Chiến phí của Mỹ tại Libya: 1 triệu USD/ người chết

Chiến phí của Mỹ tại Libya: 1 triệu USD/ người chết
TP - Tính đến đầu tháng 6 vừa qua, chi phí của Mỹ cho chiến dịch tại Libya chỉ tính riêng theo tuyến Lầu Năm Góc là 716 triệu USD. Người ta tính rằng, mỗi người dân Lybia bị chết ứng với hơn 1 triệu USD chiến phí của Mỹ.

> Nhà lãnh đạo Libya thề đánh bại NATO

Người dân Lybia biểu tình phản đối chiến tranh
Người dân Lybia biểu tình phản đối chiến tranh .
 

Đó là con số được nêu lên trong bản báo cáo dày 30 trang với nhan đề Hoạt động của Mỹ ở Libya mà Nhà Trắng vừa gửi đến Quốc hội Mỹ. Bản báo cáo nói trên còn cung cấp những số liệu tỉ mỉ hơn. Chẳng hạn, khoản chi tiêu cho vũ khí (bom và tên lửa) là 398,3 triệu USD và khoản chi cho các hoạt động quân sự diễn ra hằng ngày (các chuyến bay, việc phục vụ cho các quân nhân v..v..) là 313,7 triệu USD.

Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp cho lực lượng nổi dậy ở Libya một số lượng lớn khẩu phần lương thực, trang phục, áo giáp chống đạn, ống nhòm, thuốc men. Khoản chi tổng cộng cho những mục đó là 25 triệu USD.

Song song với những khoản chi theo tuyến Lầu Năm Góc, Mỹ còn trợ giúp cho lực lượng nổi dậy ở Libya theo tuyến Cơ quan phát triển quốc tế (một cơ quan của Chính phủ Mỹ) một khoản tiền là 81 triệu USD. Như vậy, tổng số tiền Mỹ chi cho chiến dịch ở Libya tính đến đầu tháng 6 đã lên tới gần 750 triệu USD.

Mặt khác, theo số liệu vừa công bố của Bộ Y tế Libya. số dân thường nước này bị chết kể từ ngày mở đầu chiến dịch của Liên quân NATO cho đến đầu tháng 6 là 718 người. Như vậy, mỗi dân thường Libya bị chết ứng với hơn 1 triệu USD chiến phí của Mỹ.

Tổng thống Obama tại Quốc hội Mỹ
Tổng thống Obama tại Quốc hội Mỹ.
 

Tuy tất cả những khoản chi nói trên chỉ bằng 1% ngân sách Lầu Năm Góc nhưng các nghị sĩ Mỹ vẫn đòi phải bắt đầu cuộc điều tra về hoạt động của Tổng thống Obama ở Libya. Thậm chí, một nhóm nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hoà và Dân chủ đã đệ đơn kiện Tổng thống Obama. Họ cho rằng việc ông Obama quyết định Mỹ tham gia cuộc chiến ở Libya là bất hợp pháp bởi vì không được Quốc hội cho phép.

Theo ý kiến của nhóm nghị sĩ này, ông Obama đã lợi dụng NATO và LHQ để bào chữa cho việc sử dụng sức mạnh quân sự chống lại chính quyền Libya. Hơn thế nữa, Quốc hội cũng không được thông báo gì về việc chi những khoản tiền của người dân đóng thuế cho chiến dịch ở Libya.

Tất nhiên, Nhà Trắng có quan điểm riêng về vấn đề này. Theo ý kiến của Nhà Trắng, Mỹ có quyền thực hiện sứ mệnh quân sự ở Libya dưới dạng hiện nay mà không cần sự tán thành của Quốc hội. Tổng thống Obama giải thích rõ hơn: “Chúng ta không tiến hành hoạt động quân sự ở Libya theo cách hiểu truyền thống, binh sĩ chúng ta không phải hy sinh mạng sống ở đây, chúng ta không có bộ binh và cũng không giao chiến trực diện với bất kỳ ai”.

Lầu Năm Góc dự định đến tháng 10 năm nay sẽ chi thêm 400 triệu USD nữa và khi đó, tổng chi phí quân sự của Mỹ ở Libya sẽ lên đến con số hơn 1 tỷ USD.

Vũ Việt
(Tổng hợp từ báo Nga)

Ủy ban Olympic quốc tế thu hồi 1.000 vé dành cho Libya

Tối 15-6, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã tuyên bố bãi bỏ quyết định trao 1.000 vé xem Olympic London 2012 cho Libya dù tới nay IOC vẫn không khai trừ hoặc tạm dừng tư cách hội viên của Libya.

Các quan chức IOC buộc phải đưa ra quyết định mới này sau khi có những thông tin Muhammed Gaddafi, con trai cả của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi và đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Olympic của Libya bắt đầu bán và phân phối 1.000 vé nói trên không đúng đối tượng, tức là chỉ bán cho những người ủng hộ ông Gaddafi.

Đại diện của IOC tuyên bố thẳng thừng là Libya sẽ không nhận được một chiếc vé nào cho tới khi “tình hình hiện nay được sáng tỏ”. Ông cho biết IOC sẽ chờ đợi cho đến khi tin chắc rằng số vé nói trên “được sử dụng đúng mục đích”.

Theo nhận định của các nhà phân tích, sở dĩ IOC và Uỷ ban Olympic của Anh đưa ra quyết định mới là do họ chịu sức ép lớn từ phía chính khách Anh và châu Âu. Những chính khách này lo ngại ông Gaddafi sẽ sử dụng Olympic London như một thứ vũ khí cực mạnh trong chiến dịch tuyên truyền của mình.

Họ đặc biệt lo ngại nếu như đến thời điểm khai mạc Olympic London vào mùa hè năm 2012 mà phe nổi dậy vẫn chưa giành được chính quyền thì biết đâu ông Gaddafi sẽ đích thân đến tham dự Olympic với tư cách ngưyên thủ quốc gia.

Chính phủ Anh hiện cũng đang đau đầu với một vấn đề khác là làm sao ngăn cản được Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đến dự Olympic London 2012. Tuy ông Mugabe bị phương Tây coi là một nhân vật đáng ghét nhưng chính quyền Anh không thể ngăn cản được ông đến cổ vũ cho đoàn vận động viên nước ông.

Ngọc Thoa
Theo MK.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG