Đột nhập làng nuôi rắn hổ chúa

Đột nhập làng nuôi rắn hổ chúa
TP - Ở Hà Nội, không chỉ có làng Lệ Mật gắn với nuôi rắn. Làng Phụng Thượng ở huyện Phúc Thọ cũng nổi tiếng với nghề này. Chỉ khác là, họ nuôi rắn hổ chúa.

> Rộ 'nghề' săn rắn độc
> Giải mã sự thật về rắn hổ mây khổng lồ

Nuôi trộm, bán lén

Làng Phụng Thượng nằm cạnh quốc lộ 32, cách trung tâm Hà Nội gần 40km. Đường về làng không khó, nhưng để tiếp cận và “mục sở thị” những trang trại nuôi rắn hổ chúa thì quả là một nhiệm vụ khó khả thi. Loài rắn hổ chúa mà người dân nơi đây vẫn nuôi hiện nằm trong sách đỏ, được pháp luật bảo vệ và cấm buôn bán. Vì vậy, mỗi khi có người lạ vào làng, đặc biệt lại hỏi về loài rắn quý này thì ai nấy đều cảnh giác cao độ và luôn nghi ngờ, theo dõi.

Hỏi thăm một người phụ nữ ven đường, đổi lại chỉ nhận được cái nhìn đầy dò xét và tiếng đáp lạnh lùng “Tôi không biết”. Thử dò hỏi với vài người nữa, cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu và những ánh mắt đầy hồ nghi, xét nét.

Ghé vào quán nước bên đường, anh Hải chủ quán cười “anh hỏi thế thì đến sáng mai cũng không gặp được người nào tiếp chuyện”. Hải kể, khoảng hơn chục năm trở về trước, hầu như nhà nào trong làng cũng nuôi rắn hổ chúa, nhưng từ khi có người bị truy tố, khởi tố vì tội buôn bán trái phép động vật hoang dã, làng ít người nuôi hẳn.

“Người ta ngại lắm, thấy người lạ vào hỏi là chối ngay. Dù có nuôi trong nhà cũng không cho xem đâu”, Hải nói. Tuy nhiên, Hải cũng tiết lộ, hiện vẫn còn nhiều nhà nuôi rắn trong làng, có nhà vẫn nuôi rắn hổ chúa. “Đợt trước, có mấy tay phóng viên giả làm người mua rắn, vào chụp ảnh rồi đăng báo, nhiều người bị bắt hết rắn, bị phạt nên người ta càng cảnh giác”, Hải nói thêm.

Nghe nói đến chuyện rắn, người đàn ông tên Phong ngồi bên cạnh chen ngang “anh muốn hiểu về rắn thì để tôi kể cho vài điều”. Phong khoe nhà em trai anh ta đang nuôi vài trăm con hổ chúa trong nhà. “Loại này quý lắm, chăm sóc còn hơn cả người ốm. Mấy hôm nay trời lạnh, phải căng bạt trùm kín, đốt điện để sưởi”, Phong nói.

Nói nhiệt tình, nhưng khi nghe lời đề nghị cho vào xem, người này chối đây đẩy “giờ tôi đi có tí việc, với lại nó không cho xem đâu. Sợ lắm”. Nói xong, Phong vào ngõ, đi mất dạng.

Tiện câu chuyện, Hải kể thêm, để đề phòng hầu hết người nuôi đều chỉ bán rắn hổ chúa cho một mối quen. “Mỗi khi cần bán rắn, hoặc có khách hàng đều phải liên lạc qua điện thoại trước. Không ai dám bán cho người lạ đến mua đâu”, Hải nói. Hỏi có quen ai đang nuôi rắn hổ chúa, giới thiệu cho vào xem, Hải gạt đi và nói thẳng “không ai muốn cho xem đâu, nhỡ xảy ra chuyện gì thì phiền lắm”.

Một chủ hộ nuôi rắn. Ảnh: Trường Phong
Một chủ hộ nuôi rắn. Ảnh: Trường Phong.

Vào “động” rắn

Chia tay Hải, những tưởng không có cơ hội tiếp xúc với người nuôi rắn hổ chúa thì may mắn gặp được bà cụ tên Thân, tự nhận có cháu trai nuôi vài trăm con rắn trong nhà. “Cháu cứ vào tìm anh Mạnh. Xưng là cháu của cô Thân là nó cho xem”, bà cụ nói giọng chắc nịch. Đi theo đường bà cụ chỉ, để chắc ăn, được nửa đường tôi dừng lại hỏi thăm một phụ nữ đường vào nhà anh Mạnh nuôi rắn.

Như lần đầu, người phụ nữ này cũng ném một cái nhìn đầy nghi hoặc vào vị khách lạ đang hỏi đường, và tiện thể thắc mắc “anh hỏi làm gì”. Trình bày như lời bà cụ bảo, người phụ nữ hướng dẫn luôn “đi thẳng … rẽ trái …là tới”, “nhưng có khi Mạnh không ở nhà đâu, nay nhà nó có việc bận”, người phụ nữ ngoái lại nói thêm.

Gõ cửa nhà Mạnh, trình bày mong muốn tìm hiểu về nghề nuôi rắn độc, đặc biệt là rắn hổ chúa. Trái với suy nghĩ ban đầu, Mạnh tỏ ra thân thiện và hiếu khách. “Tôi không sợ gì cả, anh cứ hỏi thoải mái, tôi biết gì sẽ chia sẻ hết”, Mạnh nói. Nhà Mạnh nuôi cả hai loại rắn “hổ phì” (rắn hổ mang– PV) và hổ chúa. “

Ở đây chỉ có hổ phì thôi, hổ chúa thì tôi nuôi ở chỗ khác, cách đây khoảng gần cây số”, Mạnh thật thà chia sẻ.

Theo chân Mạnh đi xem “động rắn”. Quả thực rất kín đáo. Một ngôi nhà cấp bốn nhỏ giống nhà bếp, cửa được che vài lần vải và nilon. Khóa cửa mở ra, đập vào mắt là hai dãy chuồng rắn nằm hai bên tường, cao ngang đầu người, giữa có lối đi. Đếm sơ qua, có đến cả vài chục chuồng rắn. Thấy bóng người và tiếng động, lũ rắn phì phì để tự vệ.

“Mấy hôm nay trời lạnh nên phải thắp điện cả ngày đêm để sưởi. Trong chuồng cũng phải cho thêm rơm vào nữa. Không chúng sẽ chết rét ngay”, Mạnh chia sẻ. Mở cửa, tay không, Mạnh móc một con rắn ra ngoài để xuống đất. Nền nhà lạnh, con rắn độc ngoan ngoãn nằm im. Khẽ dùng móc sắt chạm vào thân, con rắn ngóc cao đầu thở ra tiếng kêu phì phì để tự vệ. Mạnh bảo, loại này to nhất chỉ nặng khoảng 2 – 4kg, còn loại rắn hổ chúa tối đa có thể nặng tới 15 – 20kg. Hiện tại, Mạnh có khoảng vài trăm con loại này.

Do căn nhà Mạnh nuôi rắn hổ chúa ở xa, gia đình lại đang có nhiều khách lạ bên đó, nên Mạnh không tiện dẫn đi xem. Mạnh gọi điện cho hai, ba người quen cũng nuôi rắn hổ chúa trong làng, nhưng đều bị từ chối. “Họ sợ không dám cho người lạ đến xem đâu”, Mạnh nói.

Phải đến cuộc gọi thứ ba, Mạnh mới nhờ được một người bạn cho xem rắn hổ chúa. Cũng căn nhà cấp bốn, cũng những ngăn chuồng riêng biệt được xây trong nhà, bên trong cả trăm con hổ mang chúa cả lớn lẫn nhỏ. Bóng đèn sợi đốt thắp sáng suốt đêm ngày.

“Loại này thì phải làm chuồng to hơn, chắc hơn và kín đáo hơn. Bình thường thì nuôi ngoài trời, nhưng trời lạnh thì phải cho vào trong nhà sưởi điện”, Mạnh nói.

Bình thường rắn hổ chúa được nuôi ngoài trời. Khi trời lạnh thì được chuyển vào trong hộp làm bằng gỗ và có sưởi bằng điện
Bình thường rắn hổ chúa được nuôi ngoài trời. Khi trời lạnh thì được chuyển vào trong hộp làm bằng gỗ và có sưởi bằng điện.

Sống chung với “tử thần”

Mục sở thị “động” rắn xong, Mạnh chia sẻ, nghề này “kiếm ăn” được nhưng có rất nhiều mối nguy.

“Nuôi rắn cũng cần có duyên. Gặp thời thì lên như gió. Nhưng chẳng may gặp vận đen thì có ngày tù mọt gông”, Mạnh kể,. Mới năm ngoái, cơ quan chức năng bắt được một vụ vận chuyển rắn hổ chúa trên Sơn Tây. Đối tượng khai mua rắn ở nhà Mạnh, “thế là phải nộp phạt. Cũng may là không bị khởi tố”, Mạnh nhớ lại.

Nhiều người không may mắn như Mạnh, chỉ vừa mang rắn ra khỏi nhà là bị “tóm”. Cũng vì thế mà bây giờ, các vụ mua bán rắn hổ chúa đều phải có lịch hẹn và liên lạc trước.

Mọi năm làm ăn thuận lợi, cuối năm Mạnh đều xuất hàng để kiếm tiền ăn Tết. Nhưng năm nay, vài chục con rắn hổ chúa và hàng trăm hổ mang bành đến lứa bán vẫn nằm im trong chuồng. Mạnh nói: “Bên Trung Quốc chưa thu mua”.

Ngoài nỗi lo bị pháp luật “sờ gáy”, hàng ngày tiếp xúc với rắn độc thực sự như đối mặt với tử thần.

“Nuôi rắn độc, chỉ sơ ý một chút là mất mạng như chơi”, Mạnh nói. Rắn hổ chúa có nọc rất độc, chỉ cần một cú cắn, có thể dẫn tới tử vong.

Khoảng gần chục năm trước, thuốc chữa rắn độc cắn còn khan hiếm, mỗi năm ở làng Phụng Thượng có một vài người bị chết vì chữa không kịp. “Bị rắn cắn, nhiều người xuống khoa chống độc của bệnh viện Bạch Mai nhiều như cơm bữa, còn quen mặt cả các bác sĩ”, Mạnh cười.

Hiện tại, theo Mạnh ít người bị chết do rắn độc cắn vì có thuốc chữa, nhưng nhiều người phải mất tay.

“Rắn độc cắn sẽ bị thối thịt, phải tháo khớp”. Bản thân Mạnh mới vài ngày trước khi cho rắn ăn vô tình chạm ngón tay út vào răng nanh của chúng, khiến một đám thịt bị thối, tay sưng lên. May mắn Mạnh uống thuốc kịp thời và vết rách không đến mức nghiêm trọng.

Mỗi khi trời lạnh hay đến kỳ lột xác, rắn không ăn. Những người nuôi lại phải lôi từng con rắn ra, vạch mồm và nhét thức ăn vào để rắn không bị hao trọng lượng.

“Thức ăn của rắn hổ mang bành gồm chuột, cóc, gà con, trứng. Riêng loài rắn hổ chúa chỉ ăn thịt các loại rắn khác, chim chóc…”, Mạnh kể.

Cũng vì những đợt cho rắn ăn này, mà nhiều người mất oan mạng sống, ngón tay. “Đang cho ăn thì chạm vào răng nanh của nó, may mà không mất mạng”, vừa nói, anh Công, một người làng Phụng Thượng vừa chìa hai bàn tay có hai ngón bị thiếu một đốt ra cho xem. Cũng sau đợt ấy và do nuôi rắn không có lãi, anh Công bỏ nghề đã vài năm nay, chuyển sang làm nái lợn.

Đột nhập làng nuôi rắn hổ chúa ảnh 3

Không chỉ có gây nguy hiểm cho bản thân người trực tiếp nuôi rắn, nhiều trường hợp rắn sổng chuồng chui vào gầm giường, gầm tủ, nằm trên mái nhà… gây mất an toàn cho người dân. Nhưng theo Mạnh, rắn hổ mang chỉ cắn để tự vệ. “Chẳng may giẫm lên người nó thì nó mới cắn. Còn không thì mình nằm bên cạnh nó cũng chẳng cắn”, Mạnh cho biết.

Nhà có trẻ nhỏ, Mạnh cũng cẩn thận dặn dò không được lại gần chỗ nuôi rắn, hoặc thấy rắn thì phải chạy về báo cho người lớn. Mạnh kể, từ xưa nhiều nhà để sổng rắn ra ngoài và không bắt lại được, bây giờ ra đường cũng nhiều mối nguy.

Chục năm trở lại đây, cũng nhờ mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng từ tiền bán rắn hổ mang, hổ chúa mà Mạnh xây được căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi. Các anh em, bạn bè cùng nuôi rắn như Mạnh đều giàu lên trông thấy. “Chủ yếu xuất qua phía Trung Quốc. Người Việt Nam mình không có tiền để mua ăn đâu. Chỉ thỉnh thoảng có người mua một con về ngâm rượu thôi”, Mạnh kể.

Theo Mạnh, giá hổ mang bành trung bình khoảng 600 – 800 nghìn một kg, còn riêng rắn hổ chúa, nếu vào dịp khan hàng, có thể lên đến 1,5 – 2 triệu một kg tùy loại, nhưng đắt nhất vẫn là loại cỡ 1 – 3,5kg. “Rắn càng to, số tiền mua theo cân càng giảm đi”, Mạnh kể.

Mọi lần làm ăn thuận lợi, cuối năm Mạnh đều xuất hàng để kiếm tiền ăn Tết. Nhưng năm nay, vài chục con rắn hổ chúa và hàng trăm con rắn hổ mang bành nhà Mạnh đến lứa bán vẫn nằm im trong chuồng vì chưa tìm được mối tiêu thụ. “Bên Trung Quốc chưa thu mua”, Mạnh nói.

* Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG