Liên minh phương Tây lâm vào ngõ cụt

Liên minh phương Tây lâm vào ngõ cụt
TP - Chiến dịch quân sự ở Libya ngày càng giống một vũng lầy mà các nước thuộc Liên minh do NATO cầm đầu đang ngập vào ngày một sâu hơn. Nếu cứ đà này, chắc chắn Liên minh sẽ lâm vào ngõ cụt.

> Mỹ dùng máy bay không người lái ở Libya
> Quân chính phủ Libya chuyển sang thế thủ

Liên minh phương Tây lâm vào ngõ cụt ảnh 1

Theo những thông tin đăng tải trên báo chí Phương Tây, tình hình trong những tuần vừa qua bùng nhùng, hết sức không rõ ràng. Các nước trong Liên minh linh cảm thấy Libya rồi sẽ biến thành một Iraq hoặc Afghanistan thứ hai. Ngày càng nhiều người đặt ra những câu hỏi rất có lý: đâu là thời hạn cụ thể của chiến dịch? Chiến lược thoát ra là như thế nào? Chiến dịch có thật sự theo đuổi mục đích nhân đạo là bảo vệ dân thường hay không?

Trước tình thế ấy, một số nhà phân tích Phương Tây đi đến kết luận là đã đến thời điểm quyết định trong chiến dịch chống Libya. Những dao động trong nội bộ Liên minh chứng tỏ có những quan điểm khác nhau về việc phát động chiến dịch cũng như những cách đánh giá khác nhau đối với việc thực hiện các bước của chiến dịch.

Không quân NATO ném bom Libya
Không quân NATO ném bom Libya.

Bên cạnh đó, không ít người lo ngại trước một thực tế là Anh và Pháp – hai nước hăng hái nhất trong Liên minh – đã quyết định gửi quân nhân của mình tới Libya. Tuy những quân nhân này chắc chắn sẽ không được phép tham gia vào việc hoạch định và tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào nhưng mục đích của họ vẫn là chỉ đạo và huấn luyện lực lượng nổi dậy đang chiến đấu chống chính phủ Libya.

Quyết định đó đã gây bất bình trong dư luận quốc tế. Ngày 21 - 4 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã thể hiện rõ mối quan tâm của Nga đối với quyết định nói trên. Ông cảnh báo: “Lịch sử đã biết những trường hợp lúc đầu chỉ là chuyện gửi nhân viên huấn luyện nhưng rồi tình hình kéo dài trong nhiều năm và kết quả là hàng trăm và thậm chí hàng nghìn người ở cả hai phía bị sát hại”.

Biểu tình ở London phản đối cuộc chiến Libya
Biểu tình ở London phản đối cuộc chiến Libya.

Ông Lavrov lại một lần nữa kêu gọi các nước trong Liên minh Phương Tây không nên vượt ra ngoài khuôn khổ Nghị quyết của HĐBA LHQ là Nghị quyết chỉ cho phép thiết lập khu vực cấm bay trên lãnh thổ Libya cũng như chỉ cho phép dùng không quân để bảo vệ dân thường.

Ông cho biết, Nga kịch liệt phản đối việc quân đội nước ngoài tiến hành chiến dịch trên bộ ở Libya bởi vì hành động đó sẽ kéo theo những hậu quả nguy hiểm, không thể lường trước được. Ông Lavrov còn nhắc đến một nghị quyết mà HĐBA đã thông qua trước đó đối với Libya. Nghị quyết này ngăn cấm việc cung cấp vũ khí cho Libya.

Tình hình hiện nay gay cấn đến mức Lực lượng nổi dậy phải thay đổi lập trường về vấn đề quân đội nước ngoài. Nếu trước kia họ phản đối việc bộ binh nước ngoài đặt chân lên đất Libya thì mới đây lãnh tụ của họ đã phải khẩn thiết lên tiếng kêu gọi “các lực lượng châu Phi, A Rập và thân hữu” có mặt tại Libya.

Phải chăng lời cảnh báo sau cùng của Ngoại trưởng Nga là muốn nhắc nhở ban lãnh đạo Pháp. Bởi lẽ mới đây một vài chính khách Pháp đã kêu gọi gửi tới Libya những nhóm đặc nhiệm với nhiệm vụ chỉ điểm mục tiêu công kích cho không quân NATO, nếu không máy bay NATO vẫn sẽ phải hành động mò mẫm như hiện nay.

Đáng chú ý, trong số những nguyên nhân khiến Liên minh Phương Tây có thể phải chấm dứt chiến dịch hiện nay, tờ The Economist đã chỉ ra một nguyên nhân hết sức quan trọng. Đó là thái độ do dự của Tổng thống Obama.

Theo The Economist, khi quyết định lui xuống hàng cuối bằng cách trao vai trò lãnh đạo chiến dịch cho Anh và Pháp, ông Obama đã quá thận trọng. Nếu như ông Obama hành động quả quyết hơn, chẳng hạn, cung cấp máy bay thật sự hiện đại cho Liên quân để tấn công các lực lượng của chế độ Gaddafi trong điều kiện rừng núi và gửi các nhân viên huấn luyện quân sự đến Libya thì tình hình có lẽ sẽ khác.

Trước tình hình Libya có nhiều thay đổi, đến ngày 21- 4, Tổng thống Obama mới phê chuẩn việc sử dụng máy bay không người lái có trang bị vũ khí tới Libya. Bộ quốc phòng Mỹ khẳng định với báo giới, máy bay không người lái là một ví dụ về khả năng quân sự duy nhất mà Mỹ có thể đóng góp cho chiến dịch ở Libya do NATO chỉ huy. Kết quả là Liên quân không đủ sức giải quyết chiến trường Libya.

Ngọc Thoa
(Tổng hợp từ báo Nga)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG