Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng suýt nửa đường đứt gánh

 Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng suýt nửa đường đứt gánh
Một chiều mưa tháng 7/1997, có hai người đàn ông ngồi khó nhọc nuốt từng ly rượu trắng bên quán cóc vỉa hè để quyết định số phận của Sơn. Lựa chọn cuối cùng là kiên quyết cho Sơn theo học cờ vua.

Nhà của Đại kiện tướng cờ vua quốc tế trẻ thứ nhì trong lịch sử cờ vua thế giới Nguyễn Ngọc Trường Sơn nằm trong một con hẻm đường đất trên đường Trương Định (TX Rạch Giá). Nói căn phòng tập thể thì chính xác hơn là một ngôi nhà. Huân huy chương các loại treo đầy căn phòng nửa vách tôn, nửa lá.

Cha của Trường Sơn, vẫn giọng Nghệ Tĩnh, nói: Tôi quê ở Thạch Liêm (Thạch Hà, Hà Tĩnh), sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT năm 1986, được Bộ GDĐT điều động tăng cường cho miền Nam và được phân công làm giáo viên giáo dục thể chất tại Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Kiên Giang. Vợ tôi là người đồng hương Hà Tĩnh, giáo viên Sử – Địa cấp 2. Năm 1989, chúng tôi kết hôn. Ngày 22/2/1990 thì cháu Sơn chào đời tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Kiên Giang, nặng 2,7 kg.

Hai tuổi rưỡi Sơn đã thuộc hết mặt chữ cái. Lên 3 tuổi đã biết đánh cờ vua và tính nhẩm toán cộng trừ nhanh nhẹn. Mấy thầy giáo thường đến khu tập thể chơi đố Sơn: “Mày tính nhẩm được bài toán cộng này tao cho 2 ngàn”. Cu cậu “ôkê” và các thầy phải chi 2 ngàn cho Sơn ăn kẹo. Việc Sơn biết đánh cờ bắt đầu từ chỗ xem cha mẹ chơi với nhau.

Có lần nó đứng xem và chỉ cho mẹ đánh và kết quả là …cha thua. Sau nhiều lần như vậy, ông Sinh mang con đến tìm thầy Trịnh Hoàng Cường gửi con cho thầy học đánh cờ. Lúc này Sơn chỉ mới 4,5 tuổi. Từ đó mỗi ngày ông Sinh với chiếc xe đạp cọc cạch chở cu Sơn đi 7 km từ khu tập thể của Sở VHTT đến điểm học đánh cờ.

Thầy Cường nói: Hồi đó dạy chủ yếu ngoài giờ và chẳng có chế độ gì hết. Cùng học với Sơn lúc này còn có Bùi Thanh Minh. Em Minh là một người cũng có triển vọng, từng vô địch U11 toàn quốc, nhưng rất tiếc do nhà nghèo em phải bỏ theo đuổi cờ vua để đi bán vé số, rồi về TPHCM học may.

Khó khăn nhưng Minh đã vượt lên số phận để bây giờ tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, có việc làm và  lập gia đình. Tôi đã từng gây  lộn  với sếp vì lo dạy cờ mà bỏ bê công việc. Tôi đã phí đi một tài năng (em Minh) rồi , nay quyết không để mất Sơn. Chính gia đình Sơn cũng đã từng có ý định cho con bỏ theo đuổi cờ vua, để tập trung học văn hoá, vì thấy tương lai cờ vua mờ mịt quá.

Trong khi đó, các thầy cô khác thấy Sơn học giỏi nên bắt Sơn tham gia thi học sinh giỏi hoài để lấy thành tích cho trường. Một chiều mưa tháng 7/1997, hai người đàn ông (thầy Cường và ông Sinh) khó nhọc nuốt từng li rượu trắng bên quán cóc vỉa hè để quyết định số phận của Sơn. Sự lựa chọn cuối cùng là vẫn kiên quyết cho Sơn theo đuổi học cờ vua.

 Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng suýt nửa đường đứt gánh ảnh 1

Cha và mẹ của Trường Sơn tại nhà riêng.

Năm 1998 lần đầu tiên Sơn ra thi đấu giải quốc tế U10 tại Tây Ban Nha, lúc này em mới 8 tuổi, kinh phí do tỉnh Kiên Giang tài trợ. Mặc dầu chỉ đứng thứ 12 nhưng đã khẳng định Sơn có khả năng đương đầu với làng cờ vua thế giới chứ không chỉ bó hẹp trong khu vực.

Chính tại giải này HLV Cường đã may mắn gặp được tiến sĩ toán học Hoàng Minh Chương (Giám đốc Cty Chesscom Hungary). Ông Chương đánh giá cao khả năng của Trường Sơn, nhưng lúc này Sơn còn bé quá nên chưa thể nhận qua Hungary học được.

Năm 1999 là cơ hội cuối cùng cho Sơn khi tham dự giải châu á, vì nếu không có huy chương thì cơ hội ra nước ngoài thi đấu coi như chấm dứt. May mắn thay Sơn đã thắng được đối thủ người Pháp trong một thế cờ có thể hoà. Chính chiếc HCĐ năm 1999 tại giải đấu trẻ ở ấn Độ đã giải toả tâm lý để đến tháng 10/2000 Sơn vô địch Thế giới U10 tại Tây Ban Nha.

Hiền lành như con gái và thường quan tâm đến mọi người là tính cách của Sơn. Chị Trần Thị Minh, mẹ của Sơn nói: Mỗi lần đi thi đấu ở nước ngoài về nó mua kẹo, đồ chơi cho em Thùy Dương, kem phấn cho mẹ và mua cho cha chai rượu. Bạn bè thầy cô đều có quà riêng, có khi còn đưa trước cả cha mẹ. Bây giờ thì Sơn đang ở nhà riêng của Tiến sĩ Hoàng Minh Chương tại Hungary để học cờ vua, cha, mẹ, em gái chỉ nói chuyện được với Sơn qua điện thoại, thư từ.

MỚI - NÓNG