VFF chọn tổng thư ký: Nỗi buồn thiếu vắng người tài

Ông Dương Nghiệp Khôi đang có cơ hội điều hành nền bóng đá Việt Nam sau vài lần mất chức. Ảnh: Quang Minh
Ông Dương Nghiệp Khôi đang có cơ hội điều hành nền bóng đá Việt Nam sau vài lần mất chức. Ảnh: Quang Minh
Nhìn danh sách đề cử chọn người làm tổng thư ký của VFF, người hâm mộ không khỏi ngao ngán về sự thiếu thốn người tài ở nơi được giao trách nhiệm điều hành nền bóng đá Việt Nam.

> Băn khoăn việc chọn tổng thư ký VFF

Ngày 28.2 tới đây, thường trực VFF sẽ nhóm họp để thông qua nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất chính là việc tìm người ngồi vào chiếc ghế tổng thư ký VFF sau hơn hai tháng (tính từ ngày 26.12.2011) từ chức “thành công” của ông Trần Quốc Tuấn.

Với VFF, chức danh tổng thư ký rất quan trọng vì đó là người điều hành trực tiếp nền bóng đá Việt Nam, là bộ mặt của VFF khi phải đi đối thoại với AFC, FIFA. Tóm lại, chức danh này cần một người có khả năng quán xuyến từ trong ra ngoài.

Cũng vì ông Trần Quốc Tuấn từ chức mà suốt hai tháng qua, người ta có cảm giác như VFF “vô chủ” trong cuộc đối thoại với VPF khi chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khá kín tiếng, thậm chí ngay cả khi phát biểu thì tiếng nói của một “hưu trí” cũng không được lưu tâm cho lắm.

Tất nhiên, việc ấy có thể khiến người hâm mộ, các đội bóng coi nhẹ VFF. Nhưng chẳng hề gì, nếu VFF không phải “giao thiệp” với FIFA ở thời gian sắp tới, và trong trường hợp xấu hơn, các ông bầu đội bóng đề nghị đại hội bất thường lần nữa mà VFF không có tổng thư ký thì ai là người đứng ra để giải quyết sự vụ? Với VFF, quan trọng hơn là phải tìm cho được một tổng thư ký “hợp cạ”. Tên ông Dương Nghiệp Khôi một lần nữa được nhắc đến!

Thật ra có đến năm người được giới thiệu vào chức danh này gồm: phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn, cựu trợ lý ngôn ngữ ở đội tuyển Việt Nam Ngô Lê Bằng, trưởng ban trọng tài Dương Vũ Lâm, tổng thư ký liên đoàn Bóng đá Hà Nội Phan Anh Tú, và phó tổng thư ký VFF đương nhiệm Dương Nghiệp Khôi.

Tên người thì đông nhưng không khó để loại bớt các ứng viên “ngay từ vòng gửi xe”.

Ông Phạm Ngọc Viễn vốn đang bị coi là thân VPF khi tuyên bố VPF đúng trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình với VFF. Hơn nữa, ông đã mang hai chức danh nên không thể nhận thêm chức tổng thư ký dù trong số năm cái tên được nêu ra, ông là ứng viên sáng giá nhất khi biết ngoại ngữ, đã từng kinh qua nhiệm vụ này.

Ông Dương Vũ Lâm dù rất thân với ông Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch VFF – nhưng ông không được lòng các quan chức còn lại ở VFF. Việc ông bị vô hiệu hoá suốt thời gian làm phó chủ tịch phụ trách chuyên môn ở VFF trước đây để rồi phải ra đi, đã nói lên nhiều điều.

Sòng phẳng mà nói, ông Lâm cũng chẳng “có cửa” ngồi lên vị trí quan trọng đến độ có thể “át vía” các quan chức còn lại ở VFF. Với kinh nghiệm làm việc cùng VFF gần hết đời người, ông Phan Anh Tú đã từ chối sớm dù được đưa tên vào danh sách đề cử với lý do “tế nhị”.

Chỉ còn lại hai người là ông Ngô Lê Bằng và ông Dương Nghiệp Khôi. Đặt lên bàn cân sẽ thấy, ông Bằng vốn từ trước tới nay chỉ được coi là người giúp việc của VFF không hơn không kém.

Chức danh “hoành tráng” nhất mà ông đã từng kinh qua chỉ là trợ lý ngôn ngữ cho huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam, một vị trí không có tiếng nói ngay trong đội tuyển chứ đừng nói ở VFF.

Năm loại hết bốn, ông Dương Nghiệp Khôi bỗng trở thành ứng viên sáng giá nhất để ngồi vào ghế tổng thư ký VFF thay ông Trần Quốc Tuấn.

Khỏi phải nói, ông Khôi thân với các quan chức VFF đến thế nào. Suốt quá trình làm việc của mình ông đã “vì” VFF và được các quan chức VFF bảo vệ hết lòng. Năm 2008, khi để xảy ra vụ ẩu đả chết người giữa hai nhóm cổ động viên Sông Lam Nghệ An và Hải Phòng, ông Khôi cương quyết giữ ghế trưởng giải, và được VFF che chắn cho đến khi có yêu cầu của tổng cục Thể dục thể thao đề nghị kiểm điểm, ông Khôi mới chịu từ chức.

Ông lui về làm phó ban tổ chức giải, ông Trần Quốc Tuấn làm trưởng giải nhưng suốt hai mùa bóng 2009 – 2010, ai cũng biết ông Khôi mới là người điều hành chính khi ông Tuấn thường xuyên phải đi nước ngoài công tác.

Đến năm 2011, ông Dương Nghiệp Khôi lại được các quan chức VFF điều về làm trưởng giải trở lại thay cho ông Tuấn.

Cuối mùa giải này, dù các ông bầu phản ứng dữ dội, ông Dương Nghiệp Khôi vẫn cương quyết không từ chức với câu nói được ghi vào “sử sách” rằng: “Công việc của tôi là do VFF phân công”. Chỉ đến khi VPF được thành lập, ông Dương Nghiệp Khôi mới trở thành người thừa.

Với thành tích liên tục bị mất chức, không được các câu lạc bộ nể phục nhưng lại được các quan chức VFF ưu ái, ông Dương Nghiệp Khôi đang có cơ hội quay trở lại với bóng đá Việt Nam ở một chức danh cao hơn, tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Không nói VFF “vã” người tài mới lạ.

Thảo Du
theo sgtt.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG