Cá - nước vùng biên

Cá - nước vùng biên
TP - Hàng nghìn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ hoạt động kết nghĩa- gắn kết với những cán bộ, công nhân một số đơn vị quân đội. Học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, xoá dần hủ tục từ đó làm thay đổi cuộc sống từng gia đình trong buôn làng...

Rồi cũng vui vùng đồi đơn chiếc
> Binh đao Trần Đình Bá

Đám cưới mới ở làng Ngóh Rông

Đầu năm 2011, Kpui Sinh ở làng Ngóh Rông-Ia Kiel, Đức Cơ, Gia Lai bắt chồng cho con gái. Theo phong tục của người Jơ Rai, đám cưới phải làm năm ba ngày. Gia chủ khấm khá thì làm bò, heo, gà kèm theo vài chục ghè rượu để dân làng đến ăn uống, vui chơi. Họ hàng từ gần đến xa, từ già đến bé, không cần mời mọc, nghe có đám cưới đều kéo đến. Người giàu thì mang theo ghè rượu, con gà; nghèo khó thì cá khô, chuột sấy, hoặc năm mười ngàn đồng. Tất cả đều nhập chung lại, cùng nấu nướng ăn uống với nhau, say sưa triền miên trong những ngày này. Việc ăn cưới phụ thuộc vào quà góp của dân làng nên nằm ngoài sự chuẩn bị trước của gia chủ khiến chủ hôn luôn ở thế thụ động. Tập tục này là khá mất thời gian và tốn kém cho gia chủ.

Ngày trước ông bà mình đâu ở nhà xây, đâu có điện sáng, bây giờ mình dùng chẳng lẽ sai à? Già làng Rơ Ma Ơn nói

Anh Lê Văn Thăng, công nhân Đội 1 Công ty 75-Binh đoàn 15 hộ kết nghĩa với Kpui Sinh cho biết, trước khi gia đình Kpui Sinh tổ chức đám cưới, vợ chồng anh đã liên tục vận động, phân tích cái được cái mất của việc tổ chức cưới theo tập quán cũ với cách thức mới.

Anh chỉ cho Sinh những đám cưới của một số công nhân, người quen mà Sinh có dịp dự. Mưa dầm thấm lâu, dần dà gia đình Sinh cũng chấp thuận nghe lời Thăng. Ngày cưới của cặp vợ chồng trẻ Rơ Chăm Teo nhà gái mổ bò, heo song mời thợ từ phố huyện về nấu nướng, dựng rạp cưới bày biện bàn ghế hẳn hoi. Khách cũng là những người làng Ngóh Rông song họ đến lễ cưới ăn uống theo từng mâm, không phải mạnh ai nấy dọn ra từng góc sân trải lá theo tập tục cũ. Đám cưới chỉ diễn ra từ trưa đến chiều, kết thúc trong ngày. Có cả chụp hình lưu niệm. Nếu cưới theo nếp cũ đi toi cả bò, heo bia rượu mấy chục triệu đồng, đôi vợ chồng trẻ chẳng được gì, còn mất thời gian, bê trễ công việc. Đây là đám cưới đầu tiên ở làng Ngóh Rông không theo tập tục cũ.

Già làng Ngóh Rông ông Rơ Ma Ơn năm nay đã 81 tuổi song vẫn còn tráng kiện và minh mẫn, vui vẻ kể với chúng tôi: Hôm đám cưới con gái Kpui Sinh, già có dự. Trước khi tổ chức đám cưới này một số dân làng lời ra tiếng vào tâm sự với già, bảo thằng Sinh quên tập tục của đồng bào mình rồi? Sao già không ngăn nó? Già giải thích, nghĩ như vậy là không được, mình phải học, thấy cái gì hay, cái gì tốt thì làm theo chứ. Ngày trước ông bà mình đâu ở nhà xây, đâu có điện sáng, bây giờ mình dùng chẳng lẽ sai à? Rồi người dân cũng hiểu, đám cưới cả làng đều vui. Hôm đó già ưng cái bụng lắm.

Thoát nghèo nhờ gắn kết

Làng Ngóh Rông, xã Ia Krêl huyện biên giới Đức Cơ-Gia Lai có hơn 100 hộ, 99% dân số là đồng bào dân tộc Jơ Rai. Cây cao su của công ty 75 –Binh đoàn 15 về vùng này đã mấy chục năm song nhiều gia đình đồng bào tại chỗ vẫn bàng quan, không muốn làm công nhân, khó học hỏi những khái niệm khoa học kỹ thuật.

