Chuyện đại ca và người nổi tiếng cai nghiện

Chuyện đại ca và người nổi tiếng cai nghiện
TP - Trại cai nghiện nằm lưng chừng núi, không tường rào, không dây thép gai. Sống trong đó là những người cai nghiện tự nguyện, các đại ca một thời và cả một số người nổi tiếng.

Con đường đến Cơ sở Cai nghiện ma túy tư nhân tự nguyện - TVN ở xóm Suối Rè (xã Cư Yên, Lương Sơn, Hòa Bình) khá gập ghềnh. Trong những số phận tại trại cai có trường hợp cai xong tình nguyện ở lại đây giúp những người lầm lỡ như mình tránh xa ma túy.

Anh Trần Đình Giang (trái) đang sửa chữa xe máy.Ảnh: K.N - TV
Anh Trần Đình Giang (trái) đang sửa chữa xe máy.Ảnh: K.N - TV.

Coi nhau như người một nhà

Trước khi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy tư nhân tự nguyện- TVN (gọi tắt là Cơ sở TVN), chúng tôi gặp Trần Đình Giang, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy. Trong bộ quần áo dính dầu mỡ, Giang bộc bạch: “Tôi mắc nghiện trong thời gian học nghề sửa xe máy ở phố Huế (Hà Nội). Một lần bị chủ nhà trọ và bạn bè rủ rê nên đã thử cảm giác lạ, rồi nghiện lúc nào không biết. Lúc có tiền, mỗi ngày chơi hết 500 nghìn đồng”.

Kinh tế gia đình kiệt quệ, bố mẹ giục Giang lấy vợ mong con bớt chơi bời, tu chí làm ăn. Khi đó, cô người yêu biết Giang mắc nghiện nhưng vẫn quyết kết hôn cùng anh. Vì thương vợ con, bố mẹ già, Giang nhiều lần cố gắng cai nghiện nhưng không thành công.

Có lần, Giang tự xích chân nhằm thoát khỏi cơn thèm mà vẫn không được. Đang lúc tuyệt vọng thì gần nhà xuất hiện Cơ sở TVN, Giang đăng ký. Giang cho biết: “Uống loại thuốc cắt cơn ở cơ sở này thấy hết “cù” nhanh hơn, nghĩa là cắt cơn bình thường phải mất 10 ngày, nhưng ở đây chỉ mất 1 tuần. Những lúc bị “cù”, nhờ có vợ xoa bóp chân tay, đấm lưng nên vượt qua được cơn thèm, dần không còn nhớ nàng tiên nâu nữa. Sức khỏe của tôi giờ đã tốt lên, trước có 55kg, giờ đã tăng lên 68kg”.

Đang mang bầu vượt mặt, vợ Giang phấn khởi: “Bỏ được ma túy chủ yếu là do quyết tâm, bản lĩnh của anh ấy. Gia đình chỉ giúp được phần nhỏ thôi”. Vợ chồng Giang hiện có một con gái 4 tuổi và cháu thứ 2 sắp chào đời. Từ khi cai được nghiện, với số tiền vợ chồng tích cóp cùng sự giúp đỡ của bố mẹ và vay mượn thêm, Giang đã cất được ngôi nhà mới rộng rãi hơn.

Anh Trần Đình Giang và con gái
Anh Trần Đình Giang và con gái .

Cơ sở TVN nằm ở lưng chừng núi, không có hàng rào thép gai hay kín cổng cao tường như thường thấy ở các trung tâm cai nghiện. Anh Trần Ngọc Oai - Giám đốc Cơ sở TVN cho biết: “Cơ sở chúng tôi được thành lập theo Nghị định 147/CP ban hành năm 2003 quy định về điều kiện, thủ tục cấp phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, do Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cấp giấy phép. Theo tôi biết, hiện cả nước mới có khoảng 20 cơ sở cai nghiện ma tuý tư nhân hoạt động, bởi có được giấy phép phải qua quá trình kiểm soát rất kỹ”.

Cở sở TVN có 12 người, gồm ban giám đốc, bác sỹ, y sỹ, y tá, điều dưỡng, cấp dưỡng, bảo vệ, kế toán… Giám đốc Oai quê ở Từ Liêm (Hà Nội). Anh cùng chơi cờ, xem bóng đá với bệnh nhân, đôi khi còn tranh luận, chạm đến lòng tự ái để họ hiểu ra vấn đề.

Anh Oai cho biết: “Bệnh nhân nghiện mắc cái tôi dữ lắm, nhiều người cứ nhận mình giỏi. Tôi bảo anh bỏ hẳn được ma túy mới là giỏi, nếu chưa cai được thì dù có giỏi bao nhiêu cũng không ai công nhận. Khích thế, anh em mới quyết tâm cai. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để họ thấy lóe lên niềm hy vọng tốt đẹp hơn để trở về gia đình”.

Hùng (SN 1968, ở Hà Nội, tên bệnh nhân đã được PV thay đổi), mắc nghiện gần 20 năm, từng cai ở nhiều nơi nhưng không được. Khi người nhà đưa đến đây đã cảnh báo Hùng có “biệt tài” trốn khỏi trung tâm cai nghiện. Đưa ra đảo để cai, Hùng vượt đảo về nhà. Tuy nhiên, sau thời gian cắt cơn, chính Hùng bỏ ý định trốn về, xin ở lại điều trị tại TVN thêm 3 tháng.

Sở dĩ có chuyện này bởi Hùng đi cai ở nhiều nơi, nhưng chưa đâu thấy cán bộ quản lý gần gũi bệnh nhân như tại đây. GĐ Oai nói: “Tôi nghĩ Hùng có khả năng cai thành công, bởi có lần anh xin về thăm con, chúng tôi tin tưởng nên đồng ý. Đúng 3 ngày như đã hẹn, Hùng trở lại cơ sở, chúng tôi kiểm tra thấy anh không sử dụng ma túy”.

Cuộc trò chuyện với GĐ Oai bị ngắt quãng khi bảo vệ báo có bệnh nhân cũ và người nhà đến chơi. Rồi một người đàn ông đứng tuổi cùng một thanh niên bước vào. Thoáng thấy chúng tôi, người đàn ông đứng tuổi có vẻ hơi ngại. Hóa ra người thanh niên bị nghiện ma túy, từng cai ở vài nơi nhưng chưa được. Cai ở đây về thấy ổn định, nên hôm nay anh cùng bố (là một cán bộ tỉnh) lên thăm trại và tặng một đầu kỹ thuật số để các bệnh nhân xem ca nhạc, thư giãn trong thời gian cai nghiện.

Tai tiếng một thời

Trong số những bệnh nhân cai nghiện ở đây, nổi tiếng hơn cả phải kể đến ông Trịnh Ngọc Long (SN 1956), trú tại thị trấn Lương Sơn, từng có vài tiền án, nhiều lần đi cai nghiện bắt buộc.

Ông Trịnh Ngọc Long (phải) nói chuyện với Giám đốc Trần Ngọc Oai
Ông Trịnh Ngọc Long (phải) nói chuyện với Giám đốc Trần Ngọc Oai.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Long điềm đạm kể: "Năm 1974, tôi đi bộ đội rồi vào giải phóng Sài Gòn. Tại đây, thấy dáng người tôi gầy và cao lêu đêu, nên có người gọi đùa tôi là Long xì ke, không ngờ cái tên đó lại vận vào đời mình.

Sau khi tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, tôi ra quân đi học nghề lái xe, rồi được về làm tại Thủy điện Sông Đà. Tôi vốn không uống rượu chè, không cờ bạc, yêu văn hóa, văn nghệ, thích võ thuật. Khi nhỏ được bố và chú dạy nên khả năng đánh đấm cũng ra trò. Tuy nhiên, cuộc sống lái xe xa nhà, nay đây mai đó nên nẩy sinh nhiều sa đà, tiêu cực rồi vướng vào ma túy lúc nào không hay.

Năm 33 tuổi tôi lấy vợ, một cô gái thuộc diện hoa khôi của tỉnh Hòa Bình thời đó. Tôi có chơi thuốc phiện nhưng vợ chưa biết. Đến năm 1993, 1994, tôi sa đà vào các bãi đào vàng ở Mai Châu, Kim Bôi, Yên Lạc. Các lán, bưởng đều có bàn đèn. Rồi tôi bỏ nghề lái xe, mê muội theo ma túy. Tôi nổi lên là một trong những tay anh chị của tỉnh Hòa Bình với thành tích bất hảo".

Ông Long kể tiếp: “Vì mình là con nghiện lâu năm nên dân chơi thường gọi là kèn già. Tôi sống được đến hôm nay là nhờ chị gái giúp đỡ. Tôi từng đi cai ở các trung tâm của nhiều tỉnh, thành miền Bắc, rồi hàng chục lần tại trung tâm cai nghiện Hòa Bình, quen mặt tất cả cán bộ. Vào Cơ sở TVN, tôi uống thuốc cai nghiện thấy ít mệt và hồi phục nhanh hơn. Thêm vào đó, tôi lại được con trai lên thăm, thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc. Khi cơn ghiền nổi lên, tôi nghĩ đến con, là lấy lại được thăng bằng".

Sau khi cai nghiện đạt kết quả, ông Long tình nguyện ở lại Cơ sở TVN để phục vụ lâu dài. Công việc của ông là giúp đỡ các bệnh nhân mới, chia sẻ với họ những tác hại của việc tái nghiện, sự mất mát của cuộc đời mình...

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG