Bà Yingluck - Chông gai trên đường trở thành thủ tướng

Bà Yingluck - Chông gai trên đường trở thành thủ tướng
TP - Trong khi Đảng Peu Thai (Vì nước Thái) đang gấp rút lo thành lập chính phủ mới ở Bangkok, nhiều phương tiện truyền thông Thái Lan lại hướng trung tâm chú ý của họ sang Hongkong với những tin đồn và sự phản pháo của Đảng Dân chủ khiến con đường trở thành Thủ tướng Thái Lan của bà Yingluck gặp nhiều trở ngại.

> Tân thủ tướng Thái Lan từng gỡ bí cho Viettel
> 'Nữ tướng' Thái Lan hân hoan mừng chiến thắng
> Thái Lan: Tổng tuyển cử hứa hẹn nhiều kịch tính

Có tin nói cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck Shinawatra đang ở Hongkong để “điều khiển từ xa” việc thành lập tân chính phủ. Nhiều chính khách Thái đã tới tấp bay sang đây với hy vọng kiếm được một chức vụ cho mình. Thậm chí trong nước còn lan truyền tin đồn bà Yingluck ngày 10-7 tới sẽ bay sang Hongkong để gặp anh trai.

Tuy nhiên, Yingluck đã phủ nhận điều này. Bà cho biết, sẽ lãnh đạo đất nước theo cách nghĩ của mình, sẽ không làm “bù nhìn chính trị” của người anh. Khi lựa chọn, sắp xếp các bộ trưởng sẽ căn cứ vào năng lực cá nhân từng người và khả năng thực hiện chính sách của họ. Quyết định cuối cùng về nhân sự sẽ do ban lãnh đạo đảng Peu Thai đưa ra.

Đảng Dân chủ vừa bị thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, đã quyết định áp dụng hành động pháp luật nhằm chặn đứng con đường dẫn tới việc nắm chính quyền của Đảng Peu Thai.

Ban pháp luật của Đảng Dân chủ tuyên bố: Sẽ yêu cầu Ủy ban bầu cử giải tán Đảng Peu Thai vì đã “để cho chính trị gia bị cấm tham chính tham gia vào cuộc bầu cử”. Tức là ám chỉ việc các quan chức cao cấp trong đó có ông Thaksin của hai chính đảng đã bị giải thể là Đảng Người Thái yêu nước Thái và Đảng Lực lượng nhân dân đã bị cấm hoạt động chính trị.

Thậm chí, còn có nhân vật phe đối lập tố giác bà Yingluck trong thời gian tranh cử đã đến vùng Đông Bắc phát gạo và thực phẩm là hành vi hối lộ, mua phiếu, vi phạm pháp luật và đòi Ủy ban bầu cử cấm bà tham chính.

Bà Yingluck - Chông gai trên đường trở thành thủ tướng ảnh 1

Ngày 7-7, sau khi Đảng Tân Dân chủ chỉ giành được 1 ghế nghị sỹ trong cuộc bầu cử vừa qua tuyên bố gia nhập chính phủ liên hiệp, số ghế của 6 đảng trong liên minh cầm quyền tại quốc hội đã tới 300. Một vấn đề tiêu điểm khác trong việc lập nội các là các nhà lãnh đạo “Lực lượng áo đỏ” vừa trúng cử nghị sỹ liệu có được tham gia chính phủ hay không?

Một số nhà phân tích cho rằng, bà Yingluck có thể trao mấy ghế bộ trưởng không quan trọng cho lãnh đạo phe áo đỏ, coi đó là chiến thuật “ban thưởng và kiềm chế” để tiếp tục giành được sự ủng hộ quan trọng của phe này.

Tuy nhiên, quan hệ giữa lực lượng áo đỏ và đảng của bà Yingluck đã xuất hiện dấu hiệu rạn nứt. Nhà lãnh đạo áo đỏ đã lên tiếng cảnh cáo: Nếu chính phủ mới không xúc tiến quá trình điều tra và xử lý dứt điểm sự kiện đổ máu năm ngoái, thì lực lượng áo đỏ sẽ rút lui và chống lại chính phủ liên hợp do Đảng Peu Thai lãnh đạo.

Giáo sư Paisan ở Học viện Hành chính quốc gia Thái Lan nhận xét: từ khi Đảng Peu Thai đưa bà Yingluck ra tranh cử, ông Thaksin đã bỏ rơi phong trào chính trị đường phố của lực lượng áo đỏ với ý đồ quay lại nắm quyền qua con đường bầu cử, chờ đợi được xóa bỏ tội danh rồi trở về nước. Hành động này có thể đã khiến lực lượng áo đỏ bị thiệt hại nặng nề hồi năm ngoái cảm thấy bị bỏ rơi, dẫn đến mâu thuẫn giữa họ và Thaksin trở nên gay gắt.

Ngoài những mâu thuẫn bên trong mặt trận liên minh, bà Yingluck còn phải đối mặt với những mối đe dọa từ bên ngoài. Lực lượng áo vàng vốn kiên quyết phản đối Thaksin đã bắt đầu gây sức ép với Ủy ban chống tham nhũng quốc gia để điều tra bà Yingluck. Nếu chứng minh được bà có che giấu, phân tán tài sản của anh trai, họ sẽ khởi tố bà về tội làm chứng giả để ngăn chặn bà ngồi lên ghế Thủ tướng.

Đảng Dân chủ vừa bị thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, đã quyết định áp dụng hành động pháp luật nhằm chặn đứng con đường dẫn tới việc nắm chính quyền của Đảng Peu Thai.

Thu Thủy
Theo Thời báo Hoàn cầu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG