Trận hải chiến dữ dội giữa Iran và Mỹ cách đây 24 năm

Mỹ huy động cả tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise vào chiến dịch Ảnh: USN
Mỹ huy động cả tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise vào chiến dịch Ảnh: USN
Cách đây 24 năm, hải quân Mỹ từng chạm trán với hải quân Iran ở eo biển Hormuz, qua đó bộc lộ chiến thuật rất khó chịu của hải quân Iran mà hiện nay đang được phát triển và hoàn thiện

Vào cuối cuộc chiến Iran - Iraq (1980-1988), hải quân Mỹ và Iran đã có dịp đụng độ trong một trận đánh được báo chí Mỹ mô tả là một trong 5 trận hải chiến quan trọng nhất của Mỹ sau thế chiến thứ hai mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày.

Tấn công trả đũa

Cuộc chiến có mật danh “Chiến dịch Con bọ ngựa” diễn ra trong ngày 18-4-1988 bắt nguồn từ vụ tàu chiến Mỹ trúng thủy lôi Iran trong vùng biển quốc tế. Trước đó 4 ngày, tàu hộ tống USS Samuel B. Roberts của Mỹ chạm thủy lôi Iran và suýt chìm trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tàu chở dầu treo cờ Kuwait trong khu vực eo biển Hormuz.

Lập tức, Tổng thống Ronald Reagan ra lệnh tấn công những mục tiêu của Iran trong vịnh Ba Tư. Cuộc tấn công cũng nhằm thúc ép Iran sớm ký hiệp định đình chiến với Iraq.

Trận chiến ngày 18-4 bắt đầu với 2 nhóm tàu chiến Mỹ hùng hậu, bao gồm cả tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise, có nhiệm vụ tiêu diệt 2 giàn khoan dầu Sassan và Sirri của Iran. Sau 20 phút bắc loa kêu gọi lính Iran rời bỏ giàn khoan, các tàu chiến Mỹ đồng loạt tấn công.

Lính Iran bắn trả bằng đại liên 8 nòng 23 ly. Cuộc chiến không cân sức kết thúc nhanh chóng sau khi trực thăng Cobra tiêu diệt ổ đại liên và biệt kích SEAL đánh sập 2 giàn khoan bằng thuốc nổ bất chấp có sự can thiệp ngắn của 2 chiếc F-4 của Iran.

Đến lúc này, Iran huy động tàu cao tốc loại Boghammar sản xuất tại Thụy Điển tấn công các tàu Mỹ và đồng minh, trong đó có tàu hỗ trợ Willy Tide của Mỹ, tàu Scan Bay treo cờ Panama và tàu chở dầu Anh York Marine gây thiệt hại đáng kể. Hai chiến đấu cơ kiểu A-6E cất cánh từ tàu sân bay USS Enterprise tấn công nhóm tàu cao tốc Iran, đánh chìm một chiếc, làm hư hỏng nặng nhiều chiếc khác bằng bom chùm.

Iran lập tức phái tàu cao tốc phóng tên lửa Joshan phản công hạm đội Mỹ bằng tên lửa hải đối hải kiểu Harpoon. Tàu USS Simpson và USS Wainwright cũng bắn trả bằng tên lửa nhiều đợt mới đánh chìm được tàu chiến Iran.

Cuộc chiến vẫn tiếp tục với sự xuất hiện của 2 tàu khu trục IS Sahand và IS Sabalan của Iran và 2 máy bay A-6E Mỹ. Kết quả, sau trận đấu bằng tên lửa, 2 tàu chiến Iran bị đánh chìm. Mỹ thắng nhưng bị Tòa án Quốc tế (ICJ) lên án “hành động quá trớn”.

Phục kích, đánh bất ngờ

Mỹ huy động cả tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise vào chiến dịch Ảnh: USN
Mỹ huy động cả tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise vào chiến dịch.  Ảnh: USN.
 

Lần đầu tiên áp dụng chiến thuật du kích trên biển chống hạm đội Mỹ hiện đại, hải quân Iran thua trận. Tuy nhiên, chiến thuật dùng tàu nhỏ chạy nhanh trang bị tên lửa tập kích tàu địch, đánh nhanh rút gọn gây tổn thất ít nhiều cho địch khiến chiến thắng của hải quân Mỹ không trọn vẹn.

Chiến thuật du kích trên biển nói trên đã được các nhà chiến lược Iran tiếp tục phát triển và hoàn thiện đến nay. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong cuộc diễn tập “Valayat-90” của hải quân Iran kết thúc hôm 3-1 vừa qua. Lực lượng nòng cốt của hải quân Iran là tàu chiến nhỏ, di chuyển nhanh, trang bị tên lửa hiện đại.

Theo học giả Michael Rubin thuộc Học viện American Enterprise Institute, sở dĩ Iran chọn chiến thuật nói trên cũng vì lý do địa hình. Vịnh Ba Tư là một vùng nước hẹp, không sâu (độ sâu trung bình chỉ 48 m), khiến các tàu chiến kềnh càng và tàu ngầm của Mỹ xoay trở khó khăn.

Trong khi đó, tàu cao tốc Iran hoạt động trong lãnh hải của mình chỉ cần vài phút là có thể đột nhập lãnh hải quốc tế. Tàu cao tốc và đội tàu chiến bằng gỗ giả dạng tàu thường dân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ẩn núp đằng sau các vũng nước bao bọc bởi các khối đá dọc theo 1.000 km biển cũng dễ tạo bất ngờ.

Trong mấy năm trở lại đây, việc tàu cao tốc của hải quân IRGC vây quanh tàu chiến lớn của Mỹ để quấy rối đã gia tăng đáng kể. Họ chỉ rút lui khi tàu chiến Mỹ nổ súng cảnh cáo. Lạ một điều, Lầu Năm Góc ít khi đề cập chuyện này.

Thủy thủ Mỹ cho biết chuyện trêu ngươi đó diễn ra hầu như hằng ngày, rất gần tàu chiến Mỹ. Lính IRGC từng dùng điện thoại di động chụp ảnh họ. Có những lúc họ sợ bị đánh bom liều chết như ở Iraq hay Afghanistan.

Đó là chưa kể máy bay không người lái của Iran cũng hoạt động rất tích cực. Mới đây, họ đã chụp được ảnh tàu sân bay USS John C. Stennis chạy qua eo biển Hormuz mà không bị việc gì. Tất cả đều là những mối đe dọa nếu không đáng gờm thì cũng khó chịu đối với Mỹ.

Gần đây, Iran cho thấy họ rất năng động, mở rộng hoạt động hải quân. Tư lệnh hải quân IRGC - đô đốc Ali Fadavi - tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động đến vùng biển Oman sau khi IRGC thiết lập căn cứ hải quân ở Jask và Chahbahar, nằm ngoài eo biển Hormuz.

Tháng 2 năm ngoái, Iran đã thu hút dư luận quốc tế khi điều động 2 tàu chiến đi qua kênh đào Suez tiến vào biển Địa Trung Hải. Mới đây, Iran cũng tuyên bố sẽ triển khai tàu chiến ở vịnh Aden và ở Ấn Độ Dương.

Các nhà phân tích Mỹ cho rằng đây có thể là một “đòn gió” nhưng xét đến việc Iran cố gắng đẩy mạnh quan hệ với Venezuela (Tổng thống Iran Ahmadinejad đang công du 4 nước châu Mỹ Latin) và các nước duyên hải châu Phi thì rất đáng dè chừng, theo ông Rubin.

Nguyễn Cao
Theo NLĐ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG