Ai Cập: Cựu thủ tướng trở lại, phản đối không dừng

Ai Cập: Cựu thủ tướng trở lại, phản đối không dừng
TP - Báo chí nhà nước Ai Cập ngày 25-11 nói rằng, quân đội đã lựa chọn cựu thủ tướng Kamal Ganzouri 78 tuổi để thành lập chính phủ mới; nhưng bị các nhà hoạt động trẻ dẫn đầu biểu tình ở thủ đô phản đối.

> Cựu thủ tướng Ai Cập được chỉ định làm tân thủ tướng

> Biểu tình ở Ai Cập diễn biến phức tạp

Đông đảo người Ai Cập hôm qua lại tụ tập tại Quảng trường Tahrir ở Cairo để biểu tình đòi các lãnh đạo quân đội chuyển giao quyền lực và trì hoãn cuộc bầu cử nghị viện dư kiến diễn ra ngày 26-11.

Ông Kamal Ganzouri đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ lãnh đạo chính phủ sau cuộc họp với người đứng đầu Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (Hội đồng quân sự) - Nguyên soái Mohamed Hussein Tantawi.

Khi biết thông tin này, dư luận tập trung vào tuổi tác của ông Ganzouri. “Ông Ganzouri không hợp với thời kỳ chuyển giao, vì thời kỳ này cần lãnh đạo trẻ chưa đến tuổi làm ông”, sinh viên Maha Abdullah nói. “Bổ nhiệm ông Ganzouri là sự khủng hoảng cho cuộc cách mạng. Chúng tôi phải trụ lại ở Tahrir”, người biểu tình 44 tuổi Hossam Amer nói.

Tuy nhiên, một số người cho rằng ông Ganzouri thích hợp trở thành lãnh đạo nội các. “Tôi muốn thấy ông Ganzouri trở thành thủ tướng. Ông ấy có cá tính mạnh mẽ, khác với Essam Sharaf, người dễ bị hội đồng quân sự điều khiển”, Metwali Atta, tài xế taxi 55 tuổi, nói.

Quân đội Ai Cập đã hứa sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự và cuộc bầu cử nghị viện sẽ bắt đầu ngày 26-11 theo kế hoạch.

Thời gian tạm ngừng giao tranh giữa quân đội và những người biểu tình cứng rắn mang lại bầu không khí yên lặng đáng lo ngại cho các con phố gần Tahrir sau 5 ngày xung đột, biến một phần thủ đô thành chiến trường và nồng nặc hơi cay. Hậu quả là 41 người thiệt mạng.

Làn sóng biểu tình lớn nhất bắt đầu một tuần trước đã dẫn tới vụ bạo lực tồi tệ nhất từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2.

Hội đồng quân sự nói sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bạo lực tiếp diễn, đồng thời bày tỏ cảm thông và đền bù cho gia đình có người chết, cũng như sẽ điều tra những kẻ gây ra tình trạng náo loạn.

Nhưng theo nhiều bài báo, không ít cảnh sát thô bạo đã thẳng tay đàn áp người biểu tình. “Người dân muốn tử hình nguyên soái”, đám đông biểu tình hét lên hôm 24-11. Họ muốn nhắc tới ông Mohamed Hussein Tantawi - Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Mubarak suốt 20 năm.

Bạo loạn ở trung tâm thủ đô khiến nền kinh tế Ai Cập càng khó thoát khỏi khủng hoảng, mà nạn nhân của tình trạng này là hàng triệu dân nghèo.

Ngân hàng trung ương Ai Cập hôm 24-11 bất ngờ tăng lãi suất ngân hàng lần đầu tiên trong 2 năm qua, sau khi giảm dự trữ ngoại tệ nhằm bảo vệ đồng nội tệ bị yếu đi do hỗn loạn.

Khủng hoảng kinh tế có thể là điều kiện thuận ủng hộ ông Ganzouri. Dưới thời ông làm thủ tướng, chính phủ gần như có thể cân bằng ngân sách, giảm lạm phát, giữ tỷ giá hối đoái ổn định và lượng dự trữ ngoại hối hợp lý.

Ông Ganzouri đưa ra một số biện pháp tự do hoá kinh tế và nhiều người Ai Cập coi ông là người không dính dáng tệ tham nhũng. Nhưng lý lịch công tác dưới thời ông Mubarak khiến những người muốn xoá sạch dấu tích của chế độ cũ không ủng hộ.

Ông Kamal Ganzouri là nhà kinh tế học được đào tạo tại Mỹ, làm Thủ tướng Ai Cập nhiệm kỳ 1996-1999, có nhiều chính sách ủng hộ người nghèo, được coi là ứng cử viên tiềm năng cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 6-2012. Khi giữ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch, ông góp phần cải thiện quan hệ giữa Ai Cập và Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế…

Theo Reuters, BBC, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG