Điều gì xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến ở Libya?

Điều gì xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến ở Libya?
TPO - Nhiều nhà quân sự nhận định, vài giờ tới, máy bay chiến đấu và phương tiện quân sự khác của nhiều quốc gia sẽ tham chiến cùng Mỹ, Anh và Pháp, nhằm triệt hạ hoàn toàn khả năng kháng cự của Libya.

> Toàn cảnh cuộc khủng hoảng và chiến tranh ở Libya
> Liên quân không kích Libya, 48 dân thường thiệt mạng 

Phương tiện quân sự của lực lượng trung thành với ông Gadhafi hứng bom đạn của liên quân. Ảnh: Reuters
Phương tiện quân sự của lực lượng trung thành với ông Gadhafi hứng bom đạn của liên quân. Ảnh: Reuters.

Tối 19 – 3, Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu chiến dịch “Bình minh Odyssey” nhằm vào các muc tiêu quân sự của chính phủ Libya với tuyên bố thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc áp đặt lệnh cấm bay tại quốc gia Bắc Phi và bảo vệ thường dân trước những cuộc tấn công của quân đội chính phủ.

Một ngày trôi qua, liên quân khẳng định đã thu được những thành công đầu tiên và Libya cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại.

Đòn phủ đầu trong đêm

Chiến dịch quân sự chống Libya được mở màn lúc chập tối 19 – 3 với các máy bay chiến đấu của Pháp tấn công vào những vị trí đóng quân của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya, phá hủy nhiều trang thiết bị chiến đấu như xe tăng, xe bọc thép.

Tiếp đó, 112 tên lửa hành trình Tomahawk hiện đại được các tàu chiến Mỹ và Anh bắn đi từ Địa Trung Hải nhắm mục tiêu là hơn 20 trận địa phòng không ở khắp bờ biển của quân đội Libya.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, quốc đảo sương mù đã bắt đầu gửi các máy bay chiến đấu đến Libya để thực thi nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Trong khi, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe khẳng định, những cuộc tấn công sẽ còn tiếp tục cho đến khi nhà lãnh dạo Libya chấp nhận một lệnh ngừng bắn.

Thiệt hại nặng nề

Mặc dù Libya không đưa ra tuyên bố về tổn thất của quân đội nhưng theo các chuyên gia quân sự, hệ thống phòng không của nước này đã bị tàn phá nặng nề. Các trận địa tên lửa đối không, những đài ra-đa cảnh giới đã không thể phát huy tác dụng trước đòn tấn công phủ đầu của liên quân.

Hệ thống thông tin liên lạc có ý nghĩa sống còn đối với quân đội Libya cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Lực lượng không quân trung thành với ông Gadhafi không phát huy tác dụng. Sân bay tại thủ đô Tripoli cũng bị bắn phá.

Trong khi đó, các quan chức y tế Libya cho biết, những cuộc tấn công trong ngày đầu tiên của liên quân đã làm 64 người thiệt mạng, khoảng 150 người khác bị thương ở các khu vực thường dân, không phải quân sự. Tuy nhiên các thông tin trên chưa được kiểm chứng.

Ngay sau khi các cuộc tấn công của phương Tây diễn ra, nhà lãnh đạo Libya – ông Gaddafi đã xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi người dân hãy đứng lên đáp trả, đồng thời cho biết sẽ trang bị vũ khí cho tất cả mọi người để bảo vệ đất nước.

Nhiều nước lên tiếng phản đối

Trước cuộc tấn công của phương Tây chống lại Libya, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành động này.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Liên Hợp Quốc đã quá vội vàng khi thông qua nghị quyết về vùng cấm bay tại Libya, mở đường cho phương Tây tiến hành hoạt động quân sự chống lại Tripoli. Moscow kêu gọi các nước phương Tây ngừng ngay những cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Libya.

Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “làm tiếc” về các cuộc tấn công của quân đội Mỹ và các nước châu Âu vào lãnh thổ Libya, đông thời khẳng định, Bắc Kinh không bao giờ ủng hộ việc sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế.

Trong khi đó, Liên minh Châu Phi cũng ra tuyên bố lên án những cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh châu Âu vào lãnh thổ Libya đồng thời kêu gọi các lực lượng nước ngoài cần chấm dứt ngay các hoạt động quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia châu Mỹ như Vênêzuêla, Cuba, Bolivia, Nicaragua… đã tuyên bố chỉ trích cuộc tấn công quân sự vào Libya và cho rằng, đây là những hành động có toan tính chứ không đơn thuần vì nhân dân Libya như tuyên bố.

Những gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trong vài giờ tới, máy bay chiến đấu và các phương tiện quân sự khác của nhiều quốc gia NATO sẽ tham chiến bên cạnh Mỹ, Anh và Pháp nhằm triệt hạ hoàn toàn khả năng kháng cự của lực lượng trung thành với ông Gadhafi.

Mục tiêu sắp tới sẽ không còn chỉ giới hạn là hệ thống phòng không, ra-đa mà còn cả các đơn vị tăng, thiết giáp, hệ thống tên lửa đối đất…, đập tan mọi khả năng kháng cự có thể của quân đội Libya.

Ngay sau khi tàn phá mục tiêu dưới mặt đất, liên quân sẽ chuyển sang giai đoạn giám sát trên không theo nghị quyết về việc thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya. Trong khi đoạn này, máy bay của không chỉ Mỹ và các quốc gia châu Âu mà một số nước Trung Đông như Qatar, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất… cũng sẽ đóng vai trò làm “cảnh sát trên không”.

Để thiết lập vùng cấm bay này, theo các chuyên gia quân sự quốc tế, liên quân sẽ huy động khoảng 200 - 300 máy bay chiến đấu hiện đại đang được bố trí rải khắp từ Gibraltar tới Hy Lạp và từ các tàu sân bay của Mỹ và Pháp chuẩn bị có mặt ở Địa Trung Hải. Trong số đó, phải kể đến những máy bay chiến đấu hiện đại như Eurofighter Typhoons của Anh, Italia và Tây Ban Nha, máy bay Dassault Rafale của Pháp và F-18 Super Hornet của hải quân Mỹ.

Các máy bay chiến đấu của NATO sẽ dễ dàng chiếm ưu thế trên không so với các máy bay của Libya do có sự hỗ trợ của những máy bay do thám, cảnh báo sớm có tầm quét của ra-đa lên tới 320km. Những chiếc máy bay này có thể bao quát hầu hết những hoạt động trên không và hướng dẫn cho máy bay chiến đấu tiêu diệt mục tiêu xâm phạm vùng cấm bay.

Mặc dù liên quân có vẻ sẽ chắc thắng nhưng chưa hẳn đã dễ dàng. Trong một động thái mới nhất, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin, thực hiện đúng như đã tuyên bố, nhà lãnh đạo Libya Gadhafi đã bắt đầu mở kho trang bị vũ khí cho người dân để chiến đấu.

Về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến mới hiện nay ở Libya, ngày 20 - 3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói, Việt Nam lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và những hành động quân sự mới đây tại Libya với nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân Libya và hòa bình, ổn định ở khu vực.

Bà Nguyễn Phương Nga nói: "Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự, tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia".

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam

Theo Viết
MỚI - NÓNG