Khó đoán diễn biến dịch cúm

Khó đoán diễn biến dịch cúm
TP - Trước diễn biến hiện nay của dịch cúm H1N1 và H5N1 ở Việt Nam và nhất là dịch H7N9 ở Trung Quốc (TQ), GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhận định với Tiền Phong: “Hiện rất khó dự đoán diến biến sắp tới của dịch”.

> Trung Quốc tiết lộ nguồn gốc cúm H7N9
> Số nhiễm H7N9 có thể gấp đôi số công bố

Thưa ông, có ý kiến cho rằng virus A(H7N9) trước đây từng lưu hành ở gia cầm chứ đâu phải là virus mới và dường như có sự thổi phồng tính nghiêm trọng của vấn đề?

Nhận định như vậy thật nguy hiểm, dễ dẫn đến chủ quan với phòng ngừa dịch bệnh từ bên kia biên giới thẩm lậu về nước ta.

Đúng là, từ lâu, H7N9 nằm trong số chín chủng virus H7 được biết đến lưu hành ở chim và gia cầm. Đó là H7N1, H7N2, H7N3, H7N4, H7N5, H7N6, H7N7, H7N8, và H7N9.

Hầu hết các virus H7 thường tìm thấy ở chim, và gia cầm, và là chủng virus có độc lực thấp. Mặc dù hiếm khi xảy ra, người ta cũng đã ghi nhận nhiễm virus H7 ở người có tiếp xúc trực tiếp với chim và gia cầm nhiễm virus.

Trên người, các chủng virus H7N2, H7N3, H7N7 là các chủng có độc lực thấp. Còn các chủng virus H7N3 và H7N9 có độc lực cao hơn, gây bệnh từ nhẹ đến tử vong.

Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, người ta cũng chỉ phát hiện một số trường hợp tản phát ở người bị nhiễm các virus cúm từ gia cầm và đại đa số đều không nghiêm trọng.

Với dịch cúm A(H7N9) trên người ở TQ hiện nay , virus gây bệnh hoàn toàn khác với virus A(H7N9) lưu hành trước đây ở gia cầm.

Virus này có chứa các gene của virus cúm gia cầm H7N7, H11N9 và H9N2. Người ta còn phát hiện virus này có đột biến gene làm tăng khả năng thích nghi và phát triển trên tế bào đường hô hấp của động vật máu nóng và ở người. Trong khi đó, bình thường, nó chỉ thích ứng và gây bệnh cho gia cầm. Virus này lần đầu tiên xuất hiện ở người, gây viêm phổi nặng, khó thở và tử vong.

Nguy cơ lây từ người qua người vẫn thấp

Đến giờ đã có tiến bộ gì trong việc truy tìm vật chủ nuôi dưỡng virus H7N9 chưa, thưa ông?

Hiện chưa rõ những người ở TQ bị nhiễm virus cúm A(H7N9) như thế nào và từ đâu. Không có bằng chứng rõ ràng rằng bệnh nhân có tiếp xúc với gia cầm ốm và chết trước khi bị bệnh. Xét nghiệm ở chim hoang dã và gia cầm ở các tỉnh báo cáo ca bệnh ở người cũng chưa phát hiện được virus A(H7N9) mới này.

Nếu vậy, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là đáng lo ngại?

Cũng không hẳn thế. Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng về mối liên quan dịch tễ học giữa các ca bệnh đã được phát hiện. Có nghĩa là không có bằng chứng họ đã có tiếp xúc với nhau và lây truyền bệnh cho nhau trong vòng hai tháng trước đó.

Người ta đã tiến hành điều tra hàng trăm người tiếp xúc mật thiết với những bệnh nhân này. Kết quả cho thấy vẫn chưa phát hiện thêm ai trong số đó dương tính, tức lây nhiễm, với virus cúm A(H7N9). Chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, khả năng lây truyền của virus thấp.

Vì vậy, có thể nhận định nguy cơ về mặt y tế công cộng là thấp. WHO chưa khuyến cáo hạn chế giao lưu qua lại giữa các quốc gia trên thế giới. Hy vọng trong thời gian tới, các điều tra nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin cập nhật, bổ sung làm sáng tỏ nhiều điều chưa rõ về căn bệnh mới này.

Cảm ơn ông.

Nghiên cứu biến đổi gene virus cúm A/H1N1

Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch, đặc biệt việc phát hiện sớm bệnh nhân nặng điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Cùng với đó lấy mẫu tất cả các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng virus gây bệnh, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi gene của virus.

TS. Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết tại tỉnh Lào Cai hiện có 2 ổ dịch cúm A/H1N1. Kết quả xét nghiệm 4 mẫu dương tính với chủng virus cúm A/H1N1. Kết quả đã có 7 mẫu dương tính với cúm A/H1N1. Hiện các bệnh nhân đã được điều trị hồi phục.

Theo báo cáo giám sát của các tỉnh, thành phố, trong 3 tháng đầu năm 2013 đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Yên Bái và Thanh Hóa.

Qua kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia, ghi nhận sự xuất hiện của cúm B và 2 phân týp virus cúm A gồm cúm A/H1N1 và cúm A/H3N2, trong đó phân týp virus cúm A/H1N1 chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm. Thái Hà

 

Quốc Dũng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG