Thêm gần 5.000 người nhiễm tay chân miệng

Chăm sóc, điều trị cho trẻ em tại khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)
Chăm sóc, điều trị cho trẻ em tại khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, từ ngày 15 đến ngày 22-9, số trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng đã tăng lên nhiều, từ 52.300 trường hợp lên 57.055 trường hợp nhiễm bệnh tại 61 địa phương. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần qua, gần 5.000 trường hợp nhiễm mới bệnh này.

 > Dịch tay chân miệng vẫn lan nhanh do tuyên truyền “lệch”

Chăm sóc, điều trị cho trẻ em tại khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)
Chăm sóc, điều trị cho trẻ em tại khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN).

Một số tỉnh có số mắc tay chân miệng cao trong tuần như Quảng Ngãi (232 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (225 ca), Đồng Tháp (165 ca), Hòa Bình (142 ca), Đồng Nai (215 ca)…

Tính từ đầu năm 2011 đến ngày 22-9, cả nước ghi nhận 111 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý về bệnh tay chân miệng trong tuần qua là có một trường hợp bệnh nhi tại Hà Nội tử vong.

Đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại Hà Nội đã gây xôn xao dư luận và khiến rất nhiều phụ huynh học sinh lo lắng về khả năng lây lan của dịch bệnh.

Sau sự việc trên, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành điều tra tuy nhiên chưa xác định rõ được nguồn lây.

Trung tâm cũng tiến hành lấy 12 mẫu bệnh phẩm ngoáy họng của người nhà bệnh nhân (10 người), cô giáo phụ trách lớp nơi bệnh nhân theo học gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm hiện chưa có kết quả và đã xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

Tình hình bệnh tay chân miệng trong tuần qua cũng diễn ra khá nghiêm trọng tại tỉnh Bạc Liêu, Đắk Nông, khi một số trường mầm non đã phải tạm thời đóng cửa.

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bạc Liêu, ngày 22-9, Ban giám hiệu Trường Mầm non Bạc Liêu đã quyết định tạm đóng cửa 10 ngày (đến hết ngày 2-10) nhằm phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho gần 1.000 học sinh mẫu giáo và các nhóm trẻ đang theo học tại trường này.

Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Thanh Dương cho biết, bệnh tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.

Thêm vào đó, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương hiện chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế nên dịch bệnh này vẫn lan nhanh trong cộng đồng.

Để chủ động phòng chống bệnh cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức của, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng thông qua việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ.

Theo Thùy Giang
Vietnam+

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG