Vinh quang của những người khuyết tật

Vinh quang của những người khuyết tật
TP - Gần một tháng sau khi Olympic 2008 kết thúc, Bắc Kinh một lần nữa lại trở thành tâm điểm của thể thao thế giới khi tại đây diễn ra Paralympic dành cho những VĐV khuyết tật.

Khác với Olympic, những cuộc tranh tài ở Paralympic không chú trọng quá nhiều về thành tích thể thao mà chủ yếu ghi nhận nỗ lực vượt lên chính mình của những VĐV thiếu may mắn trong cuộc sống.

Vinh quang của những người khuyết tật ảnh 1
Natalie Du Toit vẫn gắn bó với đường đua xanh sau tai nạn khủng khiếp

Oscar Pistorius: Kỷ lục gia của Paralympic

Cách đây nửa tháng, SVĐ Tổ chim là nơi chứng kiến sự thăng hoa của Usain Bolt - tân kỷ lục gia thế giới trên đường chạy 100m thì ở Paralympic, Oscar Pistorius cũng đang có vị trí tương tự.

Cuộc chinh phục Paralympic 2008 của Pistorius đã mở đầu bằng tấm HCV cự ly 100m, nội dung thi đấu được VĐV người Nam Phi này mô tả là “sẽ cho biết ai là người chạy nhanh nhất thế giới”. Thật ra, sở trường của Pistorius không phải là cự ly 100m mà chính là cự ly 200m và 400m và Pistorius chính là người đang nắm giữ kỷ lục thế giới ở cả ba nội dung này.

Khi mới chào đời, Pistorius không được may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác, bởi đôi chân của anh không có xương chày, còn bàn chân lại bị dị dạng. Bởi vậy, ngay từ lúc mới 11 tháng tuổi, Pistorius đã phải lên bàn mổ cắt cụt đôi chân lên tới tận đầu gối để giữ lấy mạng sống.

Bất chấp việc phải mang chân giả, năng khiếu thể thao của Pistorius bộc lộ từ rất sớm và thậm chí anh còn tham gia chơi rugby cùng anh trai. Pistorius là thành viên đội rugby ở trường và vị trí thi đấu sở trường của anh là ở giữa và cánh trái, nơi đòi hỏi VĐV phải rất nhanh nhẹn và có thể lực tốt.

Tháng 1/2008, tưởng như Pistorius đã có thể góp mặt tại Oympic Bắc Kinh 2008 khi anh dự tính tham gia vòng loại cùng đội tuyển điền kinh Nam Phi nhưng Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) đã cấm Pistorius thi đấu vì cho rằng đôi chân giả bằng sợi cácbon của Pistorius đã mang lại lợi thế rõ rệt cho anh so với những VĐV khác.

Đến tháng 5/2008, Toà án thể thao quốc tế (CAS) đã ra phán quyết đảo ngược nhưng lúc này đã quá hạn để Pistorius tham dự vòng loại Olympic với đội tuyển điền kinh Nam Phi và anh buộc phải chuyển xuống sân chơi thấp hơn là Paralympic, nơi Pistorius đã nổi tiếng từ cách đây bốn năm.

Khi được hỏi rằng liệu chiếc HCV cự ly 100m tại Paralympic có làm khuây khoả nỗi buồn không được tham dự Olympic hay không, Pistorius đã trả lời rất nhanh rằng: “Paralympic là một cái gì đó rất đặc biệt và bất ngờ. Tôi chưa từng tham dự kỳ Olympic nào nhưng tôi không thể tưởng tượng liệu nó có thể mang lại những xúc cảm tuyệt vời như tôi hiện có hay không”.

Vinh quang của những người khuyết tật ảnh 2
Oscar Pistorius (phải) vượt qua Jerome Singleton trên đường chạy 100m

Số 10 hoàn hảo cho David Roberts

Ngày 11/9 vừa qua là cột mốc cực kỳ đáng nhớ trong sự nghiệp thể thao của David Roberts khi kình ngư này nâng số lần giành HCV tại Paralympic của mình lên con số 10. Trước đó, Roberts đã có bốn HCV ở Athens năm 2004 và ba HCV ở Sydney năm 2000.

Và tại Bắc Kinh, Roberts đã hoàn tất mục tiêu của mình khi bỏ túi ba HCV chỉ sau chưa đầy một tuần thi đấu và anh đang tràn đầy cơ hội vượt qua kỷ lục giành 11 HCV Paralympic do Dame Tanni Grey-Thompson đang nắm giữ.

Lúc mới sinh ra, Roberts đã bị một dị tật ở não khiến khả năng phối hợp cũng như phản ứng của chân tay không được như bình thường. Năm Roberts 11 tuổi, bác sỹ đã khuyên anh cần phải tích cực vận động hơn nữa và bơi lội chính là phương pháp vật lý trị liệu tốt nhất.

Vinh quang của những người khuyết tật ảnh 3
Với David Roberts, bơi lội đã làm thay đổi cuộc đời

Roberts nhớ lại: “Bác sỹ bảo rằng nếu tôi không chịu vận động nhiều thì chân tay sẽ bị cứng lại dần dần”. Và sự nghiệp bơi lội của Roberts đã khởi đầu bằng việc tham dự một CLB thể thao dưới nước dành cho người khuyết tật tại Cardiff. Từ chỗ chỉ tham dự CLB bơi lội nửa tiếng mỗi chủ nhật hàng tuần, Roberts đã phát hiện thấy rằng anh có niềm đam mê thực sự với làn nước xanh thẳm của bể bơi.

Năm mới 14 tuổi, Roberts đã được chọn vào đội tuyển bơi lội xứ Wales và 5 năm sau, anh đã đại diện cho Vương quốc Anh tham dự giải vô địch châu Âu. Tại đây, Roberts đã làm kinh ngạc tất cả khi giành HCV ở cả bốn nội dung mà anh tham dự. Kể từ đó trở đi, tài năng của Roberts đã vượt ra ngoài biên giới châu Âu và giờ thì người ta không thể đếm nổi xem anh đã có bao nhiêu danh hiệu vô địch thế giới.

Để có được những thành tích như vậy, Roberts đã phải khổ luyện không ngừng. Mỗi tuần Roberts dành 16 giờ luyện tập dưới bể bơi và 4 giờ tập thể lực trong phòng. Năm 2005, Roberts đã được phong tặng tước hiệu Hiệp sỹ đế chế Anh nhờ những đóng góp to lớn của anh cho thể thao khuyết tật ở Vương quốc Anh.

Vinh quang của những người khuyết tật ảnh 4 Vinh quang của những người khuyết tật ảnh 5

Natalie du Toit: Không bao giờ thôi ước mơ

     Bơi lội đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi, nó giúp tôi cởi mở tấm lòng của mình hơn và có cơ hội được đi đến mọi nơi trên thế giới. Tôi thật may mắn khi có bơi lội trong cuộc đời mình  

Nếu như trên đường chạy cự ly ngắn Oscar Pistorius làm rạng danh thể thao Nam Phi thì ở đường đua xanh, Natalie du Toit buộc người ta phải nhớ tới mình như là một Michael Phelps của Paralympic.

Trước khi đến với Bắc Kinh, Natalie du Toit đặt mục tiêu giành năm HCV và tính tới ngày 12/9, kình ngư Nam Phi này đã lấy được chiếc HCV thứ ba và đồng thời thiết lập hai kỷ lục thế giới mới.

Mới tháng trước thôi, Natalie du Toit còn là người dẫn đầu đoàn thể thao Nam Phi trong buổi lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 và tuần trước, cô lại đảm nhận vai trò tương tự ở Paralympic và trở thành VĐV đầu tiên cầm quốc kỳ ở cả hai sự kiện thể thao này.

Ngay từ năm mới 14 tuổi, tài năng của Natalie du Toit đã phát lộ khi cô thi đấu cực kỳ xuất sắc ở Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 1998. Hai năm sau, Natalie du Toit suýt nữa giành vé chính thức tham dự Olympic Sydney 2000 và lúc đó cô đã được coi là “của để dành” cho đội tuyển bơi lội Nam Phi tại Olympic Athens 2004.

Thế nhưng, một tai nạn giao thông khủng khiếp xảy ra sau một buổi tập sáng vào năm 2001 đã khiến Natalie du Toit bị cắt cụt chân trái tới tận đầu gối và cứ ngỡ như sự nghiệp thể thao của cô sẽ tàn lụi sau cú sốc này. Tuy nhiên, Natalie Du Toit đã không cam chịu đầu hàng sự nghiệt ngã của số phận.

Tháng trước, Natalie Du Toit đã làm nên lịch sử khi cô trở thành VĐV khuyết tật đầu tiên tranh tài tại Olympic Games khi tham dự vòng loại nội dung bơi 10km mở rộng dành cho nữ. Dù chỉ xếp hạng 16 chung cuộc nhưng sự kiện này cho thấy Natalie Du Toit có nghị lực mạnh mẽ đến chừng nào.

Khi không ở dưới nước, Natalie Du Toit theo học lớp quản lý thể thao để chuẩn bị cho một tương lai không còn là một VĐV. Với tất cả những điều đó, không có gì ngạc nhiên nếu biết  Natalie Du Toit nằm trong danh sách những người nổi tiếng nhất tại Nam Phi, đặc biệt là với ý chí mạnh mẽ đến khó tin của cô. 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.