Trung Quốc sẽ thôi dùng nội tạng tử tù

Bán thận của bản thân để lấy tiền là hợp pháp ở Iran. Tháng 3-2008, Philippines mới cấm việc mua bán nội tạng Tranh: Nexus Illuminati
Bán thận của bản thân để lấy tiền là hợp pháp ở Iran. Tháng 3-2008, Philippines mới cấm việc mua bán nội tạng Tranh: Nexus Illuminati
TP - Trung Quốc vừa cam kết sẽ xóa bỏ tình trạng sử dụng nội tạng của tử tù để cấy ghép cho bệnh nhân trong 3-5 năm tới, sau khi xây dựng hệ thống hiến tạng quốc gia.

> Đường dây đưa người qua Trung Quốc bán thận

Thứ trưởng Y tế Huang Jiefu ngày 23-3 nói rằng Trung Quốc đang xây dựng hệ thống hiến các bộ phận cơ thể người để giảm phụ thuộc vào nguồn tim, gan, thận… lấy từ tử tù, đồng thời khuyến khích người dân hiến tạng.

Để đạt được mục tiêu này, các hệ thống thử nghiệm sẽ được triển khai ở 16 trong số 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc lục địa. “Cam kết xóa bỏ sự phụ thuộc vào nguồn nội tạng từ tử tù cho thấy quyết tâm của chính phủ,” ông Huang nói.

Ông Huang cho biết, Trung Quốc sẽ thí điểm chương trình hiến tạng ở nhiều thành phố như Thiên Tân, Vũ Hán…, theo đó cho phép người dân thể hiện mong muốn hiến tạng trên giấy phép lái xe của họ. Sẽ có ngân quỹ cho gia đình người hiến tạng.

Theo các quan chức y tế, nguồn hiến tặng nội tạng từ cộng đồng không đủ nên các bộ phận được thay ghép ở Trung Quốc chủ yếu là từ tử tù, nhưng chỉ khi được họ đồng ý trước.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền quốc tế lâu nay vẫn chỉ trích Trung Quốc vì tận dụng nội tạng từ những người bị kết án tử hình để cấy ghép mà không được sự đồng ý của tử từ hay người nhà họ.

Người Trung Quốc thường không muốn hiến tạng; nhiều người tin rằng họ sẽ được đầu thai sau khi lìa đời, nên họ muốn cơ thể nguyên vẹn sau khi chết. Số liệu từ Bộ Y tế Trung Quốc cho thấy, khoảng 1,5 triệu người ở nước này cần ghép tạng, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 10.000 ca có thể thực hiện được.

Những năm gần đây, Trung Quốc áp dụng án tử hình thận trọng hơn, dẫn tới nguồn hiến tạng từ tử tù giảm (dù vẫn chiếm đa số). Báo China Daily của Trung Quốc hồi tháng 8-2009 đưa tin rằng, gần 65% tạng ghép đến từ tử tù.

Tỷ lệ nội tạng tử tù nhiễm nấm và vi khuẩn rất cao, nên tỷ lệ sống sót lâu dài của những người được thay ghép tạng ở Trung Quốc thường thấp hơn ở các nước khác.

Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện quy định về cấy ghép nội tạng. Năm 2007, chính phủ nước này ban hành những quy định đầu tiên về ghép tạng, cấm các tổ chức và cá nhân buôn bán nội tạng người dưới mọi hình thức.

Luật hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 2-2011) đánh dấu bước đầu tiên Trung Quốc khép hoạt động buôn bán nội tạng người vào tội hình sự.

Theo đó, việc “ép cắt nội tạng, ép hiến nội tạng hay cắt nội tạng của người chưa thành niên” có thể bị khép vào tội danh giết người.

Những người bị kết tội tổ chức buôn bán nội tạng bất hợp pháp thường bị giam 5 năm và bị phạt tiền, còn trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù lâu hơn. Giá trung bình của một quả thận trên thị trường chợ đen là 150.000 USD.

Việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc được thực từ thập niên 60 của thế kỷ trước và là một trong những chương trình ghép tạng lớn nhất thế giới (hơn 13.000 ca ghép tạng năm 2004). Trung Quốc cũng tham gia các phẫu thuật ghép tiên tiến, như ghép mặt, gồm cả xương. Hệ thống hiến tạng sau khi chết đầu tiên của Trung Quốc được Hội Chữ thập đỏ và Bộ Y tế nước này thành lập tháng 3-2010.

Gia Tùng
Theo Xinhua, AP, The Lancet

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.