Nước Nga thời “Putin đệ tam”

Nước Nga thời “Putin đệ tam”
TP - Cuối cùng, ông Putin đã trở lại điện Kremlin như dự đoán với chiến thắng vang dội (tỷ lệ phiếu bầu đạt 63,6%) .

> Chính quyền Putin–II và chính sách hướng Đông

Đã hơn một thập niên qua, kể từ khi tổng thống tiền nhiệm Boris Yeltsin “chấm” vị cựu sỹ quan cơ quan an ninh liên bang Nga KGB vào vị trí người kế nhiệm, ông Putin chưa hề rời xa những vị trí quyền lực nhất đất nước của những con búp bê lật đật Matryoska hay Babushka.

Như vậy, có thể dự đoán, nước Nga thời “Putin đệ tam” (đây là nhiệm kỳ thứ ba ông Putin làm tổng thống) sẽ không có những thay đổi lớn.

Nhưng qua bốn năm “đổi vai”với đồng minh chính trị Dmitry Medvedev, ít nhất ông Putin cũng đã có một góc nhìn khác về những việc cần làm của nước Nga khi trở lại điện Kremlin và đó có thể là những đối sách riêng rẽ, linh động cho từng thách thức của đất nước.

Bởi kinh tế thế giới đang trải qua những biến động lớn và diễn biến rất khó lường nên những sách lược dài hơi có vẻ không phù hợp trong lúc này.

Thật khó để dự báo tình hình châu Âu và thế giới để nước Nga có thể đi đến quyết định tăng hay giảm phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu chiến lược như dầu mỏ và nguyên liệu thô.

Ở một góc độ khác, có thể hiểu rằng những người bầu cho Putin mong muốn sự ổn định hơn là những thay đổi chóng mặt. Nhưng chắc chắn, ông chủ điện Kremlin vẫn phải bắt tay đổi mới một số lĩnh vực sau khi đã có khoảng thời gian 4 năm trên ghế thủ tướng.

Không những vậy, nhu cầu cải tổ còn đến từ niềm tin của đông đảo công chúng, những người đặt niềm tin nơi vị cựu sỹ quan KGB.

Nhưng như đã nói ở trên, người Nga dường như không mong có những xáo trộn lớn dù vẫn muốn có thay đổi, có cải tổ, vấn đề là cải tổ cái gì trước. Theo các nhà quan sát, phần đông người bầu cho ông Putin ủng hộ một hệ thống an sinh xã hội hào phóng hơn, chính sách đối ngoại cứng rắn hơn…

Vấn đề lại dẫn đến mâu thuẫn khi thực tế phát triển của nước Nga lại đang đòi hỏi phải “liệu cơm gắp mắm”.

Chính đó là lý do chính phủ của ông Putin sẽ phải rất linh hoạt, giải quyết khéo léo đòi hỏi của người dân và phe đối lập cũng như các mục tiêu chiến lược trong thời kỳ mới.

Đó có thể là cải tổ hệ thống lương hưu, nâng tuổi về hưu, cải cách thuế thu nhập và thuế đánh vào hàng xa xỉ, như đòi hỏi của đa số người nghèo ở quốc gia vẫn còn hơn 14% dân số sống dưới mức nghèo khổ, những người đã đặt niềm tin nơi ông qua lá phiếu.

Nhưng đó cũng có thể là việc giảm thuế ở những lĩnh vực phi năng lượng, như ông từng hứa với giới doanh nhân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG