Bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng mạnh

Bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng mạnh
TP - Trong khi 100% quận huyện ở TPHCM đều có trẻ em nhập viện vì dịch tay chân miệng, số người mắc bệnh hô hấp, sốt xuất huyết tăng đột biến những ngày qua.

Sốt xuất huyết bùng phát trái quy luật
> Những điều cần biết về Enterovirus 71

Ngày 3-7, tại Khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 1 TPHCM, có hơn 50 trẻ đang điều trị. Theo bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, một tuần trở lại đây mỗi ngày Khoa Sốt xuất huyết tiếp nhận khoảng 100 trẻ để điều trị, trong đó 20 ca nặng độ 3-4. So với đầu tháng 6, số trẻ mắc bệnh tăng gấp đôi do nắng nóng chuyển sang mưa nhiều, tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển. BV Nhi đồng 2 đang điều trị cho 80 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó nhiều em bị sốt độ 4 do nhập viện muộn.

Theo khảo sát của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, các nước lau sàn thông thường không có khả năng khử khuẩn trong phòng bệnh. Vì vậy, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo các hộ dân sử dụng những chất khử khuẩn như Chloramine B được cấp phát ở trạm y tế địa phương hoặc Sodium hypoclorit

Khoa Nhiễm nhi BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM mỗi ngày tiếp nhận hơn 20 trẻ mắc sốt xuất huyết. Theo thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, từ đầu năm đến nay, nơi đây có hơn 500 người lớn nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó hơn 50 ca ở độ 3-4. Theo các bác sĩ, so với những năm trước, tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết đang gia tăng. Năm 1991, tỷ lệ người lớn mắc bệnh chỉ chiếm 14%, năm 2001 lên 61%, hiện nay lên 75%. Tại khoa Nhiễm CD của bệnh viện này, hơn 200 người lớn đang được điều trị sốt xuất huyết tăng trên 50% so với những tuần trước.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết, từ đầu năm đến nay, TPHCM tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện, trong đó 1 ca tử vong. “Các quận Thủ Đức, Tân Bình, quận 6, 8, huyện Bình Chánh là những nơi có ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát nhiều nhất”, bác sĩ Thọ nói.

Bệnh tay chân miệng, hô hấp tăng đột biến

Thời tiết mưa nắng thất thường gần hai tuần qua ở TPHCM khiến số trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi tăng đột biến. Ngày 3-7, Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 có 230 trẻ nằm điều trị do mắc bệnh hô hấp, tăng khoảng 100 ca so với những tuần trước, khiến 3-4 trẻ phải nằm ghép một giường. Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 có 200 trẻ điều trị những bệnh tương tự.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TPHCM, nói rằng dịch tay chân miệng chưa có dấu hiệu chững lại khi số ca nhập viện tại đây vẫn chiếm 20-30 ca/ngày. “Đa số ca nhập viện là trẻ dưới 5 tuổi kèm các biến chứng nặng như viêm não, viêm cơ tim, một số đã tử vong”, bác sĩ Khanh nói. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, TPHCM có gần 4.700 người mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, trong đó có 17 ca tử vong. “Hiện 100% quận - huyện của TPHCM có trẻ em nhập viện vì căn bệnh này”, bác sĩ Nga cho biết.

Bác sĩ Khanh nói: “Nếu sốt xuất huyết có diễn biến tính theo ngày thì tay chân miệng có diễn biến tính theo giờ. Đến nay bệnh không có vắc-xin phòng ngừa, không có thuốc điều trị và ngăn chặn biến chứng”. Theo bác sĩ Khanh, bệnh thường bùng phát 2 đợt trong năm, từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11. Số ca bệnh đợt 2 luôn nhiều gấp đôi đợt 1. “Năm nay, đợt 1 đã có 7.000 ca nhập viện, vào đợt bùng phát bệnh sắp tới, số ca mắc bệnh tăng đột biến hoàn toàn có khả năng xảy ra”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, do mưa nắng thất thường nên các loại siêu vi có cơ hội phát triển mạnh. Khi thấy trẻ sốt cao, khó thở, thở khò khè, ho nhiều nên đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, nên giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ khi trưa nắng nóng, đồng thời tránh cho trẻ tiếp xúc khói thuốc lá, khói bụi xe…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG