Nhật Bản: Xả nước nhiễm xạ ra biển

Nước nhiễm xạ ở nhà máy Fukushima rò rỉ ra biển Ảnh: Kyodo
Nước nhiễm xạ ở nhà máy Fukushima rò rỉ ra biển Ảnh: Kyodo
TP - Hôm qua, Cty Điện lực Tokyo (Tepco) cho xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 ra biển vì các bể chứa đã đầy, cần xả bớt để lấy chỗ chứa nước nhiễm xạ nặng hơn hút từ lò phản ứng số 2.

>> Nhật cần vài tháng để chặn rò rỉ phóng xạ

Nước nhiễm xạ ở nhà máy Fukushima rò rỉ ra biển Ảnh: Kyodo
Nước nhiễm xạ ở nhà máy Fukushima rò rỉ ra biển. Ảnh: Kyodo.

Sáng 4-4, Tepco xả 11.500 tấn nước nhiễm phóng xạ ra biển. Nhà chức trách Nhật Bản cho biết, nước được xả ra biển có lượng độ phóng xạ Iốt-131 gấp khoảng 100 lần mức cho phép. Các chuyên gia Nhật Bản nói rằng, nếu ai ngày nào cũng ăn hải sản như cá, tôm, rong biển… đánh bắt tại vùng biển gần nhà máy Fukushima trong suốt một năm thì người đó sẽ bị nhiễm xạ đến mức 0,6 milisievert.

Mức phóng xạ cho phép được Tepco đưa ra là 1 milisievert/năm. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Yukio Edano, thừa nhận việc xả nước nhiễm xạ ra biển chỉ là giải pháp tình thế nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy Fukushima.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan yêu cầu theo dõi sát sao mức độ nhiễm xạ trong rong biển và cá tôm gần nhà máy, đồng thời giám sát chặt chẽ tác động của khủng hoảng hạt nhân đối với môi trường.

Để phát hiện đường rò rỉ nước phóng xạ nồng độ cao ra biển, các chuyên gia Nhật Bản đã đổ dung dịch muối phát quang xuống vết nứt mặt đất sau đó dò đường đi của nước muối này. Các chuyên gia cho rằng, có ít nhất ba đường rãnh nứt dẫn nước nhiễm xạ từ nền nhà lò phản ứng hạt nhân luồn lách ra biển.

Trước đó, một vết nứt dài 20 cm được phát hiện tại đường hầm bảo dưỡng. Các chuyên gia tin rằng, chính vết nứt này đã dẫn nước nhiễm phóng xạ cao ra biển gây ô nhiễm nặng cho vùng biển gần nhà máy Fukushima.

Ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo, một nửa trong tổng số 32 cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Tokyo đóng cửa sau trận động đất, sóng thần ngày 11-3 đã mở cửa trở lại. Đến hôm qua, các đại sứ quán Đức, Angola, Dominica, Libya, Senegal, Thụy Sĩ… tại Tokyo vẫn đóng cửa.

Đại sứ quán Đức và Thụy Sĩ làm việc tạm thời ở các địa phương phía nam Nhật Bản. Một số đại sứ quán cho rằng, tình hình khủng hoảng hạt nhân ở vùng đông bắc Nhật Bản khiến họ phải tạm đóng cửa văn phòng tại Tokyo để xuống làm việc tại các tỉnh phía nam vì lý do an toàn.

Tuy nhiên, một số đại sứ quán khác giải thích rằng, do sân bay quốc tế Kansai ở thành phố Osaka là nơi có nhiều công dân của họ rời Nhật Bản nên phải tăng cường lực lượng xuống Osaka.

Trước tình hình đang dần trở lại bình thường ở Tokyo, Đại sứ quán Thụy Điển hôm 4-4 rút thông cáo trên trang điện tử của đại sứ quán trước đó khuyến cáo công dân Thụy Điển trong vòng bán kính 250 km từ nhà máy Fukushima uống viên thuốc Iốt ba ngày một lần. Cũng tại trang web này cùng ngày xuất hiện dòng chữ nói rằng, việc uống viên Iốt hiện nay không cần thiết nữa.

Đ.P
Theo NHK, Kyodo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG