Có sự kỳ thị với người không biết uống rượu

Có sự kỳ thị với người không biết uống rượu
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, xu hướng lạm dụng rượu tràn lan đang gây nên những hệ lụy và đang có một sự kỳ thị với người không biết uống rượu.

> Uống nhiều rượu, chết từ từ
> Vào Viện Sức khỏe tâm thần nghe chuyện rượu

Tràn lan, quá đà

Ông đáng giá thế nào về mức độ ảnh hướng của bia, rượu đối với đời sống xã hội hiện nay?

Xét ở khía cạnh tích cực, rượu, bia có thể dùng chia sẻ lúc buồn vui, thăng hoa; rượu còn được dùng để làm thuốc, chất dẫn. Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, rượu, bia đang bị lạm dụng, sử dụng tràn lan gây ra những hệ lụy. Cách thức sử dụng rượu đang có nhiều điều đáng bàn. Người ta có thể uống buổi sáng khai vị, trưa, tối, ở vỉa hè, chợ, hội họp, liên hoan...

Tình trạng quá đà trong rượu, bia đang trở thành vấn nạn. Một tổ chức quốc tế đã thống kê năm 2011, Việt Nam tiêu thụ hết 2,6 tỷ lít bia. Hiện tại con số này có thể hơn 3 tỷ. Báo cáo đó cũng đưa ra rằng, Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong top 3 nước sử dụng nhiều bia nhất châu Á và trong 25 nước sử dụng bia nhiều nhất thế giới.

Mặc dù Chính phủ có nghị định cấm sử dụng thức uống có cồn tại cơ quan nhà nước, công sở nhưng tôi cho rằng tác động của nó với cộng đồng chưa cao. Cách đây 30 năm, Bộ Nội vụ cũng có quy định cấm sử dụng bia, rượu nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Tại sao người dân vẫn biết uống rượu là nguy hiểm, có quy định cấm uống bia, rượu nhưng nhiều người vẫn uống, thưa ông?

Nhìn vào đời sống văn hóa lúa nước của chúng ta, từ xưa người dân lúc nông nhàn hay tham gia hội hè đình đám có rượu. Ngày nay tác phong tiểu nông vẫn tồn tại trong cách sử dụng bia rượu.

Tính vô kỷ luật cũng dẫn đến việc sử dụng bia rượu tràn lan. Nhiều người uống không cần biết quy định cấm, không quan tâm sức khỏe bản thân, không sợ ảnh hưởng người xung quanh.

Khi kinh tế khó khăn, nhiều người buồn chán tìm đến rượu giải sầu. Làm không ra tiền lại uống rượu vừa tốn kém vừa hại sức khỏe. Đó là vòng luẩn quẩn của buồn chán. Sự nhàn rỗi cũng là nguyên nhân khiến mọi người tìm đến rượu.

Hơn nữa tôi nghĩ đang có một sự kỳ thị đối với người không biết uống rượu trong xã hội. Sự kỳ thị ấy cho rằng người không uống rượu sẽ không mạnh mẽ, không chịu chơi, đàn bà. Người ta sợ bị kỳ thị nên cố gắng uống.

Nâng cao văn hóa để hạn chế rượu, bia

Theo ông phải làm gì để hạn chế tình trạng lạm dụng bia, rượu?

Để hạn chế lạm dụng bia, rượu cần nâng cao nhận thức và văn hoá trong mỗi người. Dân trí cao sẽ điều tiết tửu lượng. Tôi nghĩ, người lãnh đạo phải đi đầu. Tại sao cứ phải chuốc say thì mới vui?

Theo tôi cần có cuộc vận động lớn trong xã hội về hạn chế bia rượu, kiểm soát ngành hàng bia rượu, bán phải có điều kiện không thể bán tràn lan như hiện nay. Nhìn vào bài học cấm pháo thành công, chúng ta cũng sẽ hạn chế được tình trạng bia rượu tràn lan.

Trong các nguyên nhân gây ra tội ác, rượu nằm trong top đầu, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Uống rượu say khiến con người mất kiểm soát dẫn đến băng hoại đạo đức, phá hoại nhân cách. Khi hành động sai, người say lại đổ cho rượu và tự lừa dối bản thân. Rượu cũng nằm trong những tác nhân hàng đầu gây bạo hành gia đình.

Cảm ơn ông.

Hải Yến
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG