Những chiêu thức của VFF

Những chiêu thức của VFF
Hôm nay là ngày diễn ra hội nghị các Chủ tịch CLB. Trong hơn 10 năm Việt Nam làm bóng đá chuyên nghiệp, đây là sự kiện mang tính lịch sử nếu như các ông bầu - doanh nhân đồng ý nhận lời mời của VFF. Tuy nhiên, những gì mà VFF chuẩn bị cho ngày trọng đại này lại không như người ta mong đợi.

> Thành lập công ty để điều hành V-League

Tổ chức hội nghị các Chủ tịch CLB chỉ để bầu Trưởng giải, Trưởng ban Trọng tài, liệu có… phí quá không? Ảnh: Dũng Phương
Tổ chức hội nghị các Chủ tịch CLB chỉ để bầu Trưởng giải, Trưởng ban Trọng tài, liệu có… phí quá không? Ảnh: Dũng Phương.
 

Ngày trước, giỏi lắm thì những người tham dự một kiểu hội nghị như thế này có hàm Giám đốc các Sở TDTT, nhưng khi ấy dưới quyền lực của Tổng cục Thể dục Thể thao, các vị Giám đốc ấy cũng chỉ nghe, ghi nhận là chính. Thành ra, nếu như ngày hôm nay có đa số các ông bầu đến dự thì chưa bao giờ, VFF làm được điều tương tự trong lịch sử. Họ không chỉ là Chủ tịch của các CLB mà còn là doanh nhân thành đạt, những rường cột trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Thế nhưng, có vẻ như ngày hôm nay, VFF lại muốn tập trung vào chuyện bầu ra Trưởng BTC các giải đấu trong năm 2012 mặc dù nội dung lại là “kiện toàn lại các BTC cho mùa giải 2012”. VFF cố tình lập lờ câu chữ. Kiện toàn cả một BTC thì khác hẳn bầu ra một ông Trưởng giải. Công tác tổ chức chưa được kiện toàn, lấy cơ sở nào để có một Trưởng BTC. Nó cũng chẳng khác gì một HLV mà không được quyền chọn cầu thủ theo ý đồ của mình vậy. Câu chữ thì rất to, nhưng công việc thì vô cùng bé.

Đã thế, chuyện bầu Trưởng giải cũng chỉ là một “chiêu thức” khác của VFF. Hôm qua, trên website của mình, gần như VFF cũng đã công bố Trưởng giải là TTK Trần Quốc Tuấn mặc dù họ thòng thêm một câu “kết quả chỉ mang tính tham khảo”. Đã tham khảo, sao chỉ có mình tên ông Tuấn, những người khác là ai, được bao nhiêu phiếu?

Tóm lại, cái gọi là “kiện toàn BTC” cũng coi như… xong.

Nếu đúng theo tên gọi của hội nghị thì người tham dự đa số là các ông bầu. Bắt các doanh nhân ấy làm một việc nhỏ là viết phiếu bầu Trưởng BTC liệu có “phải phép” không? Chưa hết, VFF còn nghĩ ra một “chiêu” rất hay, đó là yêu cầu 28 CLB ký cam kết “vì bóng đá sạch”.

Ô hay, ai mà chẳng muốn “sạch”, việc gì phải cam kết. Chính các ông bầu đã “cáo buộc” rằng sự quản lý quá yếu kém của VFF khiến cho bóng đá “không sạch” chứ đâu phải lỗi của các CLB. Bằng việc yêu cầu các Chủ tịch ký cam kết trên, coi như VFF đá quả bóng trách nhiệm về lại các CLB và phần nào đó “nhắc khéo” rằng, chính các CLB chưa sạch.

Nếu tổ chức hội nghị mà các ông bầu không đến dự, VFF sẽ thong thả mà nói rằng chính các ông bầu đã không quan tâm đến họ. Nhưng nếu đến dự, thì với cách tổ chức hội nghị như vậy, phải chăng, như bầu Kiên đã từng nói, VFF lại “xem chúng tôi như lớp 1, lớp 2”?

Trên tư cách là một chủ thể quản lý, những gì VFF làm luôn có nhiều ý nghĩa và được dư luận nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Những gì VFF đang làm cho thấy họ cố tình đùn đẩy trách nhiệm của một nền bóng đá về cho người khác. Những cách làm đó dường như để phủ nhận ý kiến chung của các ông bầu lẫn dư luận rằng chính VFF mới là nơi cần được cải tổ nhất.

VFF quả là có nhiều cách để làm người khác bất ngờ. Mà cũng đúng thôi, khi ai cũng có hàng trăm công việc để làm thì VFF lại có một việc duy nhất là tìm ra những chiêu thức thì phải?!

Theo Hồ Việt
Sài Gòn giải phóng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG