Ai sẽ thừa hưởng gia tài của ông 'vua Táo'?

Ai sẽ thừa hưởng gia tài của ông 'vua Táo'?
TP - Để lại gia tài 8,3 tỷ USD, nhưng cựu giám đốc điều hành hãng Apple Steve Jobs cũng để lại một gia đình rất phức tạp: từ nhỏ đến giờ ông chưa bao giờ nói chuyện với bố đẻ, không nhận con riêng, đã lâu từ chối gặp mặt em gái…

Đám tang Steve Jobs diễn ra kín đáo
> Phim hoạt hình cảm động về Steve Jobs

Quyên tặng các quỹ từ thiện

Có người cho rằng, là người chỉ biết làm việc, không muốn xuất hiện nhiều, tài sản của Steve Jobs có khả năng dùng để quyên tặng cho các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, khả năng này đã bị những người thân quen ông trong giới báo chí bác bỏ. Theo họ, cho đến nay ông Steve Jobs chưa có bất cứ văn bản nào thể hiện việc ông sẽ quyên tặng tài sản cho các tổ chức từ thiện. Sau khi quay trở lại hãng Apple năm 1997, lấy lý do nâng cao lợi nhuận của hãng, ông đã đóng tất cả mọi cánh cửa mở ra đối với các nhà từ thiện.

Chia đều cho vợ và các con

Steve Jobs sinh năm 1955 tại San Francisco, California, mẹ ông – bà Joanne Simpson, một sinh viên đại học người Mỹ đem lòng yêu và mang thai cùng cha ông - Abdulfattah Jandali, một sinh viên đại học người Syria, sau này là giáo sư khoa học chính trị. Do gia đình người cha kiên quyết phản đối nên họ không thể kết hôn. Bà Joanne Simpson phải một mình sinh con và đã cho ông làm con nuôi của gia đình bà Clara – một kế toán và ông Paul Jobs – một kỹ sư. Vì thế Steve Jobs mang họ của cha nuôi. Sau đó, tuy cha mẹ đẻ ông đã kết hôn và có với nhau một người con gái hiện là nhà văn, nhưng Steve Jobs và cha ruột chưa bao giờ gặp mặt hay nói chuyện với nhau.

Năm 1991, ở tuổi 36, Steve Jobs kết hôn cùng Laurene Powell, một Thạc sỹ ngành quản lý công thương ở Đại học Stanford và có với nhau 3 người con, 1 trai, 2 gái (gồm Reed, Eve, Erin). Ngoài ra, ông còn một người con gái với bạn gái từ thời trung học Chrisann Brennan là Lisa Brennan Jobs. Hai người yêu nhau từ thời trung học, đến 1978 thì Lisa sinh con. Ban đầu, Steve Jobs từ chối nhận con khiến Lisa phải vất vả nuôi con từ tiền cứu tế, sau đó ông đã thay đổi, nhận con và chịu trách nhiệm chu cấp cho người con gái riêng.

Với mối quan hệ gia đình phức tạp như thế, các luật sư cho rằng, nếu Steve Jobs không lập di chúc, việc phân chia quyền thừa kế tài sản của ông quả là một vấn đề hóc búa. Ở Mỹ, dù là động sản hay bất động sản, việc phân chia đều căn cứ theo di chúc của người quá cố. Nếu không có di chúc thì mới phân chia cho những thân nhân gần gũi nhất, tức vợ (chồng), con cái, cha mẹ và anh chị em ruột. Vợ là người được luật pháp thừa nhận bằng hôn thú, người phụ nữ sống chung, dù có con chung cũng không được thừa nhận.

Mọi việc càng trở nên rối rắm hơn khi người ta mới phát hiện ra văn bản cho thấy hồi năm 2009, Steve Jobs và vợ đã chuyển ít nhất 3 căn nhà cho các quỹ tín thác. Điều này cho thấy ông muốn sau khi mình qua đời, tình hình tài sản của ông sẽ không bị công khai. Từ việc này, người ta cho rằng rất khó đoán định được tài sản của Steve Jobs sẽ được phân chia ra sao.

Đám tang bí mật của Steve Jobs

Trong khi hàng triệu người hâm mộ ông vua táo Steve Jobs muốn có một đám tang dành cho công chúng, nhưng người đại diện Apple cho biết, thể theo nguyện vọng của ông và gia đình, đám tang của Steve Jobs đã được tổ chức trong phạm vi nhỏ vào ngày 7-10, hai ngày sau khi ông qua đời và cũng là ngày người dùng có thể đặt mua điện thoại iPhone 4S. Thời gian và địa điểm chính xác nơi cử hành tang lễ Steve Jobs vẫn được giữ kín. Dù không tổ chức tang lễ cho công chúng, nhưng Apple đã mời công chúng gửi những hồi ức, chia buồn của mình tới một địa chỉ email đặc biệt rememberingsteve@apple.com. Trên tiểu blog Twitter đã có tới 2,5 triệu thông điệp (tweet) về Jobs chỉ trong vòng 12 tiếng. Trên mạng, một nhóm người hâm mộ Apple đang vận động lấy ngày 14-10, ngày iPhone 4S được xuất xưởng là Ngày Steve Jobs. Tổng thống Mỹ Obama và tỷ phú Bill Gates, đối thủ cạnh tranh của ông cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình.

Thu Thủy
(Theo Quang Minh nhật báo)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG