Tái tạo dây chằng chéo khớp gối từ gân dự trữ

Tái tạo dây chằng chéo khớp gối từ gân dự trữ
TP - PGS.TS Ngô Văn Toàn, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức Hà Nội), cho biết, chấn thương dây chằng khớp gối thường bị bỏ qua do khi mới mắc, bệnh nhân vẫn có thể đi lại cà nhắc nên chủ quan không đi khám.

Hiện tại, mỗi tuần, Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) phẫu thuật cho hàng chục ca chấn thương dây chằng khớp gối. Đây là một tổn thương dễ gặp do tai nạn hoặc khi chơi thể thao. Nhưng nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và thường được chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác như viêm khớp sau chấn thương hoặc giãn dây chằng đơn thuần nên điều trị không đúng bệnh.

Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhập viện khám và điều trị khi bệnh đã nặng, biến chứng teo cơ, cứng khớp.

Để điều trị hiệu quả căn bệnh này Bệnh viện Việt Đức sử dụng phương pháp tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng nguồn gân dự trữ. Nguồn gân này được tận dụng từ những trường hợp bị tai nạn hoặc của người hiến tặng không mắc bệnh truyền nhiễm. Nguồn gân này phải thông qua một quy trình sàng lọc và xử lý nghiêm ngặt theo quy chuẩn của Hiệp hội Bảo quản mô châu Á và thế giới.

Phẫu thuật này có ưu điểm là bệnh nhân không phải mổ để lấy đi phần gân khác của cơ thể. Kết quả, 95-97% bệnh nhân được phẫu thuật thành công. Phương pháp này loại bỏ được vấn đề thải ghép, không phải dùng thuốc miễn dịch.

Ngoài ra, trong trường hợp tái tạo lần một mà kết quả không như mong muốn, bác sĩ có thể thay thế cho bệnh nhân bằng gân dự trữ lần sau. Nguồn gân dự trữ hiện không nhiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG