Ánh Viên tiến bộ, nhưng cần thêm thời gian

Ánh Viên có thể thống trị đường đua xanh Đông Nam Á nhưng cô còn phải nỗ lực rất nhiều để ghi dấu ấn ở đấu trường thế giới. Ảnh: VSI
Ánh Viên có thể thống trị đường đua xanh Đông Nam Á nhưng cô còn phải nỗ lực rất nhiều để ghi dấu ấn ở đấu trường thế giới. Ảnh: VSI
TP - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT (TTTTC) Nguyễn Hồng Minh đánh giá cao kết quả thi đấu ở cự li 200m hỗn hợp của Ánh Viên đêm 2/8, nhưng cho rằng kình ngư Quân đội cần thêm nhiều thời gian để rèn luyện.

Ngày 2/8, Ánh Viên đã giành quyền vào bán kết cự li 200m hỗn hợp ở giải VĐTG diễn ra tại Kazan (Nga). Thành tích vòng loại của Ánh Viên cự li này là 2:13:41. Kết quả trên tốt hơn so với kỷ lục do Ánh Viên thiết lập tại SEA Games 28 là 2:13:53.

Ở bán kết, Ánh Viên phải đối đầu với một loạt tên tuổi hàng đầu thế giới như Siobhan Marie O’Connor (Đức), Sydney Pickrem (Canada), hay Melanie Margalis (Mỹ)…Tham dự vòng bán kết gồm 16 VĐV, chia làm 2 lượt. Ánh Viên bơi lượt một, ở làn bơi số 8 do thành tích đứng cuối tại vòng loại. Cô cán đích ở vị trí thứ 8 với thời gian 2:13:29. Kết quả này tốt hơn 0,12 giây so với vòng loại và 0,24 giây so với thành tích ở SEA Games 28. Tuy nhiên, Ánh Viên vẫn xếp cuối trong số 8 VĐV. Về nhất ở cự li này là VĐV Marie O’Connor, thời gian 2:08:45.

Đánh giá về kết quả trên của Ánh Viên, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh hôm qua cho biết, nếu so với thời điểm tham dự SEA Games 28 cách đây chỉ hơn 1 tháng, Ánh Viên đã có sự tiến bộ. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng để có thể cạnh tranh được ở đấu trường thế giới, kình ngư Quân đội cần thêm nhiều thời gian rèn luyện.

“Khi Viên toả sáng ở SEA Games 28, tôi từng nói rằng Viên có khả năng thống trị ở đấu trường khu vực. Nhưng Olympic và giải VĐTG ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Ở đây hội tụ tất cả những VĐV hàng đầu thế giới. Có 4 giải VĐTG mà về chất lượng và độ danh giá có thể vượt qua cả Olympic là bóng đá, TDDC, điền kinh và bơi lội. 

Như vậy với các thông số trên, chúng ta có thể mừng là Ánh Viên đang tiến bộ. Nhưng để đạt tới tầm thế giới, Ánh Viên cần phải có thêm thời gian. Nói vậy không phải để chúng ta thất vọng, mà là nhằm xác định đúng thực lực VĐV của mình”-chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Ánh Viên mới tập luyện khoảng 3-4 năm, trong khi để chín hơn, thời gian tập luyện của cô phải từ 7-8 năm. Ông Minh đồng thời lấy ví dụ của bơi lội Trung Quốc để minh hoạ cho sự khắc nghiệt của đấu trường thế giới. 

“Trung Quốc chiếm khoảng 25 trong số hơn 40 vị trí tốp đầu ở các nội dung. Chúng ta nhắc rất nhiều đến đối thủ của Ánh Viên là Ye Shiwen, nhưng VĐV này vừa qua cũng thi đấu không thành công, một phần do đau lưng. Điều này đủ cho thấy giải VĐTG khốc liệt như thế nào. Thành tích của Ánh Viên vừa qua như vậy có thể coi là thành công đối với chính mình”-ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Vào chung kết là vừa sức

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, do thành tích xếp cuối vòng loại, Ánh Viên gặp bất lợi khi tại bán kết phải thi ở làn thứ 8. Ông Minh cảnh báo BHL đội tuyển bơi lội Việt Nam cần xác định để Ánh Viên thử sức ở cự li nào, bỏ cự li nào.

“Điểm khác là ở SEA Games, anh Tuấn (HLV Đặng Anh Tuấn-pv) có thể coi các cự li Ánh Viên tham dự như tập dượt, nhưng ở giải VĐTG thì chúng ta cần xem xét đối thủ ở các cự li như thế nào. Nếu thành tích VĐV của mình thấp quá thì không nên đăng ký thi”-chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nói.

Theo lịch, trong ngày hôm nay và ngày 9/8, Ánh Viên sẽ tranh tài ở các cự li 200m tự do và 400m hỗn hợp. Ông Minh dự đoán Ánh Viên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, dù đây là các cự li sở trường của kình ngư Quân đội. 

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Tôi đọc báo thấy một số người hướng Viên tới khả năng đoạt HCĐ. Như vậy là vừa có thể gây áp lực đối với VĐV, vừa khiến người hâm mộ có thể thất vọng. Với thực lực hiện tại, nếu Ánh Viên vào tới VCK thì cũng có thể coi đã là thành công. Tôi cũng không cho rằng anh Tuấn và BHL đội tuyển bơi lội Việt Nam lại nghĩ tới chỉ tiêu huy chương cho Ánh Viên”.

Hoàng Quý Phước thất bại ở vòng loại

Chiều 3/8, VĐV Hoàng Quý Phước đã thi đấu vòng loại nội dung 200m tự do tại giải VĐTG. Tuy nhiên, kình ngư người Đà Nẵng đã thể hiện phong độ không cao, khi về đích cuối cùng (thứ 9) ở lượt đấu loại thứ 5 với thời gian 1:54:31, còn kém xa thành tích 1:48:96 giúp anh đạt chức vô địch SEA Games 28 (đồng thời phá kỷ lục SEA Games của chính anh là 1:50:64 tại SEA Games 27). VĐV về nhất ở nội dung này là Sun Yang của Trung Quốc với thời gian 1:46.

MỚI - NÓNG