Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi

Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi
TPO -“Bước đột phá trong điều trị bước 1 ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến hoạt hóa EGFR” là chủ đề hội thảo khoa học do Hoffmann La Roche, và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Các chuyên gia hàng đầu về ung thư phổi của Việt Nam và thế giới đã đến tham dự.

Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi ảnh 1

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến nhất và nguy cơ tử vong cao trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Globocan, ung thư phổi chiếm 13% tổng số ca bệnh mới được chẩn đoán và 18.2% ca tử vong trong biểu đồ các bệnh ung thư toàn cầu năm 2008. Căn bệnh này đang gia tăng đáng kể ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Riêng tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 về xuất độ cũng như tử xuất của các loại ung thư hàng năm với cả hai giới nam và nữ.

Ung thư phổi được chia làm hai loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Mỗi loại phát triển theo những cách khác nhau và hướng điều trị cũng khác nhau. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) chiếm khoảng 80% tổng số ca bệnh ung thư phổi.

GS - BS. Fillippo De Marinis, Giám đốc Trung tâm Ung thư - Hô hấp thuộc Bệnh viện San Camillo & Forlanini (Italia) đến Việt Nam tham dự hội thảo khoa học “Bước đột phá trong điều trị bước 1 ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến hoạt hóa EGFR”, cho rằng: “UTPKTBN có đột biến hoạt hóa EGFR sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng thêm với mức độ ác tính mạnh hơn và thời gian sống của bệnh nhân ngắn hơn cũng như đáp ứng với hóa trị liệu thông thường kém hơn".

"Mặt khác các nghiên cứu về sinh học phân tử cũng chỉ ra rằng đột biến hoạt hóa EGFR cũng sẽ làm cho đáp ứng điều trị với các thuốc ức chế tyrosine kinase của EGFR hay còn gọi là các TKI sẽ tốt hơn".

"Do vậy cần phải tiến hành làm xét nghiệm tìm đột biến hoạt hóa EGFR trên các tế bào ung thư của bệnh nhân UTPKTBN, và nếu kết quả xét nghiệm dương tính nghĩa là có các đột biến hoạt hóa EGFR trên các tế bào ung thư của bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ có đủ điều kiện sử dụng thuốc erlotinib để điều trị bước 1 UTPKTBN giai đoạn tiến xa hoặc di căn”.

Việc điều trị UTPKTBN ở giai đoạn tiến xa trước đây vẫn thường được biết đến với phương pháp hóa trị, hoặc xạ trị. Tuy nhiên, các phương pháp này có một số hạn chế như thời gian sống của bệnh nhân thường ngắn, thông thường dưới 1 năm và chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì người bệnh phải gánh chịu nhiều tác dụng phụ của các thuốc gây độc tế bào, đặc biệt là các tác dụng phụ trên tủy xương, gây ra tình trạng thiếu máu, chảy máu và giảm sức đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến các bội nhiễm, như nhiễm khuẩn huyết làm cho bệnh nhân sớm tử vong...

Tại Việt Nam, theo báo cáo “Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến xa bằng erlotinib” của nhóm các bác sĩ thuộc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong khoảng thời gian 2008 - 2010 đã cho thấy hiệu quả đáp ứng cao của các bệnh nhân UTPKTBN khi được điều trị bằng erlotinib, phương pháp điều trị nhắm trúng đích tác dụng rõ rệt trên bệnh nhân UTPKTBN có đột biến hoạt hóa EGFR. Theo đó, tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều có đáp ứng tốt, các triệu chứng đau đớn thuyên giảm sau 1 đến 2 tuần dùng thuốc, trong đó các triệu chứng ho, đau và khó thở giảm rõ rệt nhất.

TS - BS. Nguyễn Tuyết Mai - Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện K, Hà Nội cho rằng, với sự phát triển của y học, cơ hội kéo dài sự sống cho những bệnh nhân UTPKTBN có đột biến hoạt hóa EGFR đã mở ra bằng phương pháp điều trị với erlotinib, phương pháp này được đánh giá như một chuẩn mực mới trong điều trị UTPKTBN giúp bệnh nhân sống vui, khoẻ vì tránh được rất nhiều tác dụng phụ gây ra bởi các thuốc hóa trị thông thường.

Theo Viết
MỚI - NÓNG