Tiêm vắc xin, vẫn 'dính' bệnh

Tiêm vắc xin, vẫn 'dính' bệnh
TP - Nắng nóng khiến các loại bệnh mùa hè như thủy đậu, quai bị, tay chân miệng, sốt phát ban... gia tăng. Một số người đã được tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh.

Theo BS Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, về nguyên tắc, tiêm vắc xin để phòng bệnh, ngăn chặn các bệnh xâm nhập cơ thể.

Tuy nhiên, có những xác suất nhất định, có thể xảy ra một số trường hợp bệnh nhân tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh. Trường hợp này, người tiêm vắc xin rồi thường bị nhẹ hơn các bệnh nhân khác cùng loại bệnh chưa được tiêm vắc xin.

Sắp tới, sở đề nghị nghiên cứu đề tài khoa học chuyên sâu về vấn đề này và có sự khảo sát, đánh giá trên diện rộng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hải Châu (Đà Nẵng), mới sáng sớm, phòng khám đã tấp nập bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Mai Anh, Phó khoa Nội Lây, cho biết, nếu những tháng trước mỗi tuần chỉ có 2-3 bệnh nhân thủy đậu, tay chân miệng, thì hiện tăng gấp vài ba lần. Lo ngại nhất là bệnh nhân quai bị phát triển lên viêm tủy cấp đang có dấu hiệu tăng.

Từ đầu năm đến nay đã có 4 trường hợp. Trung bình mỗi ngày, khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng tiếp nhận gần 200 bệnh nhân đến khám và điều trị với các triệu chứng sốt nóng, tiêu chảy, viêm phổi…

Trong đó, tuần qua, số bệnh nhi tăng trên 250. Tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, số lượng bệnh nhân thủy đậu cũng tăng đột biến.

Theo BS Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường khiến các loại dịch bệnh mùa hè, thủy đậu, sốt phát ban, sởi tăng nhanh. Từ đầu năm tới nay, Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.100 ca thủy đậu, tăng 171% so với cùng kỳ năm 2010 (419 ca), trong đó chủ yếu ở trẻ em.

Các trường hợp sốt phát ban nghi Rubella thời gian qua có hơn 1.000 ca, sốt phát ban nghi sởi (89 trường hợp), bệnh tay chân miệng có 48 trường hợp, cúm A (H1N1) có 26 trường hợp dương tính, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ.

Một số người đã tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh quai bị, thủy đậu, sởi... nhưng vẫn dính bệnh. Tại khoa Nhi (bệnh viện 600 giường đường Lê Văn Hiến), cháu Hồ Minh Cường (4 tuổi) cùng nhiều bệnh nhân đang được điều trị bệnh thủy đậu.

Chị Ngô Thị Hòa (33 tuổi, trú tổ 6 Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), mẹ cháu Cường, băn khoăn: “Mới cuối tuần qua, cháu đi học về thì phát hiện mụn nổi khắp người, được chẩn đoán bị thủy đậu. Cả gia đình tôi hết sức ngạc nhiên vì đã tiêm vắc xin ngừa thủy đậu cho cháu cách đây hơn 1 năm, sao lại có thể mắc được?”.

Theo chị Hòa, khi học mẫu giáo, gia đình cháu đến cơ sở y tế trên địa bàn để tiêm vắc xin phòng các bệnh sởi, rubella, quai bị và cả thủy đậu. Riêng mũi quai bị tiêm nhắc lại đến 2 lần. Trong khi chị gái cháu Cường cũng tiêm vắc xin thủy đậu nhưng không bị sao.

Cháu Nguyễn Minh Quân (10 tuổi) vẫn bị quai bị (đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Hải Châu) dù đã được tiêm vắc xin. Mẹ Quân, chị Nguyễn Thị Bích Liên (34 tuổi, tạm trú tổ 23 C, phường Thọ Quang, Sơn Trà), nói: Ngay hồi học trường mầm non, trường gửi giấy về để chúng tôi ký cho cháu tiêm vắc xin thủy đậu, sởi, viêm não Nhật Bản và cả quai bị. Vậy mà không hiểu sao cháu vẫn mắc bệnh này”.

Bệnh viện Đa khoa Hải Châu, đơn vị ghi nhận một số trường hợp tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc các bệnh thủy đậu, quai bị, sởi từ năm 2010 đến nay cho biết, do số lượng chưa nhiều nên chưa có nghiên cứu, thống kê cụ thể về tình trạng bệnh nhân này.

BS Nguyễn Hóa lý giải: Việc tiêm vắc xin vẫn dính bệnh có thể do nhiều nguyên nhân như hệ đáp ứng miễn dịch của người tiêm không được tốt, kỹ thuật tiêm không đảm bảo dẫn đến hiệu quả chưa cao, hoặc do thể trạng của bé lúc tiêm không tốt, kháng thể ở một mức độ nhất định nên khi vi rút tấn công không có khả năng kháng bệnh ở khả năng tốt nhất.

Các bệnh viện ở TPHCM gần đây tiếp nhận nhiều trẻ dù đã tiêm chủng phòng lao, sởi, quai bị, thủy đậu vẫn mắc bệnh.

BS Tống Thanh Sơn - Khoa Khám bệnh trẻ em lành mạnh, BV Nhi Đồng II TPHCM tư vấn, theo chương trình tiêm chủng mở rộng trước đây, chỉ cần tiêm một liều vắc xin sởi đã đủ tạo ra miễn dịch cao và bền vững.

Tuy nhiên, gần đây số ca mắc sởi tăng lên, một số nơi xuất hiện ổ dịch, một số trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng cơ địa vẫn không đáp ứng. Do đó, hiện nay mỗi trẻ phải tiêm tối thiểu hai liều vắc xin. Thế nhưng, một số bệnh nhi vẫn mắc bệnh sởi, có thể do trẻ có cơ địa miễn dịch đặc biệt.

Cũng có khi do trẻ đang trong giai đoạn uống một số loại thuốc ức chế miễn dịch điều trị bệnh hen suyễn, hội chứng thận hư, bệnh lý về khớp... khiến việc tiêm vắc xin tạo miễn dịch không hiệu quả. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng I TPHCM cho biết có trẻ tiêm vắc xin quai bị vẫn mắc bệnh.

Bác sĩ Khanh cho biết nếu trẻ đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh quai bị, sởi, rubella, thủy đậu thường do tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy định; hoặc do cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang bị một số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm virus nặng. Đó là chưa kể vắc xin bảo quản không tốt và tiêm không đúng cách cũng làm giảm hiệu quả phòng bệnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG