Chạy đua phòng dịch trước ngày khai trường

Chạy đua phòng dịch trước ngày khai trường
Gần đến ngày khai giảng, các trường mầm non, tiểu học tăng tốc thực hiện công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, không phải công việc này ở tất cả các trường đều diễn ra suôn sẻ.

> Thanh niên hưởng ứng phòng chống dịch tay chân miệng

Giáo viên Trường mầm non Ánh Dương (Q.3, TP.HCM) rửa đồ chơi bằng Chloramine B chiều 3-9 - Ảnh: N.Hùng
Giáo viên Trường mầm non Ánh Dương (Q.3, TP.HCM) rửa đồ chơi bằng Chloramine B chiều 3-9. Ảnh: N.Hùng.
 

Ngày 3-9, các cô giáo, bảo mẫu của Trường mầm non tư thục Ánh Dương (Q.3, TP.HCM) đã hoàn thành việc vệ sinh bàn, ghế, tủ, đồ chơi, sàn nhà... bằng hóa chất diệt khuẩn Chloramine B phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Toàn bộ đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà được các cô vệ sinh sạch sẽ. Bà Đỗ Quỳnh Châu, hiệu trưởng nhà trường, cho hay đến thời điểm này trường đã hoàn thành công tác phòng bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết.

Vệ sinh hằng ngày

Tại Trường mầm non Hồng Nhung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trong tuần lễ cuối tháng 8-2011 tất cả giáo viên - cán bộ - công nhân viên của trường đã cùng nhau làm tổng vệ sinh: chà rửa bàn ghế, lau sàn phòng học, đồ dùng, đồ chơi... của học sinh bằng Chloramine B. Ngoài ra, trường còn phun thuốc diệt khuẩn tại tất cả nhà vệ sinh học sinh, giáo viên, đồ chơi ngoài trời, sân trường... để chuẩn bị cho ngày khai giảng 5-9.

Trong khi đó, tại Trường mầm non Sơn Ca 5 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), các giáo viên đã làm vệ sinh và dùng Chloramine B để khử khuẩn tất cả vật dụng mà học sinh có thể tiếp xúc như: tay nắm ở các cửa ra vào, tay nắm cầu thang, đồ chơi... Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 5 - khẳng định: “Đảm bảo từ môi trường đến các vật dụng đều đã khử khuẩn, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới...”.

Tại Trường mầm non Hoa Lư, Q.1, bà Lê Thị Kim Vân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cả tuần nay, tất cả cô giáo, bảo mẫu của trường tổ chức lau chùi bằng hóa chất khô toàn bộ bàn ghế, vật dụng, đồ chơi, chốt nắm cửa... Hiện trường trang bị đầy đủ xà phòng nước tại các vòi nước để các bé vệ sinh.

Tại các lớp học, trường trang bị thêm một vòi nước nóng để cô giáo giúp bé vệ sinh lại một lần nữa. Ngoài ra, sau ngày khai giảng trường sẽ liên tục cho nhân viên vệ sinh đúng 6g sáng mỗi ngày tổ chức lau sàn nhà, vệ sinh sạch sẽ lớp học trước khi cho các bé vào lớp”.

Nhiều trường bối rối

Trong khi đó, tại Hà Nội, ngành y tế dự phòng của thành phố thông báo sẽ cấp cho mỗi trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học công lập và tư thục 2kg Chloramine B để khử khuẩn. Tuy nhiên, đến hôm qua (3-9), bà Hoàng Thị Thủy - cán bộ y tế Trường tiểu học Đông Ngạc B (Từ Liêm) - cho hay trường vẫn chưa nhận được lượng hóa chất này nên... chưa thể thực hiện công tác khử khuẩn.

Thực tế, nhiều trường tại Hà Nội vẫn khá bối rối trong việc làm thế nào để phòng chống dịch bệnh. Nhiều trường chờ lượng hóa chất được cấp phát miễn phí như được thông báo, khi chưa có thì “án binh bất động” cho dù ngày khai giảng đã cận kề. Song nhiều trường không thể chờ đợi đã tự ý mua hóa chất, tự ý pha và phun mà không có sự hướng dẫn, tư vấn của nhân viên y tế.

Theo kế hoạch, trước ngày khai giảng, Trường tiểu học Quang Trung (Q.Hoàn Kiếm) đã nhờ một phụ huynh mua hóa chất để trường tự pha và đội ngũ bảo vệ, lao công tại trường chủ động phun. Tuy nhiên, khi được hỏi về cách pha, người phụ trách y tế cũng chỉ áng chừng pha 5-10 thìa hóa chất vào bình nước 10 lít.

Bà Ngô Thu Hương, trưởng Phòng y tế quận Hoàn Kiếm, khẳng định việc nhà trường tự mua hóa chất mà không biết rõ nguồn gốc, lại tự pha để phun, không thông qua y tế quận, phường, tỉ lệ pha hóa chất cũng không rõ thì không những không đạt hiệu quả mà còn gây lãng phí.

Thực tế, do không được hướng dẫn, có người còn đinh ninh dùng bột Chloramine B rắc trực tiếp vào các khu vực cần khử khuẩn là tốt nhất vì như thế hóa chất sẽ rất... đậm đặc. TS Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ - cho hay cách làm tùy tiện đó hoàn toàn không có tác dụng, thậm chí còn gây nguy hại đến môi trường. Bởi Chloramine B phải pha với nước, clo tự do được giải phóng ra.

Khử khuẩn ít nhất 1 lần/tuần

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trong trường học.

Theo đó, các đơn vị phải tăng cường vệ sinh môi trường trường học, việc vệ sinh đồ dùng dạy học, đồ chơi, đồ dùng học sinh bán trú... phải được thực hiện mỗi ngày; việc khử khuẩn môi trường, lớp học, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt ít nhất 1 lần/tuần để phòng ngừa dịch bệnh; khu vực vệ sinh phải có vòi nước rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng; mở cửa thông thoáng lớp học, hội trường, phòng làm việc, bếp ăn...

Số ca tay chân miệng chưa giảm

Theo các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM), hiện trung bình mỗi ngày vẫn có 40 đến hơn 50 ca nhập viện. Tình hình này chưa có dấu hiệu giảm kể từ đầu tháng 8 đến nay.

Có mặt tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong ngày 3-9, dù là dịp lễ và cuối tuần nhưng các bác sĩ, điều dưỡng vẫn tất bật làm việc không nghỉ trưa. Thân nhân, bệnh nhi vẫn chật cứng các phòng bệnh, chen trên các lối đi dọc hành lang từ trên lầu xuống đất.

Tình hình cũng tương tự tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Số bệnh nhi đang được điều trị bệnh tay chân miệng tại khoa nhiễm trong sáng cùng ngày là 187 ca.

Theo H.Hg. - Ngọc Hà - Tr.Giang
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG