Bóng đá VN quay lại thời bao cấp?

Bóng đá VN quay lại thời bao cấp?
TP - Từng mệnh danh là giải đấu hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á nhưng nay những khó khăn về kinh tế khiến các doanh nghiệp hiện đang sở hữu đội bóng ở V-League không đảm bảo đủ kinh phí tham dự giải mùa tới. Bóng đá Việt Nam đang gặp phải giai đoạn khó khăn nhất và có nguy cơ trở lại thời bao cấp.

> Cầu viện tiền ngân sách

V-League buộc phải bước vào giai đoạn sàng lọc những ông bầu vì bóng đá thực thụ và những ông bầu mượn bóng đá để làm ăn. Cũng giống như thị trường nhà đất, bây giờ, hoàn toàn không có chuyện chuyển nhượng “bom tấn”, bởi thị trường cầu thủ đã đóng băng.

V-League giờ đây khiến những đội bóng mang tiếng “nghèo” như Thanh Hóa, K.Khánh Hòa… trở nên có giá. Vì vậy, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi K.Khánh Hòa bất ngờ tính chuyện… vô địch V-League mùa 2013, bởi trong tình cảnh khủng hoảng như bây giờ, các CLB khác trụ qua cơn khủng hoảng đã là tốt chứ đừng nói đến danh hiệu.

CLB Thanh Hóa thì 2 năm qua, ngân sách từ tỉnh Thanh Hóa và sự vận động từ các doanh nghiệp của địa phương đã nuôi sống đội bóng chứ Công ty cổ phần bóng đá chưa có nguồn thu nào đáng kể.

Hoàng Anh Gia Lai - một đại gia giờ cũng chỉ xài cây nhà lá vườn mà chủ yếu là đôn 13 cầu thủ trẻ lên đội. Do đó, tiền chi phí mua cầu thủ năm nay không bỏ ra nhiều. Cầu thủ mới tậu thêm thì có trung vệ Hồ Ngọc Luận của SLNA. Đình đám nhất cũng chỉ là tiền đạo người Nigeria - Ganiyu Bolayi Oseni lấy từ Kienlongbank Kiên Giang.

Kienlongbank Kiên Giang với sự tài trợ của ngân hàng Kiên Long ở mùa giải trước chưa đến 10 tỷ đồng, số tiền còn lại là ngân sách tỉnh, cũng như các doanh nghiệp địa phương khác hùn lại. K.Kiên Giang sau khi trụ hạng thành công cũng đã không giữ nổi Oseni mà họ chủ trương tái thiết bằng cách xài hàng vừa phải. ĐTLA vừa lên hạng cũng tính chuyện “liệu cơm gắp mắm” mà thôi.

Có vẻ như V-League trở về thời bao cấp chỉ giống hình thức so với bao cấp ngày xưa. Bóng đá VN sẽ vẫn phát triển theo cái lề của bóng đá chuyên nghiệp bởi đó là sự tất yếu của mỗi nền bóng đá muốn vững mạnh.

Ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF cho biết, những bước đi của bóng đá Việt Nam trong hơn 10 năm lên chuyên nghiệp là rất đúng hướng và vẫn phát triển bình thường. Có chăng sự phát triển thời gian qua là phát triển nóng, nhưng đó cũng là tất yếu trong nền kinh tế thị trường.

V-League không thể đình hoãn, vì để xảy ra như vậy, bóng đá Việt Nam khó ăn nói với quốc tế. Mặt khác, hàng loạt sự kiện liên quan đến đội tuyển, quan hệ chắc chắn bị ảnh hưởng vì sự kiện này.

Ông Viễn cũng đã khẳng định rằng, VFF đã lường trước được những vấn đề một vài ông bầu đăng đàn tuyên bố nghỉ chơi bóng đá sẽ xảy ra trong nền cơ chế thị trường. Nhưng là người chủ cuộc chơi, nắm trong tay cán cân, VFF vẫn để hiện tượng trên xảy ra!?

Cho đến bây giờ, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng không lý do gì mà hoãn thời gian tổ chức V-League vì làm thế là tiêu cực. VFF sẽ hỗ trợ hết mức với các đội bóng đang khó khăn. Mùa giải 2013 sẽ vẫn diễn ra bình thường.

Vào đầu tháng 10 tới, VFF và VPF có thể “chốt” được số lượng đội bóng dự V-League, nhất là khi họ đã yêu cầu các CLB báo cáo tài chính để xem xét. Đá đủ 14 đội hay 12, thậm chí là 10 đội dự V-League giờ đây đã không thành vấn đề.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG