Hút thuốc lá và bệnh tim mạch

Hút thuốc lá và bệnh tim mạch
Hút thuốc lá đã được biết rõ là tác hại lớn đến phổi gây ra ung thư phổi, các bệnh phổi mạn tính. Tuy nhiên, tác hại có thể còn lớn hơn nhiều đó là tác động lên hệ tim mạch.

Hút thuốc lá và bệnh tim mạch

Ăn dứa có thể bị ngộ độc

> Bệnh sán lá ruột gây liệt ruột

Hút thuốc lá đã được biết rõ là tác hại lớn đến phổi gây ra ung thư phổi, các bệnh phổi mạn tính. Tuy nhiên, tác hại có thể còn lớn hơn nhiều đó là tác động lên hệ tim mạch.

Hút thuốc lá và bệnh tim mạch ảnh 1

Ảnh: minh họa - Internet

 

Hút thuốc lá - nguy cơ của nhiều bệnh lý

Riêng hút thuốc lá cũng đã là một yếu tố nguy cơ độc lập quan trọng gây bệnh tim mạch, nhưng khi hút thuốc lá ở người có kèm theo các nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì hoặc người có yếu tố gia đình bị bệnh tim mạch thì làm cộng hưởng các tác hại lên nhiều lần chứ không chỉ đơn thuần là tác dụng cộng. Việc hút thuốc lá dù chỉ ở mức độ nhẹ ở những người đã có sẵn các yếu tố nguy cơ sẽ làm khả năng bị bệnh tim mạch tăng lên gấp nhiều lần.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nicotine chỉ là một trong 4000 thành phần có hại tìm thấy được trong thuốc lá. Do vậy, những loại thuốc được quảng cáo có lọc nicotine cũng không làm giảm đáng kể là bao nguy cơ đối với bệnh tim mạch. Dùng thuốc lá bằng cigar hoặc tẩu có vẻ như ít nguy hại hơn nhưng cũng không giảm được nguy cơ đáng kể. Một số người nhai thuốc lá cũng gây tác hại về tim mạch tương tự như hút thuốc.

Thuốc lá gây hại tim mạch như thế nào?

Gây vữa xơ động mạch

Thuốc lá làm tăng nhanh quá trình vữa xơ động mạch từ đó gây bệnh tim (bệnh động mạch vành), tai biến mạch não, bệnh động mạch ngoại vi. Hút thuốc gây ra vữa xơ động mạch theo nhiều cơ chế. Trước hết nó làm tăng nồng độ chất carbon monoxid (CO), là chất làm tổn thương sự toàn vẹn mềm dẻo của lòng mạch tạo điều kiện cho hình thành nhanh mảng xơ vữa.

Hút thuốc làm giảm chất HDL-cholesterol (một chất cholesterol có lợi) và làm tăng nồng độ LDL-cholesterol (chất có hại) và tăng triglycerid (mỡ máu) gây tăng tình trạng vữa xơ động mạch. Thêm vào đó, hút thuốc cũng làm tăng khả năng đông máu dễ hình thành cục máu đông trên cơ sở mảng xơ vữa gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não. Hút thuốc cũng làm cho lớp tế bào nội mạc mạch (lớp tế bào lát trong thành mạch) bị tổn thương, mất tính trơn nhẵn đàn hồi để dễ dàng hình thành mảng xơ vữa dưới lớp nội mạc.

Các nghiên cứu cho thấy, khi dừng hút thuốc lá làm tăng nồng độ chất HDL-cholesterol và giảm chất LDL-cholesterol và làm giảm tốc độ hình thành xơ vữa động mạch.

Tác động tức thời của hút thuốc lá

Khi hút thuốc ngay lập tức làm tăng nồng độ chất cathecholamine trong máu (đây là chất nội tiết có vai trò kích thích hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể) và chất carbon monoxid ở trong máu. Các chất này gây kích thích có thể làm khởi phát những cơn đau ngực hoặc làm nặng bệnh tim khác. Nồng độ nicotine tăng trong máu cũng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim phải làm việc nhiều hơn hoặc cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp tim.

Bỏ hút thuốc lá có lợi gì?

Tốt nhất là không hút thuốc vì những bằng chứng đã rõ ràng về tác hại của hút thuốc như đã nói trên. Các nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ ảnh hưởng đến tim mạch cũng tăng theo mức độ hút thuốc lá, tức là càng hút nhiều hút lâu, nguy cơ càng cao. Vấn đề đặt ra là đối với những người đã hút thuốc rồi thì việc bỏ hút thuốc có lợi ích như thế nào?

Tổng kết các nghiên cứu theo dõi 16 năm của việc bỏ hút thuốc so với những người vẫn tiếp tục hút thuốc lá cho thấy: việc bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch một cách đáng kể so với người tiếp tục hút. Đặc biệt nguy cơ này giảm chỉ còn 1,3 (đã bỏ) so với 2,0 lần ở người hút nhiều không bỏ.

Bên cạnh đó, việc từ bỏ hút thuốc ở người chưa từng có biểu hiện của bệnh tim mạch sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch về sau một cách rất rõ ràng. Đặc biệt ở những bệnh nhân đã từng bị bệnh tim mạch thì việc bỏ hút thuốc lá là vấn đề cần đặc biệt được nhấn mạnh và hết sức cương quyết. Việc bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ tái phát bệnh hoặc làm nặng bệnh.

Ngay cả ở những người đã hút thuốc trong một giai đoạn dài (nhiều chục năm) thì bỏ hút thuốc vẫn tiếp tục có lợi ích đối với việc giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Việc bỏ hút thuốc lá thậm chí còn có lợi ích giảm đáng kể tỷ lệ bệnh tim mạch ngay trong những ngày đầu tiên. Theo báo cáo của Ban sức khoẻ Hoa Kỳ về lợi ích của bỏ hút thuốc lá năm 1990, việc bỏ thuốc lá đã làm giảm đi một nửa các biến cố bệnh tim mạch trong năm đầu và sau khi bỏ 10 năm thì nguy cơ chỉ còn gần tương tự như ở người chưa từng hút thuốc. Điều này có lợi cho cả nam giới lẫn nữ giới.

Một số người hút thuốc e ngại rằng khi bỏ thuốc lá sẽ làm tăng cân và như vậy có ảnh hưởng ngược lại không? Vấn đề là lợi ích của bỏ hút thuốc lá sẽ là rất vượt trội nếu so với việc tăng cân tức thời ngay sau bỏ thuốc. Hơn nữa, chúng ta cần có một kế hoạch giảm cân khi bỏ thuốc lá và hãy đừng suy nghĩ gì hơn ngoài việc cần bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

Vấn đề hút thuốc lá bị động

Bản thân người hút thuốc không chỉ gây hại cho chính mình mà còn gây hại cho những người xung quanh như gia đình, bè bạn, đồng nghiệp, nơi công cộng... Những người bị ảnh hưởng này gọi là hút thuốc lá bị động. Khi hút thuốc các chất độc không phải là được đốt cháy toàn bộ, hơn nữa khói thuốc lá sẽ phát tán các chất độc như carbon monoxid, nocotine... Chất cotinine, một chất chuyển hoá của nicotine có thể qua rau thai dễ dàng gây ảnh hưởng đến thai nhi nếu người mẹ có hút thuốc lá. Những đứa trẻ mà có bố mẹ hút thuốc lá dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp hơn. Phụ nữ hút thuốc lá khi mang thai dễ sảy thai, đẻ non, hoặc trẻ đẻ thiếu cân. Một nghiên cứu cũng cho thấy hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ – hoặc chết trong nôi (SIDS) xảy ra nhiều hơn ở trẻ có mẹ hút thuốc khi mang thai.

Trước đây, người ta mới chỉ đề cập đến khả năng có thể gây ung thư phổi cao hơn ở người hút thuốc bị động. Những nghiên cứu sau đó cũng chỉ ra rằng hút thuốc lá bị động cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch đáng kể (tới 30% so với người không tiếp xúc với người hút thuốc). Trong số đó, hút thuốc bị động ở công sở cũng làm tăng nguy cơ đến 4 lần và nếu ở gia đình thì còn làm tăng lên nhiều nữa. Vấn đề cũng rõ ràng là nếu người hút thuốc bị động mà tránh khỏi được môi trường thuốc lá thì cũng giảm được nguy cơ đáng kể như người bỏ hút thuốc lá.

Một số đề xuất để hạn chế hút thuốc và khuyến khích bỏ thuốc lá

Kinh nghiệm của các nước phát triển là rất cương quyết trong cuộc chiến chống hút thuốc lá. Chính phủ và cộng đồng đều có những biện pháp tích cực để phòng chống hút thuốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hút thuốc lá vẫn tồn tại và đặc biệt lo ngại ở các nước đang phát triển và ở lứa tuổi thanh niên. Do vậy, nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đã cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên bao thuốc lá phải ghi rõ là hút thuốc lá là có hại. Việc cấm quảng cáo này có tác dụng rõ rệt vì quảng cáo thường ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp trẻ. Bên cạnh đó cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sản xuất và nhập khẩu thuốc lá. Cần đánh thuế mạnh vào thuốc lá, nâng giá thuốc thật cao. Vì theo tính toán bên Hoa Kỳ, cứ tăng thêm 1 USD vào 1 bao thuốc lá sẽ hạn chế được gần 20% số người hút thuốc. Cần phải nghiêm cấm hút thuốc nơi công cộng, làm việc và có chế độ thành luật phạt nghiêm khắc những người không chấp hành.

Theo ThS.BS. Văn Ðức Hạnh
Sức khỏe & Đời sống

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.