VCTV 'bán khách' cho K+?

VCTV 'bán khách' cho K+?
TP - Bằng thỏa thuận chuyển nhượng các hợp đồng thuê bao của mình cho Cty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), sở hữu kênh truyền hình K+ khi thành lập liên doanh với đối tác Canal+, VCTV đang bị thuê bao phản đối.
VCTV 'bán khách' cho K+? ảnh 1

Dùng khách hàng để góp vào liên doanh

Theo hợp đồng liên doanh của VSTV giữa Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV) và Công ty Canal+ International Development (Pháp) mà chúng tôi có được, tổng vốn đầu tư của liên doanh này là hơn 54 triệu USD.

Vốn điều lệ của công ty là hơn 20 triệu USD, trong đó VCTV góp 51%, tương đương trên 10,2 triệu USD và Canal+ góp 49%, tương đương hơn 9,8 triệu USD. Có 3 loại tài sản được VCTV góp vốn, trong đó việc chuyển nhượng hợp pháp cho công ty các “hợp đồng thuê bao tích cực” được đặt lên đầu tiên.

Thông tin này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía thuê bao của VCTV. Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn An Ngọc (Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) thuê bao của VCTV, rất bất bình vì những trận đấu Super Sunday trong giải Ngoại hạng Anh Premier League ông vẫn được xem trước kia nay đã bị chuyển sang K+, cho rằng, đây là hành vi thiếu tôn trọng khách hàng, thiếu tôn trọng khán giả.

“Cho đến nay, dù là một bên của hợp đồng kinh tế, VCTV không hề hỏi ý kiến, hoặc thông báo đến khách hàng việc họ đã mang các thuê bao chúng tôi ra góp vốn.” – Ông Ngọc bức xúc.

“Việc Truyền hình cáp (VCTV) góp vốn với liên doanh bằng khách hàng phải chăng là hành vi vi phạm hợp đồng? Phải chăng phía truyền hình cáp đã bán khách?” – Ông Ngọc đặt câu hỏi.

Câu chuyện K+ chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Ảnh: VCTV.VN
Câu chuyện K+ chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Ảnh: VCTV.VN.

Bị ép gián tiếp?

Trả lời PV Tiền Phong về việc có hay không điều khoản hợp đồng chuyển nhượng các thuê bao của VCTV cho liên doanh VSTV, ông Phạm Thái Hùng - Phó Giám đốc VCTV cho rằng, hợp đồng này không được phép để lộ cho bên thứ ba biết và nếu nói về điều khoản của hợp đồng trong trường hợp này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay đây là những ngôn từ chuyên nghiệp trong hợp đồng. Nếu người ngoài đọc được sẽ không hiểu được và cho rằng họ đang bị bán.

“Giá trị chuyển nhượng là giá trị cấu thành nên một thuê bao, chứ không phải giá trị trực tiếp của thuê bao đó. Chúng tôi chỉ xem đây là việc nâng cấp dịch vụ và thuê bao không liên quan gì đến quá trình nâng cấp này. Không phải là chúng tôi bán thuê bao”.

Ông Hùng cho rằng, chỉ có thể lý giải chuyện này trên cơ sở Luật Viễn thông. 

“Định giá như vậy để tính giá thành thuê chứ không có giá trị về vật chất cho người tiếp quản vì chúng tôi đã thu tiền thuê bao hết năm rồi. Việc này là đúng luật viễn thông”.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng việc tính thuê bao vào vốn của VSTV có liên quan đến việc họ bị bắt buộc một cách gián tiếp phải mua đầu thu và trả tiền thuê bao hàng tháng với mức cao hơn (cao nhất là 250.000 đồng/tháng) để được xem những chương trình đặc sắc, đặc biệt là những trận đấu nằm trong giải Ngoại hạng Anh ngày chủ nhật sau khi những chương trình này bị chuyển sang K+.

Dù khẳng định không có lý do nào ép khách hàng vì thuê bao trả tiền hết năm có thể mua hay không mua tiếp gói kênh nữa, nhưng chính ông Hùng cũng thừa nhận việc các thuê bao VCTV, trực tiếp là các thuê bao dịch vụ DTH sẽ có thể là khách hàng tiềm năng. “Nó mang tính chất liên tục để họ có thể mua gói kênh này hay gói kênh kia.” - Ông Hùng nói.

Không can thiệp được

Trước câu hỏi của PV việc VCTV đã không nỗ lực mua bản quyền để K+ độc quyền các giải đấu bóng đá hấp dẫn, ông Hùng nói VCTV không mua được vì giá quá đắt. “Chúng tôi đã mua bản quyền nhiều giải, từ bóng đá Pháp, đến Đức, Nga. Nhưng riêng ngoại hạng Anh thì chúng tôi chịu. Nếu mua chúng tôi sẽ sập mất.”

Đề cập đến khả năng giảm cước thuê bao hàng tháng của K+, ông Phạm Thái Hùng khẳng định VSTV là đơn vị độc lập, VCTV không can thiệp được công việc kinh doanh của đơn vị này. “Chúng tôi đề nghị (VSTV) nhiều lần chia sẻ bản quyền thể thao mà còn khó. Giữa VCTV và DTH của K+ cũng đang cạnh tranh với nhau” - Phó Giám đốc VCTV nói.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...