Anh: Báo lá cải & chiêu nghe lén

Anh: Báo lá cải & chiêu nghe lén
TP - Thủ tướng Anh David Cameron hôm 8-7 tuyên bố sẽ đưa ra những quy định mới về hoạt động của báo chí Anh. Ông Cameron đã phải đối đầu với chỉ trích tại một cuộc họp báo khẩn cấp về vụ bê bối nghe lén của tờ News of the World (NoW), rằng ông đã thiếu xem xét khi tuyển mộ Andy Coulson, cựu biên tập viên của NoW làm giám đốc truyền thông.

Reuters cho hay, cảnh sát cũng đang phải giải trình về các câu hỏi về chuyện vì sao việc điều tra ban đầu về vụ nghe lén điện thoại bị hủy bỏ hồi năm 2007, dù đã có nhiều cảnh báo.

Trước đó, hôm thứ 5, tập đoàn News Corp, chủ sở hữu tờ báo khổ nhỏ nổi tiếng có lịch sử hoạt động 168 năm, tuyên bố NoW sẽ bị đóng cửa sau số báo ra ngày chủ nhật này. NoW bị tố cáo tổ chức hack (nghe lén) điện thoại di động của hàng ngàn người gồm nạn nhân các vụ tội phạm, những người nổi tiếng và chính trị gia.

NoW, tờ tuần báo có số lượng phát hành 2,8 triệu bản/tuần, nổi tiếng với những tin sốt dẻo về người nổi tiếng và những vụ tai tiếng tình dục, còn được gắn cho hỗn danh News of the Screws (tạm dịch: Tin tức của những kẻ thích chọc ngoáy).

Hồi năm 2007, biên tập viên Clive Goodman và thám tử tư Glenn Mulcare đã phải vào nhà đá vì tội tin tặc sau khi cảnh sát phát hiện hai người này đã nghe lén điện thoại của một số trợ lý của hoàng tử William.

Theo các cáo buộc, phóng viên của NoW đã “thâm nhập” điện thoại của một nữ sinh, người sau này bị giết, cũng như thiết bị cầm tay của các nạn nhân vụ khủng bố ở London năm 2005, cũng như điện thoại của những người lính Anh thiệt mạng. Việc này đã làm dấy lên trong dư luận Anh làn sóng đòi thẩm tra, xem xét lại và đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với hành vi của các tờ báo lá cải (báo khổ nhỏ).

Lá cải hay là chết?

Đã từ lâu, các báo lá cải ở Anh nổi tiếng với những cung cách moi tin đầy màu sắc, từ sục sạo cả những bồ đựng rác đến xâm nhập trái phép vào các tài khoản thư điện tử.

Steven Barnette, giáo sư truyền thông của đại học tổng hợp Westminster cho rằng, báo lá cải ở Anh “lá cải” nhất thế giới là điều “không cần phải bàn cãi”.

Câu hỏi đặt ra là cái gì dẫn đến hiện tượng này?

Câu trả lời ngắn gọn là ở Anh, muốn tồn tại, các báo lá cải buộc phải “lá cải” đến mức cao độ, vì nếu họ không làm thì sẽ có người khác. Nick Davies, phóng viên điều tra của tờ Guardian đã bỏ công tìm hiểu các scandal của những tờ báo lá cải ở Anh.

Davies mô tả không khí trong các phòng tin của báo chí lá cải nước Anh bằng từ “chế độ của sự sợ hãi”, nơi các phóng viên luôn nơm nớp nỗi lo mất việc nếu không có những bản tin độc quyền, “nóng hôi hổi, vừa thổi vừa ăn”.

Trong môi trường ấy, vấn đề đạo đức trở nên bé xíu. Các mánh khóe lấy tin của phóng viên lá cải được gói gọn trong từ bin-diving (ngụp lặn trong bồ rác để moi tin) mà ưu tiên là những thông tin về cá nhân, bằng cách chi tiền cho cảnh sát, thuê thám tử tư…

Một lý do khác giải thích cho việc báo lá cải phát triển mạnh ở Anh: Không giống như báo Mỹ, đa phần sống nhờ quảng cáo (chiếm 75-80% doanh thu), báo Anh dựa vào nguồn thu từ các sạp báo là chính.

Theo Davies, những tờ báo chính thống, nghiêm túc như Guardian, The Financial Times hay Independent không dùng những cách kể trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG