Sau ‘rượu tự trọng’ là gì?

Sau ‘rượu tự trọng’ là gì?
VFF đã một lần được hội Cổ động viên Việt Nam gửi tặng 19 chai rượu với nhãn được ghi “Rượu tự trọng”, nhằm phản ứng việc VFF đã thoái thác trách nhiệm của mình sau thất bại tại SEA Games. Nhưng có vẻ như rượu đã cạn nhưng tự trọng thì chưa thấy tăng lên. Bóng đá Việt Nam sau đại bại tiếp tục là thảm bại.

Sau ‘rượu tự trọng’ là gì?

> Thảm bại tại AFF Cup: Mang di chấn tới SEA Games 27?

> Từ thất bại của đội tuyển VN nói về nền bóng đá đang xuống cấp thê thảm

 

VFF đã một lần được hội Cổ động viên Việt Nam gửi tặng 19 chai rượu với nhãn được ghi “Rượu tự trọng”, nhằm phản ứng việc VFF đã thoái thác trách nhiệm của mình sau thất bại tại SEA Games. Nhưng có vẻ như rượu đã cạn nhưng tự trọng thì chưa thấy tăng lên. Bóng đá Việt Nam sau đại bại tiếp tục là thảm bại.

Nhiều cầu thủ đã nỗ lực ở trận đấu cuối cùng nhưng, để có chiến thắng là cả một quá trình chuẩn bị chứ không đơn giản là phút cao hứng hay may mắn
Nhiều cầu thủ đã nỗ lực ở trận đấu cuối cùng nhưng, để có chiến thắng là cả một quá trình chuẩn bị chứ không đơn giản là phút cao hứng hay may mắn.
 

AFF Cup 2012 vẫn tiếp tục, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore bước vào bán kết, nhưng với Việt Nam, cuộc chơi đã chấm dứt ngay sau vòng bảng với thành tích không thể tệ hơn. Thua hai trận, hoà một trận, chỉ ghi được vỏn vẹn hai bàn thắng nhưng lại để thủng lưới đến năm bàn. Nhưng điều ấy chưa phải là thảm hoạ bằng việc ngay trong đội bóng các cầu thủ bất phục ban huấn luyện ra mặt, nội bộ cũng chẳng đoàn kết như lời các thành viên ban huấn luyện chống chế. Tất cả những điều ấy xuất phát từ việc lần đầu tiên chúng ta có một đội tuyển không giống ai, từ cách hành xử, xây dựng kế hoạch đến thực hiện kế hoạch ấy.

Được dẫn đầu bởi một chủ tịch đã về hưu với chuyên môn chính là bóng rổ, bóng đá Việt Nam đã hoạch định cho mình một chiến lược tiếp cận với khu vực và thế giới theo chính sách “nội hoá 100%”. Bất chấp chuyện có những cầu thủ đã nhập tịch, lấy vợ, sinh con và sinh sống ở Việt Nam trên năm năm trời, đội tuyển vẫn đóng cửa với họ.

Trên hàng ghế ban huấn luyện, nhìn sang Malaysia và thấy họ dùng thầy nội vẫn có kết quả tốt, thế là VFF định hướng luôn, dùng huấn luyện viên nội mà không thèm quan tâm cùng với chiến lược dùng thầy nội, bóng đá Malaysia đã nâng chất nền tảng cầu thủ bằng việc gửi cầu thủ trẻ sang các lò đào tạo tại châu Âu, mời các đội bóng hàng đầu của thế giới đến du đấu…

Một kế hoạch hoá thiên nga khá ảo đã được thực hiện cũng ảo, cũng mù mờ chẳng kém. Huấn luyện viên đội tuyển là người kiêm nhiệm thêm hai việc khác, một ở câu lạc bộ và một ở đội U23 Việt Nam. Chuyện kiêm nhiệm đương nhiên sẽ gắn chặt với quyền lợi, nghĩa vụ ở những công việc khác nhau khiến đội tuyển Việt Nam ngay ngày đầu tiên thành lập đã bị chính các cầu thủ phản ứng vì cho rằng việc tuyển chọn, dùng người thiếu công bằng.

Những sự trợ giúp dành cho ông Phan Thanh Hùng tưởng thế nào, cũng vẫn là những người kiêm nhiệm chẳng kém gì ông. Ai cũng có việc làm chính ở câu lạc bộ, đội tuyển chỉ đơn giản là làm thêm. Thế nên, thành công thì đó là thắng lợi, còn thua thì cũng “hơi buồn” là hết. Ngay từ khi đội tuyển thi đấu giao hữu, cũng lại là người hâm mộ phản ứng, cho rằng đội tuyển quá kém nhưng tất cả đều bị bỏ ngoài tai bởi VFF hình như không có thói quen nhận lỗi và thừa nhận sai lầm.

Ngay trên đất Thái, mọi sự đã đổ vỡ đến thảm hại. Đội tuyển tan rã nhanh chóng bởi ai cũng muốn thể hiện cái tôi của mình, đến độ Tấn Tài nổi cáu vì chỉ một mình cầu thủ này ra sân là chơi hết sức và chẳng toan tính. Công Vinh chẳng ngại bày tỏ bằng việc không thèm bắt tay ban huấn luyện, chẳng thèm mang giày vào chân để khởi động dù có tên trong danh sách dự bị ở trận đấu cuối cùng. Và mọi chuyện càng tệ hại hơn khi ngay đến việc nghiêm túc thực hiện các quy định về họp báo của ban tổ chức cũng chẳng được đội Việt Nam tôn trọng.

Trong khi sau mỗi trận đấu các huấn luyện viên trưởng của các đội tham dự họp báo một cách nghiêm túc thì, ở trận đấu đầu tiên, trợ lý Hoàng Anh Tuấn dự họp báo, trận thứ hai ông Phan Thanh Hùng dự. Đến trận cuối cùng chẳng hiểu sao ông tổng thư ký VFF kiêm trưởng đoàn Ngô Lê Bằng thay mặt trả lời, khiến giới truyền thông nước ngoài ngỡ ngàng và đặt câu hỏi “Xin lỗi ông là ai?”

Đội tuyển Việt Nam đã có một giải đấu thất bại hoàn toàn từ cách điều hành, phong cách tham dự lẫn cách chơi. Thế nhưng khi được đặt câu hỏi, tổng thư ký Ngô Lê Bằng vẫn cho rằng chỉ vì “kém may” mà đội tuyển Việt Nam thất bại chứ không phải là vì dở tệ. Thành viên ban huấn luyện cũng cho rằng “trời chẳng chiều lòng người”, chứ không phải do cách huấn luyện hay quá trình chuẩn bị của họ chẳng đúng.

Và tất nhiên trước giải, ai cũng hùng hổ tuyên bố nếu không thành công sẽ chịu trách nhiệm, sẽ từ chức… Nhưng giờ, họ quên khuấy đi mất. Ông chủ tịch VFF lặn mất tăm, ông tổng thư ký kiêm trưởng đoàn nói lấy được, ông phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung đi cùng đội bóng từ đầu cũng ngó lơ, đến vị huấn luyện viên cũng cho rằng “chưa nghĩ đến chuyện từ chức” vì “đã làm hết sức”.

Hoá ra “rượu tự trọng” có uống thêm cũng chẳng ăn thua gì, nên người hâm mộ Việt Nam đang tự hỏi chẳng biết sau rượu tự trọng sẽ phải tặng cho các vị quan chức này thứ gì để lòng tự trọng được tăng lên. Hay là vô phương rồi?

Theo Tất Đạt
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG