Gặp tác giả cuốn sách nổi tiếng “Điệp viên hoàn hảo”

Gặp tác giả cuốn sách nổi tiếng “Điệp viên hoàn hảo”
TP - Nhờ sự giúp đỡ dàn xếp của một đồng nghiệp TTXVN thường trú tại Washington D.C và một cựu binh Mỹ, ngày 28/3/2007, tôi được gặp và có cuộc trao đổi thú vị với giáo sư Larry Berman- tác giả cuốn sách nổi tiếng vừa phát hành tại Mỹ mang tựa đề “Điệp viên hoàn hảo”.
Gặp tác giả cuốn sách nổi tiếng “Điệp viên hoàn hảo” ảnh 1
Tác giả Larry Berman (trái) và Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

>> Phạm Xuân Ẩn -  Điệp viên hoàn hảo

Cuốn “Điệp viên hoàn hảo” do Nhà xuất bản Smithsonian Books/Haper Collins ấn hành mới được chính thức ra mắt độc giả hôm 24/4 vừa qua tại một buổi lễ được tổ chức trọng thể tại trường Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ).

Đây là cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin có giá trị lịch sử cao viết về nhà tình báo xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thiếu tướng, Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Ẩn.                 

Cơ duyên cuộc hội ngộ

Người cựu binh Mỹ giúp chúng tôi gặp được tác giả Larry Berman là ông Sedgwick D. Tourison - nguyên sĩ quan thẩm vấn thuộc Cơ quan tình báo quân sự Mỹ (DIA), nguyên là nhân viên Ủy ban đặc biệt Thượng viện Hoa Kỳ về vấn đề POWs/MIA.

Trong thời gian cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ông Sedgwick D. Tourinson đã 2 lần sang tham chiến tại miền nam Việt Nam, thuộc các giai đoạn 1961-1963; 1965 - 1967, và một thời kỳ ở Lào giai đoạn 1971 - 1974.    

Sedgwick D. Tourison là đại tá tình báo quân sự Mỹ, nay đã nghỉ hưu nhưng nhờ có khả năng nói rất sõi tiếng Việt (vợ ông là người Việt Nam) ông thường được mời làm phiên dịch cho các phiên tòa ở Mỹ xét xử các vụ kiện liên quan đến người Việt.

Vừa qua, ông đã cùng một nhóm cựu binh Mỹ đấu tranh vì hòa bình và công lý ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Cuối năm 2005, khi đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do giáo sư Nguyễn Trọng Nhân dẫn đầu thực hiện chuyến thăm và làm việc tại 12 bang và thành phố lớn Hoa Kỳ, cựu đại tá tình báo Mỹ Sedgwick D. Tourison đã tham gia tích cực và giúp đỡ đoàn. Ông Sedgwick D. Tourison còn có tên Việt Nam là Lê Văn Tùng.

Ông công khai ủng hộ việc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện đòi Chính phủ Mỹ và những Cty hóa chất Hoa Kỳ liên quan phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với tác giả Larry Berman diễn ra tại một tiệm ăn Việt Nam bên bờ sông Potomac, thuộc địa phận bang Maryland, gần Washington D.C.

Ông chủ quán tên Minh biết tôi là nhà báo từ Hà Nội mới sang, đã tự hào khoe rằng, ông được Đại sứ quán Việt Nam tin cậy, nhiều lần đặt hàng làm món ăn cho đoàn cấp cao từ trong nước sang thăm Mỹ. Gần đây nhất là đoàn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, trước đó là đoàn của Phó Thủ tướng Vũ Khoan...

Hôm đó, do trễ tàu, tác giả “Điệp viên hoàn hảo” Larry Berman đến muộn. Trong lúc chờ ông, chúng tôi ngồi nhâm nhi bia Mỹ và bàn chuyện thời cuộc.

Larry Berman - giáo sư, nhà văn

Nhìn bề ngoài Larry Berman chẳng có dáng dấp một học giả nổi tiếng. Xuất hiện trong bộ trang phục giản dị, áo sơ mi dài tay màu xanh dương, không complet cravat, quần âu vải sợi sáng màu, tác giả “Điệp viên hoàn hảo” không giống như những vị giáo sư nổi tiếng Mỹ mà tôi từng gặp.

Phải nói chuyện một lúc với Larry Berman người ta mới nhận thấy sự hiểu biết và khả năng phân tích, đánh giá của ông về các vấn đề lịch sử quan hệ quốc tế, đặc biệt là về quan hệ Mỹ - Việt là siêu đẳng.

Trước khi gặp Larry Berman, tôi đã biết ông là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Không hòa bình, Không danh dự: Nixon, Kissinger và Sự phản bội ở Việt Nam”. Đây là cuốn sách rất có giá trị lịch sử về giai đoạn cuối cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Tổng thống Mỹ thời đó là Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã liên tục phản bội nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam trong những năm đầu 1970.

Larry Berman còn là tác giả cuốn “Cuộc chiến tranh của Lyndon Johnson”, nói về nội tình bộ chỉ huy chiến tranh của Mỹ ở Nhà Trắng thời kỳ Tổng thống Lyndon Johnson.

Sau này tìm hiểu về Larry Berman tôi biết thêm ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách khác có giá trị tư liệu lịch sử về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như “Con đường đi đến bế tắc ở Việt Nam”, “Vạch kế hoạch cho một thảm họa: Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.

Tôi ngạc nhiên khi được Larry Berman cho biết ông không phải là một cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Larry Berman không hề đi lính mà chỉ thuần tuý là một học giả. Từ đâu mà ông lại có sự hiểu biết nhiều về Việt Nam để cho ra đời những cuốn sách nổi tiếng nói trên?

Larry Berman vốn là một nhà nghiên cứu lịch sử. Hiện nay ông là giáo sư dạy về khoa học xã hội tại trường Đại học California Davis (Hoa Kỳ). Ông nghiên cứu chuyên sâu và giảng dạy về các vấn đề liên quan đến qui tắc điều hành của chính phủ và Tổng thống Mỹ và đặc biệt là về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Larry Berman cho biết, ông đã kết hôn và có hai người con, trong đó người con trai ông năm nay 28 tuổi, có việc làm rất tốt ở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington D.C, và con gái 25 tuổi cũng có việc làm tốt ở Mexico.

Ông cho biết hiện nay từ Việt Nam đã có ít nhất 4 nhà xuất bản đề nghị được dịch và ấn hành cuốn “Điệp viên hoàn hảo” của ông.

Ông Phạm Xuân Ẩn không thích tựa đề “Điệp viên hoàn hảo”

Trong khoảng hai giờ đồng hồ trao đổi với chúng tôi, giáo sư Larry Berman kể nhiều chuyện về quá trình ông viết cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”. Trong đó, có nhiều chuyện ông đã đưa vào sách, nhiều chuyện thú vị khác vẫn còn nằm trong sổ tay của tác giả.

Larry Berman cho biết để khai thác được nhiều thông tin về cuộc đời của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, ông đã phải sang Việt Nam tất cả 18 lần. Sau buổi đầu tiên gặp ông Phạm Xuân Ẩn tại một bữa tiệc tối ở TPHCM, Larry Berman đã phải mất 5 năm để hoàn thành cuốn sách này.

Có thời kỳ Larry Berman cảm thấy ông Phạm Xuân Ẩn tỏ ra không muốn tiết lộ nhiều bí mật về cuộc đời mình, giáo sư đã phải nhờ một người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi và xinh đẹp từ Mỹ sang TPHCM, đến thăm và hỏi chuyện Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn bên giường bệnh.

Quả nhiên, ông Phạm Xuân Ẩn tỏ ra cởi mở hơn. Có lần khi cô gái chào tạm biệt và xin phép một lúc nào đó được trở lại thăm, ông Phạm Xuân Ẩn đã rất niềm nở trả lời rằng: “Cháu có thể vào thăm chú ngay sáng mai cũng được”.

Thiếu tướng tình báo Việt Nam cho biết, các tin tức tình báo chiến lược được ông viết bằng mực bí mật mắt thường không nhìn thấy lên một mẩu giấy rồi cuộn lại nhét vào vỏ trứng để chuyển tới các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.

Sau khi viết xong bản thảo, Larry Berman đưa cho ông Phạm Xuân Ẩn xem trước khi in. Nhưng vị Thiếu tướng tình báo Việt Nam đã từ chối, nói rằng ông chỉ đọc sách đó sau khi đã chính thức được phát hành. Giáo sư Larry Berman cho biết, ông Phạm Xuân Ẩn không thích cuốn sách về cuộc đời ông mang tựa đề là “Điệp viên hoàn hảo”.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn muốn đổi lại là “Điệp viên may mắn” để nghe có vẻ khiêm tốn hơn. Mặc dù vậy, ông Phạm Xuân Ẩn vẫn tôn trọng ý kiến của tác giả, giữ nguyên tựa đề cuốn sách như bản thảo ban đầu.

Tác giả Larry Berman cho biết, sau mỗi lần sang Việt Nam phỏng vấn ông Phạm Xuân Ẩn, khi trở về Mỹ giáo sư đều đi tìm gặp những người bạn bè hoặc chỉ đơn thuần là người quen biết của ông Thiếu tướng tình báo Việt Nam.

Tất cả những người Mỹ từng quen biết hoặc có thời làm việc với ông Phạm Xuân Ẩn đều sửng sốt khi nghe giáo sư Larry Berman cho biết đó là một điệp viên xuất sắc tầm thời đại của Cộng sản Việt Nam trong vỏ bọc một phóng viên của hãng Reuters và sau đó là của tạp chí Times.

Những người này đều cho biết họ không mảy may nghi ngờ một chút nào về việc ông Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo. Giáo sư Larry Berman nói rằng có một điều thú vị là tất cả những người Mỹ đó sau khi đã hết sửng sốt thì không ai tỏ ra thù ghét ông Phạm Xuân Ẩn mà ngược lại, họ rất kính nể và trân trọng tình bạn của cựu phóng viên tạp chí Times. 

Chính giáo sư Larry Berman trong cuốn sách của mình cũng đã viết những dòng đầy kính trọng và đúng mức đối với nhà tình báo xuất sắc này của Việt Nam.

Tại một đoạn trong cuốn “Điệp viên hoàn hảo”, Larry Berman viết: “Giống như rất nhiều người trẻ tuổi tham gia cách mạng Việt Minh để chống lại thực dân Pháp, Phạm Xuân Ẩn có tầm nhìn vì một sự công bằng xã hội và một nền độc lập của Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Ẩn đấu tranh vì một nền tự do và chống lại sự đói nghèo; với tư cách một nhà tình báo, ông không mưu cầu danh vọng hoặc tiền tài cho mình mà tất cả Phạm Xuân Ẩn chỉ vì nhân dân của nước ông…

 Phạm Xuân Ẩn tin rằng bản thân ông chưa bao giờ có hành động nào phản bội những người bạn Mỹ. Đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời mình Phạm Xuân Ẩn vẫn khẳng định rằng không một người bạn Mỹ nào của ông phải chịu hậu quả cả về mặt con người lẫn nghề nghiệp chỉ vì những điều ông đã làm”.

MỚI - NÓNG