Kpui Sinh ở làng Ngóh Rông có 5 người con, đất đai không thiếu nhưng quanh năm vẫn nghèo đói. Năm 2007, Công ty 75 vận động anh vào công nhân Đội 1. Đi làm bữa được bữa nghỉ, ngày nào làng có ma chay, cưới hỏi, lễ lạt là Sinh ở nhà uống rượu dài dài. Cả làng Ngóh Rông nhiều trai tráng cũng thế, nào riêng gì anh. Năm 2008 Công ty 75 phát động phong trào gắn kết giữa công nhân có kinh nghiệm trong công ty với bà con dân tộc thiểu số còn nghèo khó trên địa bàn, anh Lê Văn Thăng công nhân Đội 1 kết nghĩa với Kpui Sinh.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn cà phê đang bắt đầu trĩu quả của mình, Kpui Sinh tâm sự: Những ngày mới vào công nhân mình không biết làm cái gì hết, các khâu kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cao su không làm được. Nhà có 5 sào lúa nước, đất vườn đất rẫy có 1,5 ha nhưng không biết cách làm nên năm nào cũng thiếu đói. Từ ngày kết nghĩa với Thăng, anh em thật sự tin cậy chia sẻ với nhau về cách trồng, chăm sóc cao su, cà phê, tiêu kể cả làm ruộng, làm rẫy nên kinh tế gia đình thay đổi hẳn. 600 cây cà phê năm nay bắt đầu cho trái. Ngoài rẫy đã trồng 500 cây cao su (gần 1ha) trong vườn năm trước trồng 50 trụ tiêu năm nay sẽ trồng 100 trụ nữa, rồi thu nhập từ việc thuê đất trồng mì năm 2010 thu gần trăm triệu đồng.

Đám cưới mới của con gái Kpui Sinh
Đám cưới mới của con gái Kpui Sinh.

Về nơi gắn kết đầu tiên

Những ngày cuối tháng 8-2011 này chúng tôi có mặt ở Công ty 74-Binh đoàn 15 đơn vị đầu tiên sáng kiến mô hình gắn kết nơi biên giới. Đại tá Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty tâm sự: Do đặc điểm của đơn vị có người đồng bào địa phương hơn 1.500 người; các đội sản xuất nằm xen kẽ ở 26 thôn làng địa bàn 6 xã một thị trấn của 2 huyện biên giới Đức Cơ và Ia Grai, Gia Lai những năm 2006-2007 tình hình an ninh, trật tự trên vùng canh tác cao su của đơn vị nhiều nơi phức tạp. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng còn khó khăn. Sau khi kết nghĩa giữa đội sản xuất với các làng có hiệu quả, lãnh đạo Công ty đã mạnh dạn chủ trương gắn kết giữa các hộ gia đình công nhân người Kinh với các hộ gia đình người đồng bào địa phương trong các làng, nhằm hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xoá dần hủ tục, thay đổi nếp sống, sinh hoạt. Nhiều việc rất đỗi bình thường ở vùng khác song lại mới mẻ với đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số, buộc phải kiên trì vận động, cầm tay chỉ việc cụ thể. Từ năm 2006 đến nay công ty đã tổ chức 6 đợt gắn kết, có 747 cặp hộ gồm gia đình người Kinh và gia đình người Thượng kết nghĩa giúp đỡ nhau mọi mặt cuộc sống. Hằng năm, đến Ngày gia đình Việt Nam, lãnh đạo công ty lại tổ chức để gặp gỡ, giao lưu khen thưởng những cặp hộ làm tốt, trở thành một nét đẹp một phong trào thi đua ở cơ sở.

Đưa chúng tôi đi thăm làng Kòm Ngol –xã Ia Chía-huyện Ia Grai, làng kết nghĩa với Đội 12, thiếu tá Ngô Tịnh-Đội trưởng cho biết: Qua phong trào gắn kết giữa Đội với làng, giữa công nhân trong đội với 35 hộ trong làng 5 năm qua đời sống bà con dân làng thay đổi rõ lắm. Trước đây, khi làng có ma chay, cưới xin là bà con bỏ việc năm bảy ngày nghỉ ăn lễ xong mới quay lại làm việc.

Ngày trước, khi có người chết không ít gia đình làm một hòm chôn hết người này đến người khác chung một mộ; đám chết để năm bảy ngày, ma chay, chiêng trống, ăn uống đều ở ngoài nghĩa địa cả, giờ tục chôn chung không còn, đám ma chỉ làm vài ngày.

Dạo một vòng quanh làng Kòm Ngol: đường nhựa, điện lưới quốc gia đã vào khắp đầu làng ngõ xóm, bà con đã tách hộ, lập vườn và bám mặt tiền. Đất đai quanh làng được tận dụng để trồng cao su, điều, sắn, không còn hoang vu, bỏ phí. Chúng tôi không hẹn trước nên đa số dân làng đều đi nương, đi rẫy. Thấy một căn nhà mở cửa ghé vào, chủ nhà giới thiệu là Rơ Mah Yê, sinh năm 1980 con gái đầu học lớp 5 đang có bầu sắp sinh đứa thứ 2. Chị cho biết gia đình ‘kết nghĩa” với anh Nguyễn Văn Canh đã nhiều năm rồi, mọi việc đều có Canh tận tình hướng dẫn. Từ chỗ thiếu đói không đủ gạo ăn, bây giờ vợ chồng Yê đã xây được nhà, có ti vi, tủ lạnh, máy giặt...

Nhiều buôn làng Tây Nguyên đang chuyển mình. Nếp sống du canh, du cư cùng không ít tập tục sinh hoạt lạc hậu lùi dần. Mô hình gắn kết là mối tình cá - nước để buôn làng đổi thay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG