Lưu Thiếu Kỳ - ra đi và trở lại

Lưu Thiếu Kỳ - ra đi và trở lại
TP - Vừa đánh đổ “tên đầu sỏ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” - Lưu Thiếu Kỳ, đương kim Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “bọn bốn tên” vừa vu cáo vợ ông – bà Vương Quang Mỹ là “gián điệp của Mỹ”.

Trong khi bà bị 3 vạn “hồng vệ binh” đấu tố ở Đại học Thanh Hoa, thì chúng bắt ông rời khỏi Bắc Kinh tới giam trong ngục ở Khai Phong, thủ phủ cũ của tỉnh Hà Nam.

Lưu Thiếu Kỳ - ra đi và trở lại ảnh 1
Vợ chồng Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ

Năm 1980, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định khôi phục danh dự cho Lưu Thiếu Kỳ. Trước ngày cử hành truy điệu Lưu Thiếu Kỳ, ngày 13/5/1980, Vương Quang Mỹ cùng các con đến Khai Phong, Hà Nam để nhận hộp tro hài cốt của chồng.

Ngày 10/4/1967, trời chưa sáng, một chiếc xe chở đầy “Hồng vệ binh” xộc thẳng tới nơi ở của vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ, họ bắt bà Vương Quang Mỹ lên chiếc xe con rời Trung Nam Hải đi thẳng tới trường Đại học Thanh Hoa. Bà bị nhốt ở một căn phòng tầng bảy của trường, trong đó đã ngồi đầy lũ “Hồng vệ binh”.

Trước khi đấu tố, theo lệnh của Giang Thanh, chúng bắt bà đi tất lụa và giầy cao gót, mặc xường xám như thời bà cùng chồng đi thăm Indonesia. Những thứ này chúng vừa lục soát được ở nhà bà, đem đi theo. Dây chuyền bằng ngọc bà thường đeo bây giờ chúng thay bằng một chuỗi quả bóng bàn rất kệch cỡm.

Đoạn chúng rong bà xuống sân trường, bắt đứng lên ghế cao, phía sau có hai tên “Hồng vệ binh” đứng kèm. Mọi người chen lấn đến xem Vương Quang Mỹ bị đấu tố như xem kịch vậy. Chúng bắt bà đứng thế suốt ba tiếng đồng hồ liền, tiếng hô đả đảo của bọn “Hồng vệ binh” như sấm vang long trời lở đất khiến bà ngất xỉu…

Còn chồng bà, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, bệnh tật đầy mình: bệnh tiểu đường, bệnh hen suyễn khó thở, phải thở bằng bình ô xy, nhiều ngày nằm liệt giường. Vợ con không được đến chăm sóc, người ông bốc lên mùi hôi lợm giọng.

Để thông báo cho Lưu Thiếu Kỳ biết việc di chuyển này, y tế viết lên tờ báo cũ: “Trung ương quyết định chuyển ông đi nơi khác”, rồi đưa đến trước mặt ông. Ông im lặng, quay mặt đi, biểu hiện sự phản kháng cuối cùng! Người ta đưa ông lên cáng, phủ tấm vải trắng, rồi khênh lên máy bay.

Sân bay Khai Phong bỗng có lệnh giới nghiêm, từng đội giải phóng quân được điều đến phi trường. Nhân viên ở sân bay không biết có chuyện gì. Máy bay hạ cánh, hai y tá lực lưỡng khiêng một cái cáng xuống. Người nằm trên cáng, mặt mày hốc hác, râu ria xồm xoàm, trên mình phủ một tấm chăn mỏng.

Mọi người ngơ ngác hỏi nhau “Ai đấy?”. Sau đó mọi người đều nhận ra đó là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lưu Thiếu Kỳ mình trần không chịu được gió lạnh, đến Khai Phong ông bị viêm phổi cấp tính. Không ai quan tâm đến bệnh tình của ông, vừa đến Khai Phong người ta coi ông như một khúc gỗ, đưa ngay vào ngục.

Sau khi đến Khai Phong được gần một tháng, ông tắt thở vào sáng 13/11/1969. Người vệ sĩ của Lưu Thiếu Kỳ vào nhà ngục ở dưới mặt đất, thấy thủ trưởng của mình đã tắt thở, mặt mũi biến dạng, hàm dưới có vết máu. Người vệ sĩ cắt bớt mớ tóc dài bạc trắng, cạo râu và mặc cho ông bộ quần áo và đôi giầy vải bình thường.

Đêm ngày 14/11/1969, thi hài Lưu Thiếu Kỳ, đầu và mặt bọc kín trong tấm vải trắng,  được khiêng lên chiếc xe com măng ca. Do xe quá ngắn, hai chân lòi ra ngoài khoang xe.

Đúng không giờ năm phút ngày 15/11/1969, “xe linh cữu” chuyển bánh đi vào lò hỏa thiêu. Trên giấy tờ làm thủ tục hỏa thiêu cho Lưu Thiếu Kỳ, viết: Họ tên: Lưu Vệ Hoàng; nghề nghiệp: vô nghề nghiệp; nguyên nhân chết: chết bệnh; người nhà ký tên: con trai Lưu Nguyên.

Chủ tịch nước Cộng hòa bỗng hóa thành du dân vô nghề nghiệp, chết rồi đến cái tên còn bị sỉ nhục: Lưu Vệ Hoàng có nghĩa là “phái bảo hoàng họ Lưu”.

***

Ngày 14/5/1980, tại hội trường nhân dân Trịnh Châu (Hà Nam) long trọng cử hành lễ đón nhận hài cốt Lưu Thiếu Kỳ. Ông Lưu Kiệt - Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Hà Nam, trịnh trọng đưa hộp tro hài cốt cho Vương Quang Mỹ. Bà Vương úp mặt vào hộp tro hài cốt, khóc nức nở. Chồng bà chết đã mười năm, nay vợ và các con cháu mới được nhìn thấy hài cốt ông.

Ngày 17/5/1980, tại hội trường nhân dân Bắc Kinh cử hành lễ truy điệu Lưu Thiếu Kỳ. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến đông đủ, hơn một vạn  nhân dân thủ đô cũng đến dự. Ông Đặng Tiểu Bình đọc lời điếu, ông vừa dứt lời, tiếng khóc vang lên. Vạt áo các vị lãnh đạo đều ướt một mảng lớn.

Sau lễ truy điệu, ông Đặng Tiểu Bình đi đến bắt tay bà Vương Quang Mỹ nói: “Là một việc tốt, là thắng lợi!”.

Trong quá trình nhận hộp tro hài cốt, nhiều người đề nghị: Để ghi nhớ công lao của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đối với nhân dân, nên giữ tro hài cốt ông lại. Nhưng bà Vương Quang Mỹ không đồng ý.

Lý do là nhiều lần Lưu Thiếu Kỳ nói với bà rằng: Sau khi ông chết, hỏa thiêu, rắc xuống biển cả. “Tháng 4/1956, đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch Mao và Thủ tướng Chu v.v… - bà Vương Quang Mỹ nói – tất cả đều ký tên vào bản “Xương nghị thư” chủ trương sau khi các đồng chí lãnh đạo cao cấp mất sẽ hỏa thiêu tất.

Một hôm tôi vừa về đến nhà, Thiếu Kỳ liền nói với tôi chuyện đó và nói thêm không lưu giữ tro hài cốt, nên làm như Ăngghen,  tro hài cốt rắc xuống biển cả. Trong thời gian khó khăn nhất của “Đại cách mạng văn hóa”, Thiếu Kỳ nhắc lại lời di chúc đó cho tôi và các con một lần nữa. Do đấy, tôi trịnh trọng đề nghị Trung ương và Ủy ban tang lễ nên tôn trọng tâm nguyện của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, rắc tro hài cốt ông xuống biển”.

Trung ương đồng ý lời đề nghị của bà Vương, nhưng phương thức cụ thể như thế nào, lúc đó chưa bàn kỹ. Nguyên soái Lưu Bá Thừa biết tình hình ấy, liền chủ động đề xuất giao cho Hải quân Trung Quốc làm việc đó. Được Trung ương đồng ý, Tư lệnh Hải quân Diệp Phi chịu trách nhiệm phân công một đơn vị hải quân thi hành nhiệm vụ.

Ngày 18/5/1980, Bộ tư lệnh Hải quân cử một tham mưu trưởng đến nhà bà Vương bàn bạc thời gian, địa điểm, phương thức rắc tro hài cốt Lưu Thiếu Kỳ.

Sáng ngày 19/5, Ủy ban tang lễ cùng gia đình bà Vương đưa hộp tro hài cốt Lưu Thiếu Kỳ lên chuyên cơ, từ Bắc Kinh bay đến quân cảng hải quân Thanh Đảo (Sơn Đông). Dọc đường ra sân bay Bắc Kinh, nhiều người đứng bên đường vẫy tay, nước mắt đầm đìa, vĩnh biệt cựu Chủ tịch nước.

Hải quân phái một tàu khu trục hạm, bốn tàu hộ tống mang hài cốt Lưu Thiếu Kỳ ra biển khơi. Đúng một giờ trưa, trong tiếng nhạc trầm hùng và 21 phát đại bác, mọi người đều rưng rưng nước mắt, mang hộp tro hài cốt Lưu Thiếu Kỳ ra rắc xuống biển xanh.

Gia đình bà Vương giữ lại mảnh vải đỏ bọc tro hài cốt. Một người cần vụ cũ của Lưu Thiếu Kỳ tên là Trịnh Miêu, cầm mảnh vải đỏ ấy đến Trung Nam Hải. Trước bàn thờ của Lưu Thiếu Kỳ, ông rũ rũ bụi tro hài cốt còn bám trên tấm vải cho rơi xuống. Ông rũ đi rũ lại nhiều lần, rũ xong, trao lại cho bà Vương Quang Mỹ …

Lê Huy (tổng hợp)

MỚI - NÓNG