Quá tải, thiếu nhân lực và thiết bị

Bác sĩ BV Phụ sản T.Ư siêu âm trong quá trình khám thai cho sản phụ Ảnh: T.H
Bác sĩ BV Phụ sản T.Ư siêu âm trong quá trình khám thai cho sản phụ Ảnh: T.H
TP - Hội thảo khoa học “Tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi, thực trạng và giải pháp” do Sở Y tế Quảng Ngãi tổ chức ngày 18-12 thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành về sản khoa cả nước. Quảng Ngãi là địa phương có các ca tử vong sản nhi tăng đột biến, thành “điểm nóng” trong cả nước thời gian qua.

> Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ tai biến sản khoa tại Quảng Ngãi
> Nhiều tai biến sản khoa do trình độ chuyên môn thấp

Theo BS. Trần Ngọc Hải (Bệnh viện Từ Dũ - TP HCM), mỗi năm trên thế giới (thuộc tổ chức WHO) có 80 triệu ca sinh đẻ, thì có đến 10 triệu ca tai biến sản khoa, trong đó có 358 ngàn ca tử vong mẹ.

Theo đó, cứ 8 ca sinh thì có một tai biến sản khoa và 1.000 ca tử vong mẹ/ngày. Đặc biệt, có đến 90% các vụ tai biến sản khoa xảy ra ở các nước đang phát triển.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước có tai biến sản khoa đứng thứ tư, với tỷ lệ cứ 100.000 ca thì có 69 ca tai biến sản khoa (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Cũng theo ông Hải, nước ta mỗi ngày có hai người mẹ sinh con bị tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do chảy máu (41%), tiền sản giật-sản giật (21,3%), nhiễm khuẩn hậu sản (16,6%) và các lý do khác như thai ngoài tử cung, nạo phá thai…

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam có 431.532 ca sinh, trong đó có 1.658 ca tai biến, tăng 235 ca so với năm 2011.

Nguyên nhân là băng huyết sau sinh, tiền sản giật, uốn ván rốn, vỡ tử cung, thuyên tắc ối… Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, theo Sở Y tế, số vụ tai biến sản khoa xảy ra năm 2011 là 30 ca và 10 tháng của năm 2012 là 19 ca.

Nguyên nhân xảy ra tai biến sản khoa được đánh giá do thiếu nguồn nhân lực nhất là khoa sản-nhi và bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm, bệnh viện quá tải, chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản hạn chế, các vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng hoặc không có bác sĩ sản nhi.

Việc thiếu trang thiết bị cũng là nguyên nhân xảy ra tử vong sản khoa cao. Hiện tại chỉ có 30-40 bệnh viện tuyến huyện có moniter sản khoa, ngân hàng máu sống, đơn nguyên sơ sinh bệnh viện tỉnh, huyện thiếu thiết bị, thuốc sản khoa thiếu không đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, ở nhiều nơi, các khoa chuyên môn thiếu phác đồ điều trị, cá nhân đội ngũ y tế yếu chuyên môn, thiếu trách nhiệm với bệnh nhân…

Điển hình như tại Quảng Ngãi, trong 14 bệnh viện tuyến huyện chỉ có 5 cơ sở làm được việc mổ và cấp cứu sản khoa, 2/14 bệnh viện huyện có chuyền máu, đèn chiếu sáng điều trị da vàng chỉ có 50%...

Vì vậy tất cả các ca sinh đẻ của tỉnh này đều dồn về khoa sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Trong khi đó, khoa sản BV ĐK Quảng Ngãi chỉ có 120 giường bệnh khoa sản nhưng mỗi ngày có 160-170 bệnh nhân, có lúc cao điểm là 200 bệnh nhân, 20-30 ca sinh mổ…

Bác sĩ Võ Thanh Tuấn - Phó trưởng khoa sản, Bệnh viện Sản nhi TP Đà Nẵng, chia sẻ: Tai biến sản khoa là điều không ai mong muốn. Thái độ của đội ngũ y tế với sản phụ, thai nhi và người nhà sản phụ là hết sức quan trọng.

Bác sĩ Bạch Cẩm An, Trưởng khoa sản Bệnh viện Trung ương Huế, cho rằng để hạn chế việc tai biến sản khoa, khi sản phụ nhập viện, việc thăm khám ban đầu tỉ mỉ, nhằm phát hiện các yếu tố bất thường của sản phụ, thai nhi để kịp thời xử lý. Bệnh nhân còn cần được tư vấn cặn kẽ, từ chẩn đoán, tiên lượng và các biến chứng để bệnh nhân và người nhà biết trước.

Kinh nghiệm qua làm việc với 32 bệnh viện tỉnh, thành phố thời gian qua, bác sĩ Hải cho rằng: Cần thiết phải cập nhật phác đồ điều trị các vụ tai biến sản khoa. Dựa vào các phác đồ của Bộ Y tế và của bệnh viện tuyến trên, sau đó lựa chọn phác đồ phù hợp nhất cho địa phương mình. Việc họp rút kinh nghiệm chuyên môn một cách đầy đủ cũng giúp ích rất nhiều cho việc ứng phó với tai biến sản khoa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG