Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời chất vấn Quốc hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời chất vấn Quốc hội
TP - Sáng 28/10/1946, khóa họp lần thứ hai của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các đại biểu đứng lên chất vấn những công việc mà dân đã ủy nhiệm cho Chính phủ. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn.

>> Kỳ I: “Báu vật” trong tờ báo mang tên “Quốc hội”

>> Kỳ II: Vận động tranh cử trước giờ G

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời chất vấn Quốc hội ảnh 1
Hàng vạn nhân dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu QH tại Hà Nội (5/1/1946). Ảnh tư liệu.

“Chất vấn biểu lộ tinh thần dân chủ”

Sáng 28/10/1946, khóa họp lần thứ hai của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà hát Lớn sáng hôm ấy được trang hoàng đầy vẻ mỹ thuật và uy nghiêm. Trên tường, tấm  vải đỏ căng những dòng chữ vàng: “Đoàn kết, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời chất vấn Quốc hội ảnh 2
Toàn thể đại diện Quốc hội khóa I chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ở trước Nhà hát Lớn, nhân dân tụ họp khá đông để theo dõi buổi họp Quốc hội qua máy phát thanh. Đúng 8 giờ các đại biểu Quốc hội đến đầy đủ, có cả quan khách ngoại quốc như lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ; các phóng viên của Mỹ, Pháp, Anh...

Tất cả đang chờ đợi một khóa họp Quốc hội mà chỉ nghe qua chương trình nghị sự đã có thể cảm nhận được tầm quan trọng của nó đối với vận mệnh đất nước: “Các Bộ trưởng trả lời chất vấn; Hồ Chủ tịch trả lời chất vấn; Chính phủ từ chức; Quyết nghị của Quốc hội đối với Chính phủ; Trình bày dự án Hiến pháp; Thảo luận Hiến pháp”…

Buổi họp ngày 31/10, người dân đến dự thính buổi họp Quốc hội tăng đột biến. Hai tầng gác Nhà hát Lớn kín những người ngồi, đứng. Người dân đến đông để chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, một cảnh tượng do Cách mạng tháng Tám mang lại: các đại biểu của nhân dân đứng lên chất vấn những công việc mà nhân dân đã ủy nhiệm cho Chính phủ gánh vác.

Quốc hội – với đại diện của nhiều thành phần  như Dân chủ, Xã hội, Việt Minh… đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. 

Hồ Chủ tịch bước lên diễn đàn, ôn tồn nói: “Sáng nay, Chính phủ nhận được 62 câu hỏi. Nửa tiếng đồng hồ lại nhận thêm được 26 câu hỏi nữa. Tất cả 88 câu. Chính phủ trước hết xin cảm ơn Quốc hội vì đã tỏ rõ Quốc hội hết sức quan tâm về các vấn đề của Quốc gia và sự chất vấn này có thể biểu lộ được rõ ràng tinh thần dân chủ thật thà của nước Việt Nam.

Chính phủ đã xét kỹ từng câu hỏi ấy và chia ra làm hai loại: Nội chính và ngoại giao. Trong hai loại ấy lại chia ra những câu thuộc về từng Bộ: Quân sự, Quốc phòng, Ngoại giao, Kinh tế… Những câu hỏi chú trọng nhất là về quân sự, rồi đến tài chính, tư pháp, nội vụ…

Hồ Chủ tịch trả lời một số câu hỏi: “Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Tường Tam  và ông nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh. Các ông ấy bây giờ không có mặt ở đây. Lúc nước nhà đang gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào mới trao cho người ấy công việc lớn. Thế mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải tự hỏi lương tâm thế nào.

Trả lời thế là đủ. Những người bỏ việc đi kia, họ không muốn gánh việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ sức mà gánh nổi. Nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại mà trở về  thì chúng ta cũng hoan nghênh”.

Sau đó, Hồ Chủ tịch trả lời một số câu hỏi chất vấn về  đường lối ngoại giao của Chính phủ. Trả lời xong, trước khi bước xuống, Người nói với toàn thể Quốc hội: “Nếu trong Chính phủ, có những người khác lầm lỡ thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi đồng bào”. Tiếng vỗ tay theo Hồ Chủ tịch cho đến khi Người về chỗ ngồi.

Vì sao bán thuốc không kiểm soát giá và chất lượng?

Đến lượt các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn. Bà Nguyễn Thị Thục Viên chất vấn ông Trương Đình Tri (Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội) vì sao việc bán thuốc lại không kiểm soát giá và chất lượng thuốc?

Ông Trương Đình Tri trả lời: Việc đó rất đáng tiếc, nhưng không làm thế nào được vì không có hội đồng hóa giá. Từ khi Nhật đảo chính Pháp, thuốc chữa bệnh đã tràn vào lộn xộn.

Bộ Y tế và Xã hội đã chỉ thị cho các nhà buôn còn giữ thuốc không độc và thông thường thì phải khai và chỉ được phép bán đến cuối năm 1946. Đã có sắc lệnh cho kiểm soát chất lượng thuốc, nhất là thuốc tiêm. Ai khiếu nại sẽ xét cẩn thận.

Ông Nguyễn Đình Thi chất vấn Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Ca Văn Thỉnh về chính sách văn hóa của Chính phủ.  Ông Ca Văn Thỉnh cho biết: Đại thể chính sách ấy là xây dựng một nền văn hóa dân chủ thay vào nền văn hóa cũ, chịu ảnh hưởng phong kiến và thực dân.

Nền văn hóa ấy phổ cập cho tất cả nhân dân cùng hưởng thụ và tham dự. Nó phải có tính cách dân chủ và dân tộc. Nhưng cái tính cách quốc gia này không hẹp hòi vì nền văn hóa ấy sẽ thâu nhận tất cả những ưu điểm và tinh hoa của các nền văn hóa trên thế giới.

Ông Hoàng Đạo Thúy tỏ ra lo ngại về cấp tiểu học năm nay bắt đầu chậm và thiếu sách giáo khoa. Bộ trưởng Ca Văn Thỉnh trả lời: Năm nay học trò tiểu học nhập trường chậm mất 15 ngày, điều đó vì tình thế. Các trường đến đây bị quân ngoại quốc dùng làm nơi ở. Sau đó phải sửa sang lại nhiều.

Còn sách giáo khoa là một vấn đề rất khó khăn vì giấy in và nhà in chưa giải quyết được. Bản thảo những sách ấy đã có hết rồi  chỉ chờ lần lượt xuất bản. Để bù vào chỗ thiếu, Bộ Giáo dục đã ra một tờ giáo dục tân văn.

Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến trả lời về ngân sách, thuế khóa, lương công chức… Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe nói về việc áp dụng luật của Việt Nam với người ngoài quốc  sống ở Việt Nam và làm thế nào để ngăn chặn nạn hối lộ. Nghị trường thực sự  “nóng”  khi những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Trần Đình Tri tỏ ra lo lắng trước tin đồn ông Nguyễn Hải Thần tự phong chức Tổng Tư lệnh hải, lục, không quân, lập Chính phủ ở hải ngoại. Trong tình thế nước nhà chuyển sang giai đoạn mới, phải có một Chính phủ mạnh mẽ đủ uy tín để đối nội cũng như đối ngoại. Chính phủ đó phải là một Chính phủ liêm khiết…

“Sẽ dùng luật pháp trị cho kỳ hết những kẻ ăn hối lộ”

Buổi họp kéo tới tối  31/10/1946.  Từ trên diễn đàn ánh sáng của chiếc đèn có chụp hắt xuống bàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể Chính phủ trả lời chất vấn trước khi Chính phủ từ chức. Người nói: “Chính phủ hiện thời thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn. 

Vậy mà Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi thật già dặn, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập”.

Hồ Chủ tịch lần lượt trả lời từng câu hỏi.  Về câu chất vấn: “Vì sao Chính phủ  đưa đề nghị thay Quốc kỳ lên Thường trực Quốc hội xem xét?”, Hồ Chủ tịch nói: “Chính phủ không bao giờ dám đòi thay đổi Quốc kỳ. Chỉ vì một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy lên, nên Chính phủ phải để Thường trực Quốc hội xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sỹ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn”.

Nói đến đây mắt Người sáng quắc lên, giọng Người vang to hơn và nhấn mạnh từng tiếng: “Trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ngoài ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó”.

“Còn cái tin ông Nguyễn Hải Thần, tự xưng là Tổng Tư lệnh Hải, Lục, Không quân Việt Nam? Nếu Việt Nam không có Hải, Lục, Không quân thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc làm Tổng Tư lệnh! Và nếu Việt Nam không có Hải, Lục, Không quân mà ông Nguyễn Hải Thần tổ chức được hải lục không quân  cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh”.

“Về việc Chính phủ liêm khiết, thì Chính phủ hiện tại đã cố gắng liêm khiết. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc  ở các Ủy ban đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Bằng lối nói đặc biệt của mình, lấy những ví dụ dễ hiểu để diễn đạt những nội dung sâu sắc, lý luận chặt chẽ, đanh thép, Hồ Chủ tịch đã trả lời hết các câu hỏi chất vấn. Mỗi khi Người kết thúc một câu trả lời thì tiếng vỗ tay lại đồng loạt vang lên.

12 giờ kém 15 phút,  Hồ Chủ tịch tuyên bố thay mặt Chính phủ hiện thời xin từ chức, trao quyền lại cho Quốc hội để Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ bầu ra một Chính phủ mới.

“Tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam”

Quốc hội thảo luận và đã đưa ra quyết nghị: Ủy nhiệm cụ Hồ Chí Minh lập Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. 

Hồ Chủ tịch lại lên diễn đàn, cảm ơn Quốc hội rồi nghiêm trang tuyên bố: “Lần này là lần thứ hai, Quốc hội lại giao cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm.

Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.

Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới rằng tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam. Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.

Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích: Trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập, thống nhất của nước nhà. Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và Quốc dân, dẫu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà Quốc dân và Quốc hội đã trao cho”.

Tiếng vỗ tay vang rền trong Nhà hát lớn. Phiên họp Quốc hội kết thúc lúc 1 giờ đêm.

-----------------------------------

* Bài báo có sử dụng tư liệu của báo Cứu Quốc và báo Dân Thanh

MỚI - NÓNG
Ngân hàng chạy đua tăng vốn từ phát hành cổ phiếu
Ngân hàng chạy đua tăng vốn từ phát hành cổ phiếu
TPO - Ngân hàng OCB sẽ phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 26.630 tỷ đồng, Nam A Bank dự kiến phát hành hơn 343 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Vietbank nếu hoàn thành cả 2 đợt phát hành 378 triệu cổ phiếu thì vốn điều lệ sẽ tăng lên gần 10.920 tỷ đồng…
Địa ốc 24H: Ban hành bảng giá đất mới trước 31/12/2025; Giá chung cư chuyển nhượng tăng trở lại
Địa ốc 24H: Ban hành bảng giá đất mới trước 31/12/2025; Giá chung cư chuyển nhượng tăng trở lại
TPO - Các địa phương phải ban hành bảng giá đất mới trước 31/12; Nhiều khu chung cư chuyển nhượng tại Hà Nội tăng giá trở lại; Toàn cảnh phân khu đô thị Sườn đồi gắn với khu phi thuế quan Đà Nẵng; Hà Tĩnh sẽ cho thuê đất ngắn hạn không qua đấu giá để phát triển du lịch;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 7/7.
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Bữa cù kì với người nuôi biển

Bữa cù kì với người nuôi biển

TP - Có những bữa ăn không chỉ để no, mà để nhớ. Nhớ cái khoảnh khắc ngồi giữa mênh mông vịnh biển, gió mặn mòi phả vào mặt, mây thấp lững lờ trên đầu, và trước mặt là những món quà, những ngư dân mộc mạc của biển cả.
Buông câu bên mạn thuyền trên vịnh Ảnh: Nguyễn Tuấn

Câu đêm trên Bái Tử Long

TP - Hè về, gió Nam bắt đầu thổi rì rào qua mặt vịnh và trời chiều kéo dài thêm ánh sáng, người ta thường rủ nhau đi câu mực đêm. Tôi nghe lời rủ của một người bà con ở đảo Quan Lạn, lập tức gật đầu như thể chờ điều ấy từ lâu.
Tác giả trải nghiệm lái ca nô ở biển Vân Đồn

Một thoáng Vân Đồn

TP - Tôi đến Vân Đồn (Quảng Ninh) như một khách phương xa, nhưng lại mang tâm thế của kẻ đã thuộc về nơi ấy tự bao giờ. Câu thơ của cụ Nguyễn Trãi gần 600 năm trước khi qua vùng biên cương gấm vóc vang vọng đâu đây, như thúc giục: “Đường Vân Đồn núi rồi lại núi - Kỳ quan này đất nối trời xây”.
Tâm thế cán bộ, nhân dân Tây Nguyên sau sáp nhập

Tâm thế cán bộ, nhân dân Tây Nguyên sau sáp nhập

TPO - Sau nhiều ngày vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền cấp xã mới, không khí tại các địa phương ở Tây Nguyên trở nên sôi động, khẩn trương, đầy kỳ vọng. Sự thay đổi về bộ máy đang kéo theo chuyển động tích cực từ cơ sở, cán bộ gần dân hơn, lắng nghe nhiều hơn. 
Hòn Cấm vẫn uy nghiêm tồn tại hàng trăm năm nay theo kiểu làng trong rừng và rừng giữa làng. Ảnh: Trương Định

Hòn Cấm - báu vật của làng

TP - Từ bao đời nay, ở vùng thượng nguồn sông Kôn của tỉnh Bình Định, đoạn chảy qua thôn Tiên Hòa (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) có một cánh rừng không cần rào chắn, không người canh giữ, nhưng vẫn nguyên vẹn.
Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

TP - Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) còn được biết đến với tên gọi thân thương: làng Gà. Thôn hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".
Nụ cười trẻ thơ ngày chiến thắng tại sân bay Mỹ Tho Ảnh: Trần Nhã

'Tao là nhà báo'!

TP - “Tao là Nhà báo!”. Câu nói đầy khí phách của phóng viên Nguyễn Thanh Long (Sóc Trăng) khi bị thương, sa vào tay địch trong đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 tại Bạc Liêu khiến đối phương phải nể phục. Ông bị đày ra Côn Đảo, trao trả khi có Hiệp định Paris 1973, lại tiếp tục nghề báo đến ngày toàn thắng.
Là chuyên viên Ban Xây dựng Đoàn, chị Vũ Thị Ngân Hà luôn chủ động viết những tin, bài tuyên truyền về các hoạt động của Đoàn Thanh niên tỉnh Điện Biên

100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Những người viết báo tay ngang

TP - 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là sự nghiệp của những nhà báo chuyên nghiệp mà còn có sự đóng góp của những người viết không chuyên. Những bài báo của họ được viết ra từ thao trường, chốt gác hay những buổi sinh hoạt Đoàn nên chất liệu thực tế đậm đặc và thấm đẫm tinh thần báo chí chân chính: khách quan, nhân văn và vì lợi ích chung.
Bạn trẻ lựa mua vải đầu mùa

Mùa vải chín

TP - Vào một ngày đầu hạ, khi trời còn vương chút mát lành của những cơn mưa đêm, anh bất chợt thấy trên con phố Giải Phóng xuất hiện những chiếc xe ô tô con nhỏ, chở đầy vải từ quê lên.