Năm ngày vật lộn với tử thần

Chiều ngày 6-1,Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng đoàn tụ cùng vợ con và gia đình. Ảnh: Quang Long
Chiều ngày 6-1,Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng đoàn tụ cùng vợ con và gia đình. Ảnh: Quang Long
TP - Trước khi xuất hành, tàu Vinalines Queen neo đậu gần một bến cảng của Indonesia và tại đây, hàng hóa được chuyển lên tàu qua các sàlan. “Khoảng ngày 19-12-2011, tàu nhổ neo, bắt đầu hành trình!”, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng kể. Anh cho biết, trước và sau khi rời cảng ra khơi, thời tiết tương đối đẹp.

Đây là chuyến viễn dương đầu tiên của thủy thủ Đậu Ngọc Hùng trên con tàu chở hàng được đánh giá là hiện đại, tối tân. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Hàng hải tại TP HCM, Đậu Ngọc Hùng từng lái tàu cho một công ty tư nhân tại Nghệ An.

Ngày 4-10-2010, Hùng chuyển sang làm thủy thủ của tàu Hoa Lư (Vinalines) và tháng 10-2011, Đậu Ngọc Hùng trở thành thủy thủ chính thức của tàu Vinalines Queen. “Cảm nhận đầu tiên của tôi khi gia nhập thủy thủ đoàn là không khí làm việc đầm ấm, cởi mở tình đồng nghiệp, anh em!”, Hùng nhớ lại.

Trước khi rời bến vài ba ngày, thủy thủ gọi điện về nhà thăm hỏi người thân trong gia đình và mong hoàn thành tốt công việc, sớm được trở về sum vầy, đón tết cùng vợ con.

Thoát chết lần 1

Tàu mải miết chạy theo lộ trình đã định và trong những ngày đầu, không hề có một biến cố nào. “Rạng sáng ngày 25-12, sau ca làm việc tôi về phòng nghỉ thì nhận được tín hiệu báo động do tàu bị nghiêng. Theo lệnh của thuyền trưởng, anh em trên tàu tập trung tại buồng lái và sau đó theo sự phân công của chỉ huy, tất cả vào vị trí sẵn sàng đợi lệnh!”, anh Đậu Ngọc Hùng kể.

Thủy thủ Hùng cho biết, anh được giao đứng ở mạn trái con tàu, có nhiệm vụ mở dây buộc xuồng cứu sinh.“Tàu bị nghiêng và chìm rất nhanh!”, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng rùng mình nhớ lại.

Hoảng hốt, nhưng Đậu Ngọc Hùng và thủy thủ đoàn không ai dám mạo hiểm nhảy xuống biển lúc tàu chìm. Với sức cuốn của chân vịt và khối lượng tàu đồ sộ như Vinalines Queen, khi tàu chìm sẽ tạo ra sức hút kéo vật chất bên trên xuống đáy biển.

Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng bị dòng nước kéo tuột xuống, nhưng may mắn hơn nhiều đồng nghiệp là ngay sau đó anh ngoi được lên mặt biển. “Tôi chìm xuống khá sâu, đã uống 2 ngụm nước mặn!”, Hùng nói.

Theo lời kể của chàng thủy thủ, sự may mắn kết hợp với kinh nghiệm sông nước đã giúp anh thoát chết. “Lúc bị chìm, tôi chẳng kịp nghĩ gì cả. Tôi phản xạ theo bản năng, kinh nghiệm bơi lội và gắng hết sức ngoi lên để thở!”, Đậu Ngọc Hùng kể.

Nhớn nhác nhìn quanh, con tàu đồ sộ đã biến mất trong khoảnh khắc và xung quanh biển cả mênh mông ùn ùn những đợt sóng cao, không một bóng người. Chiếc áo phao hộ thân anh mặc trên người cũng đã bị sóng nước xé toạc. Anh chẳng biết bấu víu vào đâu.

Thoát chết lần 2

Bơi, cố gắng đè lên ngọn sóng và lấy hết sức bình sinh tự cứu mình, một lần nữa thần may mắn lại mỉm cười với Đậu Ngọc Hùng: Cách chỗ anh khoảng 4-5m, một chiếc phao bè đang nổi dập dềnh. Đậu Ngọc Hùng đạp nước tiến gần đến chiếc phao. Càng bơi, chiếc phao bè càng bị sóng đánh bật ra xa như muốn thử sức kình ngư.

Sau một lúc vật lộn với sóng biển, cuối cùng Hùng cũng tiếp cận được chiếc phao cứu mạng và trèo lên. Đó là vật cao su hình tròn được bơm hơi, chiều rộng chiều dài chỉ nhỉnh hơn chiếc giường đôi, bên trên có mái che, xung quanh được che chắn bằng vật liệu mềm. Trên phao bè được trang bị nước uống, lương khô, pháo khói, đuốc cầm tay và cả thuốc kháng sinh để sơ cứu vết thương.

Toàn thân ướt sũng, gió lạnh bủa vây trong sáng sớm thời tiết ảm đạm khiến anh rét run, mệt nhoài. Đậu Ngọc Hùng kiểm tra hành lý trên phao bè và tìm thấy chiếc túi cách nhiệt. Chiếc túi có tác dụng chống khí lạnh thâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể, đồng thời giúp thủy thủ giữ được thân nhiệt.

“Nếu không giữ nhiệt cho cơ thể thì sẽ mau đuối sức, thậm chí dẫn tới đột quỵ! Cũng may cho tôi là trên phao bè có sẵn chiếc túi loại này!”, Hùng kể. Kéo khóa che kín gió, ngồi một lúc lấy lại sức, anh quan sát bốn phía rồi phát hiện thấy một chiếc xuồng cứu sinh nổi bồng bềnh trên mặt biển, cách phao bè khoảng 50m.

“Ban ngày, tôi nhìn thấy chiếc xuồng rất rõ, tôi hy vọng có anh em đồng nghiệp đang ở trên đó, mong mọi người thoát nạn như tôi!”, Đậu Ngọc Hùng kể, mắt anh đượm buồn. Từ phao bè, Hùng cất tiếng gọi tên anh em trên tàu, nhưng đáp lại là sự im lặng.

Anh dùng sức đạp nước, hy vọng áp sát chiếc xuồng cứu sinh nhưng chiếc phao cứ quay tròn, gió to sóng lớn đánh bật trở lại. Lạ lùng ở chỗ, khoảng cách giữa xuồng và phao không mấy biến động, chúng cứ dập dềnh trôi trên biển.

“Hình như trên xuồng không có ai?!”, lúc đó Hùng tự nhủ. Chàng thủy thủ liên tiếp phát tín hiệu nhưng xuồng bên kia không có tiếng trả lời. Đậu Ngọc Hùng ngả lưng, mệt mỏi thiếp đi, nhưng giấc ngủ chập chờn vì anh sợ lúc ngủ có tàu thuyền đi qua không phát hiện thấy.

“Nhiều lần nhổm dậy, thò đầu ra ngoài quan sát nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài bọt sóng!”, Hùng kể. Một mình giữa đại dương mịt mùng đối mặt với sự sống và cái chết, đã có lúc anh nghĩ đến tình huống xấu nhất.

Hình ảnh vợ và đứa con gái bé bỏng lại cuộn lên. “Mỗi lúc nghĩ đến gia đình, tôi lại lo lắng và tự nhủ phải tìm cách chiến thắng sự cô đơn, chiến thắng rủi ro để sống!”, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng tâm sự. Anh vẫn luôn nuôi hy vọng sẽ sống sót, sẽ được trở về nhà.

Lương thực, nước uống dự trữ trong phao bè đủ giúp anh chống chọi qua nhiều ngày. Sợ nhất là thời tiết xấu gây biển động. Lúc đó, chiếc phao sẽ bị giông tố xé nát.

Thoát chết lần 3

Gió mỗi lúc một rát, biển động. “Những con sóng dồn dập tấn công chiếc phao khiến nó liên tục xoay tròn, nghiêng ngả!”, Đậu Ngọc Hùng cho biết. Vất vả chống chọi suốt đêm 25, đến sáng ngày 26 tháng 12 bất ngờ một đợt sóng ập đến khiến phao bè lật úp.

Chiếc phao che chắn kín mít như căn hộ di động, lúc bị lật nước chưa thể vào ngay nên thủy thủ Hùng vẫn có thể thở được.

Anh kéo khóa chui ra ngoài, ngoi lên mặt nước và gắng dùng sức trèo lên phần đáy. “Trong cơn nguy khốn, bất ngờ tôi nhìn thấy một sợi dây buộc vào bên dưới phao bè. Tôi kéo sợi dây và phát hiện nó nối với chiếc xuồng cứu sinh!”, Đậu Ngọc Hùng kể. Lần thứ ba, may mắn lại đến với anh…

Lúc 5h48 phút ngày 25-12 chúng tôi nhận được cuộc điện thoại đầu tiên thông báo là tàu Vinalines Queen bị nghiêng 20o và thuyền trưởng đã chuyển sang hướng 240o để hành hải tới vị trí an toàn. Lúc 6h58 phút, chúng tôi nhận được cú điện tiếp theo của thuyền trưởng báo rằng tàu đang chạy theo hướng 240o và nghiêng 18o. Đến 7h10 phút, chúng tôi cũng liên lạc được với tàu khi đang di chuyển theo hướng 240o đến nơi trú ẩn an toàn gần nhất, sau đó thì chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với tàu Vinalines Queen”. - Một lãnh đạo Công ty Vận tải biển Vinalines Shipping nói với báo giới.

 

Quang Long
Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG