Nga - Mỹ: Hiệp ước cắt giảm vũ khí sẽ ký ở Séc

Nga - Mỹ: Hiệp ước cắt giảm vũ khí sẽ ký ở Séc
TP - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Séc - Filip Kanda hôm 24-3 công bố  thủ đô Prague sẽ đăng cai lễ ký kết hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí chiến lược tầm xa giữa Nga và Mỹ.
Nga - Mỹ: Hiệp ước cắt giảm vũ khí sẽ ký ở Séc ảnh 1
Một loại tên lửa chiến lược của Nga. Ảnh:Kievukraine.info

Theo người phát ngôn này cho dù cuộc đàm phán về hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới giữa Nga và Mỹ đang tiến hành và chưa kết thúc, nhưng Séc đã đồng ý đứng ra tổ chức lễ ký giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama khi bản hiệp ước START hiện nay hết hiệu lực vào tháng 12 năm nay.

Người phát ngôn Filip Kanda cho biết, với tư cách là một đồng minh của Mỹ, Séc đã tham vấn phía Washington để Prague được chọn làm nơi diễn ra lễ ký kết hiệp ước quan trọng nói trên.

Tại Washington, một quan chức cao cấp của chính quyền Obama nói rằng Nhà Trắng đã đàm phán với cả Nga và Séc về việc chọn Prague làm nơi diễn ra ký kết hiệp ước mới.

Theo quan chức này, sở dĩ Prague được chọn cho sự kiện nói trên vì đầu năm nay chính tại Prague, Tổng thống Barack Obama đã đọc bài diễn văn quan trọng đưa ra tầm nhìn mới của Mỹ về không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.

Tại Prague tháng 4 vừa qua, trước hàng chục ngàn người, Tổng thống Obama đã tuyên bố Mỹ cam kết vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Do vậy, việc Prague được chọn làm nơi diễn ra lễ ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Nga-Mỹ là rất có ý nghĩa và đây cũng là mong muốn của ông Obama.

Cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đều xác nhận việc các nhà đàm phán Nga, Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ, đang nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán.

Nội dung chính của bản hiệp ước mới Nga-Mỹ và cắt giảm vũ khí chiến lược lần này là trong vòng 7 năm tới, mỗi bên cắt giảm số đầu đạn hạt nhân sẵn có để chỉ còn sở hữu từ 1.500 đến 1.675 đầu đạn hạt nhân.

Hiệp ước START trước đây được Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ George H.W. Bush ký kết. Theo đó, mỗi bên cắt giảm số đầu đạn hạt nhân xuống ít nhất 25%, đảm bảo mỗi bên còn khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân. 

 Đ.P
Theo AP

MỚI - NÓNG