Ở "tiểu bang" Quảng Ngạn

Ở "tiểu bang" Quảng Ngạn
TP - Hầu hết hộ gia đình trong làng có người thân định cư ở Mỹ, đều đặn gửi tiền về nên xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế một thời nổi tiếng với tên gọi “tiểu bang Quảng Ngạn” và hình ảnh ăn không ngồi rồi chờ tiền ngoại viện. Bây giờ thì khác. Ngư dân đã trở lại với biển.

> Cá dữ Tam Giang

Biển Quảng Ngạn sau đợt không khí lạnh tăng cường, sóng đập vào bờ dữ dội. Đằng xa, từng chiếc thuyền nan nhỏ băng sóng chạy vào bờ sau ngày dài lênh đênh đánh bắt.

Ông Trần Thanh Hùng - trưởng làng Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, kể: “Trong nhà những người trên thuyền nớ ai cũng có người thân đi Mỹ, nhưng họ vẫn đi biển mỗi ngày, hiểm nguy vẫn không bỏ”.

Thời “tiểu bang Quảng Ngạn”

Người dân làng Tân Mỹ vẫn kiên trì bám biển để tự nuôi sống và đem lại niềm vui đích thực cho mình và gia đình
Người dân làng Tân Mỹ vẫn kiên trì bám biển để tự nuôi sống và đem lại niềm vui đích thực cho mình và gia đình.
 

Cái tên làng Tân Mỹ ra đời từ rất lâu, trước khi nó trở thành một ngôi làng sống bằng tiền của người thân từ Mỹ gửi về vào khoảng thập niên 1980. Hầu như nhà nào cũng có người thân đi Mỹ, có nhà đến bốn, năm người. Họ là những người ngư dân vì đói khổ mà đi tìm cái ăn. Người đi xa vì thương cha mẹ và người thân ở nhà nên gom góp gửi tiền về giúp đỡ.

Vậy là, chỉ sau mấy năm, Tân Mỹ đã “thay hình đổi dạng”. Từ một làng chài nghèo đói, giờ chỉ nghe toàn nói chuyện Mỹ và ngồi chờ giấy mời đi nhận đô la. Có người cao hứng gọi làng mình là “tiểu bang Quảng Ngạn”, ý nói một tiểu bang thuộc Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Ít thấy người đi làm và cũng không nhiều người đi học.

Ông Nguyễn Quảng, 72 tuổi, có 4 con lẫn cháu đang ở Mỹ, là một trong những gia đình có người đi Mỹ đầu tiên của làng Tân Mỹ: “Đồng tiền đó đổi bằng mồ hôi và cả mạng người, chua chát lắm chứ có chi mà sung sướng”.

Ông Quảng kể, hồi đó, do cuộc sống khó khăn, miếng ăn qua ngày kiếm cũng khó, biển lại động triền miên. Nghe một vài người nói với nhau sang Mỹ dễ dàng làm giàu, thế là nhiều người dân làng Tân Mỹ đã rủ nhau sang đó kiếm ăn. Những chuyến đi hoàn toàn bí mật.

Tính mạng của bốn, năm người được phó thác cho một chiếc thuyền nan nhỏ và mươi lít dầu. Sau đêm tiễn biệt người thân ở bờ biển, mọi thông tin về chiếc thuyền từ đó biệt tăm. Mãi cho đến ngày thấy người thân trở về đứng trước mặt mình, mọi người mới biết là họ còn sống.

Lúc đầu mới sang Mỹ, họ phải làm đủ thứ nghề quét rác, cắt cỏ, giúp việc, phụ hồ…, để kiếm sống. “Cực nhọc như rứa thì răng tụi tui có thể ăn bám vào đồng tiền mồ hôi của người thân mình được”, ông Quảng nói.

Một mực bám biển

Vừa nghe chúng tôi đùa làng “mới” nhờ tiền Mỹ, ông Hùng đã bào chữa ngay: “Có chi mô mà đổi mới. Từ ngày có tiền bên Mỹ gửi về, làng có thêm một số ngôi lăng mộ lớn là mới thôi. Các anh nhìn coi, nhà cửa thì cũng như bao làng chài khác, toàn nhà cấp bốn lúp xúp.

Sinh hoạt, ăn uống của dân trong làng không vì tiền từ nước ngoài gửi về mà sang hơn những nơi khác”. Ông Hùng nói làng Tân Mỹ chỉ có một điều đáng tự hào, đó là dù có tiền người thân gửi về nhưng vẫn quanh năm bám thuyền, bám biển. Và cái tên “tiểu bang Quảng Ngạn” chỉ còn là chuyện hài hước của một thời.

3 giờ chiều. Bãi biển Tân Mỹ nhộn nhịp tiếng người chờ thuyền cập bờ, tiếng trẻ chơi đùa hòa lẫn tiếng sóng vỗ và gió rít. Những chiếc thuyền ngoài khơi xa lần lượt vào đến bờ. Trên thuyền, khuôn mặt người nào cũng phờ phạc vì vừa phải gồng mình chống chọi sóng biển.

Anh Trần Ngọc Minh nói to: “Biển cho của như rứa mắc chi không lấy”. ảnh: tiến long
Anh Trần Ngọc Minh nói to: “Biển cho của như rứa mắc chi không lấy”. Ảnh: Tiến Long.

Khi được hỏi vất vả thế, lại có tiền gửi từ nước ngoài về tại sao không đổi nghề hoặc bỏ nghề biển cho… đỡ khổ, anh Trần Ngọc Minh, một chủ thuyền chỉ tay vào khoang đang chất đầy cá hố, nói to: “Biển cho của như rứa mắc chi không lấy !”.

Anh Minh cho biết: Tiền cha mẹ, anh em gửi về có nhiều đến mấy, thì tiêu cũng hết. Nếu lấy tiền đó gửi ngân hàng, đến tháng nhận tiền lãi cho con cái học hành, con cái vừa được cái chữ, gia đình lại góp được ít vốn sau này cho con làm ăn. Dù biển động hay mất mùa, nếu bám biển đều đều, mỗi tháng còn thu nhập được vài ba triệu.

Vì thế, không lý do gì mà người dân Tân Mỹ bỏ cái nghề kiếm sống của cha ông. Ông Lê Văn Toàn, 60 tuổi đã có nửa đời gắn bó với biển nói, những khoản con cháu gửi từ nước ngoài về có thì được, không có cũng xong.

Những ngày không đi biển, ông Toàn thấy người bần thần, khó chịu, lại đứng bờ mà trông ra khơi. “Bọn tui coi thuyền là nhà, biển là quê hương rồi mà…”, ông Toàn nói.

Nghề biển vất vả và hiểm nguy nhưng biển vẫn là nguồn sống lâu bền của người dân Tân Mỹ
Nghề biển vất vả và hiểm nguy nhưng biển vẫn là nguồn sống lâu bền của người dân Tân Mỹ.

Ông trưởng thôn cho hay, những người dân trong làng sau thời gian dài ở bên Mỹ, vừa về đến nhà là đã xin ra khơi đánh bắt cá ngay.

Mới đây, ông anh họ của ông Hùng từ Mỹ về, ra bờ thấy người dân thu hoạch được nhiều cá, thế là hôm sau xin cho cùng đi đánh cá. Đến ngày bay sang Mỹ, họ tiếc là không được ở lại lâu hơn để đi biển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.