Xin lỗi, chịu hết nổi

Xin lỗi, chịu hết nổi
Khi mà sân cỏ trong nước quay trở lại guồng quay, người hâm mộ tiếp tục chứng kiến sự phản ứng của những “con dân” – từ cầu thủ đến huấn luyện viên với các vị vua áo đen – trọng tài vì những quyết định của mình.

Xin lỗi, chịu hết nổi

> Chi Lăng sẽ có một ngày hội lớn
> Hai CĐV Hải Phòng bị khởi tố vì vụ hành hung trọng tài

Khi mà sân cỏ trong nước quay trở lại guồng quay, người hâm mộ tiếp tục chứng kiến sự phản ứng của những “con dân” – từ cầu thủ đến huấn luyện viên với các vị vua áo đen – trọng tài vì những quyết định của mình.

Các cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành lao ra phản ứng với trọng tài Nguyễn Văn Kiên trên sân Chi Lăng chiều 30/3/2013. Ảnh: VNN
Các cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành lao ra phản ứng với trọng tài Nguyễn Văn Kiên trên sân Chi Lăng chiều 30/3/2013. Ảnh: VNN.

Giận dữ vì cho rằng mình bị tiếp tay cướp trắng trợn điểm số trên sân đấu khiến các cầu thủ và huấn luyện viên nổi đoá. Thật ra đây chẳng phải lần đầu tiên, và người ta luôn tự hỏi điều gì khiến cho các huấn luyện viên, cầu thủ trở nên nóng giận ghê gớm như thế ở các giải đấu quốc nội, trong khi cũng những cầu thủ ấy, cũng huấn luyện viên ấy khi tham dự các giải đấu quốc tế lại cư xử khác hẳn.

Cũng không phải khó lắm cho chuyện lý giải điều này bởi nó được gói gọn trong hai chữ “lòng tin”, điều đã được nói rất nhiều.

Việc ca thán về cách điều hành của trọng tài đâu có mới, thậm chí những hứa hẹn về cải tổ trọng tài cũng không mới luôn. Mọi ấm ức, đồn đoán về chuyện trọng tài “ăn tiền” từ xưa đến nay luôn bị VFF và những người điều hành phản bác, thậm chí cho rằng đó là bêu xấu. Để rồi khi vụ tiêu cực ở trọng tài liên quan đến đội bóng Ngân hàng Đông Á ngày xưa vỡ lở, hàng loạt trọng tài bị treo còi, thậm chí bị vào tù, lúc đó, những người có trách nhiệm mới chính thức thừa nhận là “vua” cũng có vấn đề, và rằng cần phải cải tổ triệt để cách điều hành của vua. Sự việc tưởng chừng quyết liệt hơn với sự ra đời của VPF, nhưng hình như mèo lại hoàn mèo khi điều hành trọng tài vẫn là những con người quen thuộc ấy.

Trên sân Chi Lăng, cả đội Sài Gòn Xuân Thành (SGXT) như phát điên khi lao ra giữa sân đòi “ăn thua đủ” với trọng tài Nguyễn Văn Kiên. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên ông Kiên bị phản ứng. Ông Kiên chính là người đã nổi đình nổi đám với chuyện tố cầu thủ Ngọc Tùng đòi giết mình và bị cầu thủ tố ngược lại, thổi giúp đội Hà Nội và chửi bậy với cầu thủ ở vòng 8 giải hạng Nhất năm 2011. Năm 2012, ông Kiên bị khán giả Đồng Tháp vây kín cửa khán đài không cho về vì tin rằng ông thổi giúp đội bóng nhà giàu Navibank Sài Gòn khi bỏ qua cả ba tình huống đội Đồng Tháp đáng được hưởng phạt đền. Cũng trong năm 2012, ông Kiên nổi đình nổi đám với vụ bẻ còi, ban đầu không công nhận bàn thắng của Moussa đội Ninh Bình nhưng sau đó lại đồng ý. Chỉ sau ba vòng đấu ở V-League 2013, ông Kiên đã hai lần bị phản ứng. Lần thứ nhất là Hoàng Anh Gia Lai phản ứng kịch liệt vì cho rằng ông Kiên thổi có lợi cho đội bóng “con ruột” của bầu Hiển là Hà Nội T&T, và lần này là Sài Gòn Xuân Thành phản ứng vì “thấy” ông vua ưu ái cho đội bóng “con nuôi” của bầu Hiển, SHB Đà Nẵng.

Và cũng như mọi lần, khi diễn ra phản ứng từ các cầu thủ và đội bóng thì gần như ngay lập tức lỗi được quy cho các cầu thủ, các huấn luyện viên và các ông bầu. Trong khi đó, cả bộ máy điều hành giải gần như được huy động để bảo vệ “vua”. Người có trách nhiệm điều hành trọng tài lần nào cũng tuyên bố trọng tài làm đúng hoặc nếu có sai thì đó là sai sót nhận định, hoàn toàn vô tư chứ không phải cố ý. Tóm lại, ứng dụng sai luật là vô tình. Nhưng họ lại chỉ trích gay gắt, thậm chí đề xuất kỷ luật nặng nề với những người dám phản ứng vì “như thế là phạm luật cố ý”.

Đừng ngạc nhiên khi nhiều ông bầu đòi bỏ bóng đá vì những quyết định của trọng tài. Đến ông chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cũng đã từng có lần doạ thế còn gì! Bỏ tiền tỉ, tổn hao công sức nhưng cứ bước vào cuộc chơi là lại bị người điều hành ép phải chấp nhận những sai sót thường xuyên có khi làm đi tong công sức, tâm huyết thì chơi làm gì? Có ý kiến cho rằng đừng ngạc nhiên khi các cầu thủ phản ứng thái quá, vì họ đối mặt với chấn thương, tập luyện vất vả để tìm chiến thắng hòng cải thiện “chén cơm” bằng tiền thưởng, giờ bị mất hỏi sao không nóng. Song, quan trọng hơn, khi niềm tin không còn hoặc còn quá ít thì phản ứng thường xuyên cũng là điều khó tránh.

Muốn không có những phản ứng gay gắt trên sân cỏ, trước hết cần phải có sự công tâm, dám nhận trách nhiệm và thay đổi quyết định, nếu cần, từ người điều hành trong ngành bóng đá đến người điều khiển trên sân đấu. Chỉ đổ tội cho cầu thủ thì khác nào chuyện những người ăn lương nhà nước làm nhiệm vụ bắt buôn lậu, chống hàng gian hàng giả nhưng làm không được việc lại quay ra đòi phạt người mua trúng nón bảo hiểm giả!

Không giải quyết được gốc của vấn đề, e là khó trách khi “thần dân” buộc phải nói với “vua”: “Xin lỗi, chịu hết nổi!”

Theo Thảo Du
SGTT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG