Chuyện về phi đội bay đặc biệt

Từ trái qua phải: Những phi công trong biên đội đưa tiễn Bác năm xưa: Thứ nhất: ông Nguyễn Hồng Mỹ, thứ hai: Nguyên Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Thanh Đạo, thứ tư: Trung tướng Nguyễn Đức Soát, thứ năm: Trung tướng Phạm Phú Thái
Từ trái qua phải: Những phi công trong biên đội đưa tiễn Bác năm xưa: Thứ nhất: ông Nguyễn Hồng Mỹ, thứ hai: Nguyên Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Thanh Đạo, thứ tư: Trung tướng Nguyễn Đức Soát, thứ năm: Trung tướng Phạm Phú Thái
TP - Gặp người phi công già Nguyễn Hồng Mỹ, ông say sưa kể về những trận đánh, những kỷ niệm khó quên một thời ngang dọc trên bầu trời tổ quốc. Những lần ông chạm trán với máy bay Mỹ, bắn rơi nó và lần ông hút chết khi máy bay mình dính đạn. Và trong những kỷ niệm đó, ông không bao giờ quên được chuyến bay trong ngày lễ tang của Hồ Chủ tịch trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Từ trái qua phải: Những phi công trong biên đội đưa tiễn Bác năm xưa: Thứ nhất: ông Nguyễn Hồng Mỹ, thứ hai: Nguyên Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Thanh Đạo, thứ tư: Trung tướng Nguyễn Đức Soát, thứ năm: Trung tướng Phạm Phú Thái
Từ trái qua phải: Những phi công trong biên đội đưa tiễn Bác năm xưa: Thứ nhất: ông Nguyễn Hồng Mỹ, thứ hai: Nguyên Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Thanh Đạo, thứ tư: Trung tướng Nguyễn Đức Soát, thứ năm: Trung tướng Phạm Phú Thái.
 

Nhiệm vụ đặc biệt

Ông nhớ lại: Hồi đó, cứ sau vài lần xuất kích, những người lính phi công như tôi lại được lên khu nghỉ dưỡng Tam Đảo để nạp thêm năng lượng cho những trận đánh tiếp theo. Ngày 2-9-1969, đang trong kỷ nghỉ, nửa đêm toàn bộ phi công nhận lệnh phải về đơn vị gấp. Cũng thường nhận nhiệm vụ như vậy nên quen rồi, và tôi cứ nghĩ lại có đợt chiến đấu mới.

Sáng 3-9-1969, toàn bộ phi công của 3 phi đội thuộc Trung đoàn 921 tập trung trực tiếp nghe Thiếu tướng Đào Đình Luyện khi đó là Phó Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân và Đại tá Nguyễn Xuân Mậu - Chính uỷ quân chủng phổ biến nhiệm vụ.

Khi đó, tôi mới biết là Bác Hồ đã mất và nhiệm vụ của chúng tôi là bay trong lễ tang của Người. Cuối buổi nhận lệnh, thiếu tướng Luyện có nói nhiệm vụ rất quan trọng, khó khăn, anh em có sẵn sàng nhận lệnh và hoàn thành tốt hay không? Tất cả đều đồng thanh: Sẵn sàng!

Ông kể tiếp, anh em phi công trong đơn vị ai cũng muốn tham gia, ai cũng ý thức được đó là vinh dự, và đều muốn thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã dành nhiều thời gian và tình cảm cho lực lượng không quân non trẻ. Trong số gần 50 phi công lái Mig 21 khi đó, đơn vị chỉ chọn 12 phi công ưu tú nhất, những người đã có nhiều giờ bay, tham gia chiến đấu nhiều trận với không quân Mỹ.

Mig 21 - loại máy bay đã thực hiện nhiệm vụ đưa tiễn Bác năm xưa và cũng là loại vũ khí lợi hại, góp phần quan trọng vào việc giải phóng đất nước
Mig 21 - loại máy bay đã thực hiện nhiệm vụ đưa tiễn Bác năm xưa và cũng là loại vũ khí lợi hại, góp phần quan trọng vào việc giải phóng đất nước.
 

Theo kế họach, chúng tôi chia làm 3 biên đội. Biên đội 1 do Phi công Nguyễn Hồng Nhị - chỉ huy, các phi công khác là: Lê Toàn Thắng - số 2, Phạm Đình Tuân - số 3, Nguyễn Đức Soát - số 4. Tôi bay ở vị trí số 4 của biên đội 2, những đồng chí còn lại gồm: Nguyễn Văn Lý - chỉ huy, Phạm Phú Thái - số 2, Lê Thanh Đạo - số 3. Biên đội 3 gồm: Mai Văn Cương - chỉ huy, Phan Thành Nam - số 2, Nguyễn Văn Khánh - số 3, Nguyễn Văn Long - số 4. Đơn vị còn cử thêm 2 đồng chí là Bùi Đức Nhu và Đặng Ngọc Ngự làm phi công dự bị cho 3 biên đội để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chúng tôi đều là những phi công đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng nói thật, chưa ai trong số đó bay theo đội hình diễu binh cả. Khi tôi học ở Liên Xô cũng như khi về nước chiến đấu thì cũng chỉ bay với 2 hoặc 3 đồng chí thôi.

Sau nhiều lần bàn thảo, cuối cùng chúng tôi thống nhất phương án là tất cả 12 máy bay đều mở máy đồng loạt, Sở chỉ huy hạ lệnh cất cánh thì 2 chiếc một lăn ra đường băng cất cánh, cự ly lúc chạy đà trên đường băng ngang cách nhau khoảng 20 - 30 mét.

Sau khi 12 chiếc cất cánh xong, tập hợp đội hình ở độ cao khoảng 1.000 mét, lúc này mới chia thành 3 tốp, mỗi tốp 4 chiếc theo hàng dọc. Biên đội sẽ bay theo hình bàn tay xòe, cách nhau khoảng 600 mét và cự ly giãn cách giữa các máy bay với nhau khoảng 20 đến 30 mét.

Khi bay vào Quảng trường Ba Đình phải bảo đảm ở độ cao khoảng 300m và hơi chếch về bên trái lễ đài dọc theo đường Hùng Vương, như vậy mới bảo đảm sự thiêng liêng của buổi lễ và để toàn thể nhân dân dự buổi Quốc tang có thể nhìn rõ.

Bên cạnh đó, yêu cầu về thời gian là vô cùng nghiêm ngặt, bởi đã có sự phối hợp hiệp đồng với mặt đất, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc xong câu cuối của bài điếu văn, đội hình bay sẽ phải xuất hiện trên bầu trời Ba Đình, và nếu không tính toán cẩn thận thì có thể sẽ làm hỏng buổi Quốc tang.

Phi công Nguyễn Hồng Mỹ đang hồi tưởng lại nhiệm vụ đặc biệt năm xưa. Ảnh: Minh Hiếu
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ đang hồi tưởng lại nhiệm vụ đặc biệt năm xưa. Ảnh: Minh Hiếu.
 

Những ngày sau đó, các thành viên trong đội bay đều quyết tâm luyện tập. Mỗi ngày chúng tôi bay 4 đến 5 chuyến quanh khu vực sân bay Nội Bài. Sau mỗi buổi bay đều cùng ở lại để rút kinh nghiệm cho buổi sau. Theo đánh giá của Sở chỉ huy, toàn bộ anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến ngày 8-9, biên đội được bay theo buổi tổng duyệt với các bộ phận khác qua Quảng trường Ba Đình và được đánh giá đã phối hợp khá tốt.

Sáng 9-9, chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ, tập trung đông đủ ở Sở chỉ huy của Trung đoàn nhận nhiệm vụ. Khi đó, trực tiếp Phó Tư lệnh Quân chủng Đào Đình Luyện cùng Chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu giao nhiệm vụ. Tại sở chỉ huy Trung đoàn, trực tiếp là Trung tá Trần Hanh - Trung đoàn phó Trung đoàn 921 chỉ huy.

Hơn nửa trong số những phi công trong biên đội đưa tiễn Bác năm xưa đều là những thanh niên ưu tú, học lớp phi công khóa đầu tiên tại Liên Xô. Phần lớn trong số họ tốt nghiệp với tấm bằng đỏ và khi về nước đã trở thành lực lượng nòng cốt của Không quân Việt Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, giải phóng đất nước.

Đúng 9h, toàn bộ biên đội cất cánh, bay một vòng và tập trung đội hình ở khu vực Phủ Lỗ, sau đó thẳng hướng Quảng trường Ba Đình. Hôm đó thời tiết khá thuận lợi nên khi vào đến địa phận nội đô, tôi nhìn rõ Hồ Tây, Quảng Trường… Khi máy bay bay qua Quảng trường lần đầu tiên tôi cảm thấy chân mình tê tê, tay run run… Tôi cố trấn tĩnh lại và tập trung trí óc thực hiện tốt các thao tác đã đề ra.

Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi nhận được điện thoại từ sở chỉ huy Trung đoàn là đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Khi đó, cảm giác thật khó tả! Niềm xúc động dâng trào vì mình vừa hoàn thành một công việc cực kỳ quan trọng bằng cả tình cảm, trái tim và lý trí.

Sau lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương có gửi điện khen Trung đoàn Sao Đỏ và phi đội bay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo nhận xét chung của anh em bay ngày đó, sau lần bay theo đội hình này, Không quân Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình, dễ thích nghi, có thể hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn nhất.

Những người thực hiện nhiệm vụ ngày đó bây giờ ra sao rồi thưa ông? Tôi hỏi. Ông trầm tư một lúc rồi đáp: Trong số đó có 6 anh em được phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Và cũng có 4 đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Có những phi công như Nguyễn Hồng Nhị, Đặng Hồng Ngữ đã bắn rơi 7 - 8 chiếc máy bay Mỹ, anh em khác cũng 4 - 5 chiếc. Còn tôi ít nhất, chỉ bắn rơi có 2 thôi!

Sau này, do bị thương không thể tiếp tục lái máy bay được, ông Mỹ đã chuyển ngành sang Bộ Tài chính và công tác ở Tổng Công ty bảo hiểm cho đến lúc nghỉ hưu. Cứ đến tháng chín hằng năm, ông lại cùng mấy bạn bay ngày ấy ngồi lại với nhau bên một quán cà phê quen thuộc cạnh hồ Thiền Quang ngắm cái nắng vàng nhạt cuối hạ, cùng uống cà phê và ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, ngày còn bay lượn dọc ngang trên bầu trời tổ quốc. Và trong những câu chuyện đó, khi nào cũng nhắc lại chuyến bay trong ngày đưa tiễn Bác năm xưa!

Tháng 8 năm 2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.