Làm gì để trẻ không bị mắc bệnh hô hấp

Làm gì để trẻ không bị mắc bệnh hô hấp
TP - Mấy ngày gần đây số bệnh nhi nhập viện do viêm đường hô hấp gia tăng mạnh bởi thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, rét kéo dài. Một số biện pháp phòng bệnh có thể giúp hạn chế trẻ mắc bệnh viêm hô hấp.

> Trẻ mắc hô hấp ùn ùn vào viện
> Việt Nam có thể trị được virus giống SARS

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thời tiết lạnh, đặc biệt là thời tiết khắc nghiệt là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm và virus có trong không khí tồn tại lâu dài, kết hợp với vô số vi sinh vật sống cộng sinh hoặc ký sinh nhưng khi sức đề kháng của cơ thể của trẻ giảm sút là chúng sẽ tấn công.

Nếu trẻ em không được chăm sóc chu đáo, mặc quần áo phong phanh hoặc thiếu quần áo mặc mùa lạnh hoặc mặc quần áo ướt càng làm cho trẻ dễ bị nhiễm lạnh và nguy cơ gây nên viêm VA, viêm họng, mũi, xoang, đặc biệt là viêm phế quản, viêm phổi.

Cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản cấp tính do lạnh ở trẻ còi xương, suy dinh dưỡng bởi sức khỏe giảm sút cho nên thân nhiệt có thể không tăng cao như trẻ em không suy dinh dưỡng. Vì vậy, trong các trường hợp đặc biệt này dễ nhầm tưởng là bệnh nhẹ nên ít được người nhà quan tâm do đó dễ dẫn đến bệnh nặng.

Trẻ em sống trong môi trường nhiều khói, bụi, nhất là khói thuốc lá, khói than đá, khói bếp là các yếu tố thuận lợi và nguy cơ cao gây nên viêm đường hô hấp. Thực tế cho thấy trẻ có sức đề kháng tốt, mặc đủ ấm, được gia đình (ông bà, bố mẹ) hoặc cô bảo mẫu, nuôi trẻ chăm sóc cẩn thận, cho ăn uống đủ chất, đủ lượng, mặc đủ ấm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ thì dù mùa lạnh trẻ cũng ít khả năng mắc các bệnh viêm phổi. Ngược lại nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng kém, điều kiện chăm sóc, vệ sinh cá nhân không tốt, sức đề kháng kém, trẻ đẻ thiếu tháng, thiếu cân nặng, mắc bệnh bẩm sinh và sống trong môi trường ô nhiễm mùa lạnh, rét rất dễ bị viêm đường hô hấp.

Hiện nay tã giấy đem lại sự tiện lợi rất lớn trong việc vệ sinh của trẻ nhưng không nên để trẻ đeo bỉm trong thời gian dài. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hàng ngày. Với trẻ nhỏ vệ sinh cho trẻ bằng nước ấm. Lúc trẻ ngủ cần chú ý đắp chăn cho trẻ vì trẻ thường đạp tung chăn. Với trẻ còn bú mẹ cần tận dụng tối đa sữa mẹ, vì sữa mẹ là loại dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nếu trẻ bị sốt vượt quá 37,5 độ C, cần làm giảm thân nhiệt bằng cách lau nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ) ở trán, nách, bẹn và cần cho trẻ uống nhiều nước. Nước uống tốt nhất là nước cam, chanh tươi hoặc dung dịch ô rê zôn (ORS). Cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt khi trẻ sốt, ho hoặc có kèm theo khó thở. Để phòng bệnh viêm phổi, nếu có điều kiện nên tiêm phòng thêm một số vaccine.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG