Kháng sinh không chữa được tiêu chảy do rotavirus

Kháng sinh không chữa được tiêu chảy do rotavirus
TP - Tiêu chảy cấp do rotavirus chiếm 60%-70% trường hợp tiêu chảy nặng phải nhập viện ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không chữa được bệnh này.

Nguy hiểm bệnh tiêu chảy cấp
> Hơn 125 nghìn trẻ nhập viện vì virus tiêu chảy cấp mỗi năm

Hầu hết trẻ em nhiễm rotavirus trước khi chúng được 5 tuổi, đặc biệt là giai đoạn từ 6 tháng đến 2 tuổi. Rotavirus tồn tại quanh năm ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Tuy nhiên, ở khu vực miền Bắc, bệnh phát triển cao điểm trong suốt những tháng lạnh hơn nên dân gian hay gọi là bệnh tiêu chảy mùa đông.

Lây lan cao, dễ tử vong

Trẻ em có thể nhiễm rotavirus qua đường tiêu hóa từ thức ăn, thức uống, đồ vật nhiễm bẩn. Rotavirus có khả năng lây lan rất cao vì tồn tại trong môi trường và lưu lại trên tay vài giờ và trên bề mặt rắn khoảng vài ngày.

Ở những trẻ bị bệnh, rotavirus có thể đào thải trong phân lên đến 21 ngày mặc dù tiêu chảy đã chấm dứt. Đó là lý do tại sao chỉ bằng vệ sinh thông thường, cung cấp nước sạch hay cải thiện hệ thống vệ sinh môi trường cũng không thể loại trừ được bệnh tiêu chảy do rotavirus, đặc biệt là lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Khi trẻ nhiễm rotavirus sẽ đào thải ra ngoài một lượng siêu vi rất lớn, đến 10 ngàn tỷ nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ 10 siêu vi là có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người. Siêu vi có thể truyền đi một cách dễ dàng qua tay bị nhiễm bẩn. Nó cũng có thể lây qua đồ chơi, giường, gối, chăn, ga trải giường.

Trẻ bị nhiễm rotavirus sẽ nôn ói và tiêu chảy đến 20 lần/ngày, có thể dẫn đến tử vong. Sau 24 - 48 giờ từ khi bắt đầu nôn ói sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, không có máu. Do nôn ói và tiêu chảy, trẻ bị mất nước và mất các chất điện giải. Các chất này không thể bù tại nhà bằng đường uống được nên nhất thiết phải đưa trẻ tới bệnh viện. Nếu không được truyền dịch kịp thời để bù nước và điện giải trẻ có thể tử vong vì kiệt nước.

Thông thường, bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể đến 2 tuần.

Khi bị tiêu chảy do rotavirus, lớp màng nhầy, vi nhung mao có chứa nhiều men và niêm mạc của ruột non bị phá hủy, nên ảnh hưởng trực tiếp sự hấp thu của thức ăn, đặc biệt là sữa. Điều này dẫn đến tiêu chảy kéo dài, sụt cân và suy dinh dưỡng ở trẻ.

Phải chủ động uống vắc-xin

Đặc trưng của tiêu chảy do rotavirus là làm mất nước ồ ạt và ói mửa nhiều so với các trường hợp tiêu chảy khác, do đó, trẻ bị tiêu chảy do rotavirus rất dễ bị mất nước nghiêm trọng và thường phải nhập viện cao hơn so với các trường hợp khác.

Nhiễm rotavirus lần đầu thường nặng nhất. Các lần nhiễm sau thì ít nặng hơn vì trẻ đã có kháng thể bảo vệ. Điều này là điểm khác biệt so với các bệnh tiêu chảy khác.

Tiêu chảy do rotavirus không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh. Điều này cũng không giống như các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn khác. Vì vậy, hãy mang trẻ đi khám bác sĩ, nhất là khi tình trạng bệnh nhân không tốt hơn trong 2 ngày, với các biểu hiện không ăn uống tốt, tiếp tục đi phân lỏng nhiều và thường xuyên ói mửa, sốt hay phân có máu.

Phụ huynh có con em nhiễm rotavirus cần lưu ý nên dùng các dung dịch bù nước bằng đường hoặc dùng nước dừa, nước trái cây hay là súp gà. Các loại nước giải khát công nghiệp như nước ngọt , nước uống có gas và thức uống có hương vị trái cây không phù hợp vì chứa nhiều đường có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Nên tiếp tục cho bé ăn, nếu bé đang bú mẹ thì vẫn cho bú mẹ.

Nếu bé không bú mẹ thì nên tiếp tục cho bé uống sữa và điều cần thiết là không nên pha loãng sữa hay thay đổi sữa. Nếu trẻ đã ăn bổ sung, có thể cho ăn thức ăn hằng ngày trẻ vẫn ăn, tuy nhiên nên dùng thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa hơn. Thức ăn có nhiều Kali như chuối và dừa là nguồn cung cấp Kali rất tốt khi trẻ bị tiêu chảy.

Các phòng ngừa tiêu chảy do rotavirus hữu nhiệu nhất vẫn là chủ động uống vắc-xin.

GS.TS. Nguyễn Gia Khánh
Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG