Khống chế sốt xuất huyết nhờ muỗi mang wolbachia

Khống chế sốt xuất huyết nhờ muỗi mang wolbachia
TP - Quần thể muỗi mang wolbachia đã thay thế thành công quần thể muỗi tự nhiên tại đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) và làm giảm lan truyền virus gây sốt xuất huyết dengue.

> Nghề ngồi cho... muỗi đốt!
> Nguy cơ lan rộng sốt xuất huyết

Đó là đánh giá được đưa ra tại hội thảo Ứng dụng tác nhân sinh học wolbachia trong phòng chống sốt xuất huyết, do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại TP Nha Trang, ngày 31/7.

Wolbachia là một loại vi khuẩn có khả năng làm yếu loại virus dengue gây sốt xuất huyết, muỗi mang wolbachia hầu như không truyền bệnh sốt xuất huyết.

Nếu muỗi cái tự nhiên giao phối với muỗi đực mang wolbachia, trứng đẻ ra sẽ không phát triển thành muỗi, trong khi muỗi cái mang wolbachia giao phối với muỗi đực tự nhiên hoặc muỗi đực, cái mang wolbachia giao phối với nhau đều sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang wolbachia.

Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học Australia đã phát minh phương pháp nhân giống và thả ra môi trường loại muỗi vằn (Aedes aegypti) mang wolbachia, để thay thế dần loại muỗi vằn tự nhiên, từ đó khống chế được sự lây truyền mầm bệnh sốt xuất huyết.

Sau Australia, Việt Nam là nước thứ hai ứng dụng phương pháp này. Khoảng 200.000 con bọ gậy muỗi vằn có mang wolbachia đã được thả tại đảo Trí Nguyên. Đến nay, tại Trí Nguyên đã có 70 - 80% muỗi mang wolbachia, 96% bọ gậy mang wolbachia, không xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết tập trung. Sắp tới, địa bàn thực hiện dự án nói trên sẽ được mở rộng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG