Điều chỉnh giá  khám, chữa bệnh: Dân lại thêm lo

Điều chỉnh giá  khám, chữa bệnh: Dân lại thêm lo
TP - Hà Nội chuẩn bị điều chỉnh giá viện phí, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/8 tới. Lãnh đạo các bệnh viện mừng, còn người dân thì băn khoăn: liệu sau khi điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh, chất lượng điều trị và quyền lợi của người dân có tăng theo?

> Hà Nội đề xuất điều chỉnh giá 819 dịch vụ y tế
> Vẫn loay hoay giảm tải bệnh viện
> Kế hoạch giảm tải bệnh viện

Giám sát để đảm bảo chất lượng dịch vụ

Trước thông tin Hà Nội sẽ điều chỉnh giá viện phí trong ít ngày nữa, nhiều người dân cho biết họ cảm thấy lo lắng. Đưa con gái đi khám bệnh tại Bệnh viện Saint Paul, bà Nguyễn Minh Nguyệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Vẫn biết việc tăng giá khám chữa bệnh là cần thiết, vì giá cũ đã áp dụng gần 20 năm nay nhưng những người dân như chúng tôi không tránh khỏi lo lắng, bởi số tiền cùng chi trả với Bảo hiểm Y tế (BHYT) sẽ tăng theo. Hơn nữa, không phải người nào cũng có thẻ BHYT nên việc tăng giá viện phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều bệnh nhân”.

Cũng như bà Nguyệt, bệnh nhân Lương Thị Mai (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ nói giá viện phí thấp, nhưng nhiều lần tôi đi khám thấy nhân viên y tế bắt đóng thêm tiền. Thực tế là nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã tăng giá dịch vụ y tế trước khi có quyết định của cơ quan chức năng. Tôi đi khám bệnh, bác sĩ yêu cầu chụp X quang, trong hóa đơn ghi 45.000 đồng nhưng nhân viên thu tiền yêu cầu đóng thêm 40.000 đồng, thắc mắc thì người ta bảo viện phí thấp nên không đáp ứng được chi phí dịch vụ, phải đóng thêm. Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ để chất lượng khám chữa bệnh thực sự được cải thiện”.

Bệnh viện sẽ hết bù lỗ?

Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng phòng Tài chính kế toán (Bệnh viện Saint Paul) cho biết, bệnh viện đang thực hiện khoảng 1.400 dịch vụ kỹ thuật y tế, nhưng chỉ đề xuất tăng giá hơn 300 loại. Việc điều chỉnh viện phí sẽ khiến các bác sĩ yên tâm khám chữa bệnh, bớt co kéo cân nhắc các xét nghiệm cần thiết vì lo người bệnh không có khả năng đóng phần chênh lệch như hiện nay.

Theo ông Nhất, tăng viện phí người bệnh không phải đóng phần chênh lệch. Trước đây, muốn nằm phòng điều hòa không khí bệnh nhân phải nộp thêm 100 nghìn đồng, nhưng khi điều chỉnh giá, nếu bệnh viện thu tiền giường 100 nghìn đồng/ngày thì bệnh nhân chỉ phải cùng chi trả 20%.

Hiện nay, Bệnh viện Saint Paul đang nâng cấp, tăng cường các phòng khám, đã lắp điều hòa cho các phòng khám, buồng bệnh để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Lãnh đạo Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, bệnh viện áp dụng mức viện phí cũ, nên kỹ thuật chọc hút dịch màng phổi được BHYT thanh toán 10.500 đồng/ca, trong khi đó bệnh viện phải chi nhiều loại phí như băng, cồn, gạc, giặt và hấp sấy ga, hai đôi găng tay cho hai cán bộ y tế thực hiện kỹ thuật, đèn sưởi, chi phí cho khử khuẩn máy hút dịch và các thiết bị đi kèm…

Để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, bệnh viện phải bù lỗ. Vì thế, việc điều chỉnh giá viện phí sẽ giúp bệnh viện giảm bớt áp lực về tài chính và nâng cao chất lượng điều trị.

Theo UBND TP, việc điều chỉnh giá 819 dịch vụ là cần thiết, bởi khung giá viện phí hiện nay đã quá lỗi thời, không còn phù hợp. Trong 819 dịch vụ được điều chỉnh giá thì có: 5 dịch vụ khám bệnh; kiểm tra sức khỏe; 9 dịch vụ về giường bệnh; 373 dịch vụ kỹ thuật; 333 dịch vụ về phẫu thuật, thủ thuật....

Nếu được HĐND TP thông qua tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV (khai mạc vào 1/7 tới), quy định về mức viện phí mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/8/2013.

Theo đề nghị của UBND TP Hà Nội, hằng năm, các đơn vị được phép thu phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang thiết bị: điều hòa, máy tính, các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa, bàn ghế, giường tủ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG