phép thưởng ngoạn ít cây số. Quan sát dọc bên đường có vẻ như việc làm ăn xây cất bên tỉnh bạn hơi bị xôm tụ? Bằng cớ là rất gần Lệ Thanh, một khu nghỉ dưỡng hay giải trí gì đó được xây dựng khá quy mô. Khu chợ cách đường biên cửa khẩu non 2 km được xây khá khang trang, quà tặng của Chính phủ mình cho tỉnh bạn có lẽ tốn phí nhiều tỷ đồng nhưng mấy năm qua chả có ai vào buôn bán nay cỏ dại lau lách mọc trùm. Đất có tuần nhân có vận, phập phồng hy vọng qua cơn bão tài chính khủng hoảng, việc làm ăn giao thương ở ngã ba biên giới cùng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh này sẽ rồi lại xôm tụ chẳng thể để khu chợ kia mãi là hoang phế?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG