Cơn gió lạ mang tên Toshiya Miura

HLV Miura cùng đội tuyển Việt Nam thăm nhà và thắp hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VSI
HLV Miura cùng đội tuyển Việt Nam thăm nhà và thắp hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VSI
TP - Ẩn sau vẻ ngoài thư sinh, mang đậm nét của một ông giáo hơn là một HLV, ông Toshiya Miura lại đem đến cho Việt Nam thứ bóng đá đầy kỷ luật và khoa học của người Nhật. 

Thổi một luồng gió mới vào mảnh đất bóng đá đang trở nên khô cằn vì tiêu cực, làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam đồng thời cũng mang đến cho ông Toshiya Miura những trải nghiệm rất khác lạ.

Một bài phỏng vấn gây xôn xao

Câu chuyện về lần trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản của HLV Toshiya Miura có lẽ sẽ còn được nhắc đến dài dài trong làng bóng đá Việt Nam. Một buổi sáng sau AFF cup 2014, giới phóng viên xôn xao lan truyền nhau về bài phỏng vấn của ông Miura đăng trên tờ Jsport của Nhật. Nội dung đương nhiên về những trải nghiệm ở Việt Nam trên cương vị HLV trưởng ĐTQG. Dưới con mắt của một người lần đầu đặt chân tới dải đất hình chữ S, Việt Nam thật có quá nhiều điều kỳ lạ. Đầu tiên là… V.League.

“Thẳng thắng mà nói, V.League rất tệ. Cầu thủ thì không chịu chạy, mà cũng không chịu khó vận động, có lẽ do trận đấu diễn ra vào lúc 17h, khi thời tiết còn nắng nóng” - đây có lẽ là những nhận xét thật lòng và ít khách sáo nhất của ông Miura, do lẽ ông trả lời truyền thông Nhật Bản chứ không phải Việt Nam.

Việc lựa quân của ông Miura cũng trở thành câu chuyện được bàn tán. Ông Miura tiết lộ đã phải sử dụng phương pháp… loại trừ để chọn quân: “Nếu ở Nhật Bản, chúng tôi phải thảo luận đẩy ai xuống với câu hỏi “Tại sao không chọn cầu thủ này?” thì ở Việt Nam, mọi chuyện ngược lại. Ban đầu tôi thấy hầu như không ai vừa mắt nên phải dùng phương pháp loại trừ. Nghĩa là bỏ cầu thủ này thì chọn người kia thôi (cười)”. - Vẫn câu trả lời của ông Miura trên Jsport.

“Thẳng thắng mà nói, V.League rất tệ. Cầu thủ thì không chịu chạy, mà cũng không chịu khó vận động, có lẽ do trận đấu diễn ra vào lúc 17h, khi thời tiết còn nắng nóng”.

HLV Miura

Một số nhân viên LĐBĐVN (VFF) khó tránh khỏi chút bực bội trong lòng đối với ông Miura vì những nhận xét có vẻ như… không giống ai về công việc hằng ngày ở đây. Cụ thể, ông Miura “mách” là tại VFF, thời gian làm việc bắt đầu lúc 8h30 nhưng cũng phải 8h30 thậm chí 9h nhân viên mới đến nơi làm việc. Trưa nghỉ 2 tiếng, từ 12h-14h và chiều 16h30 lại ra về. Không rõ là sau khi bài phỏng vấn ông Miura được đăng, thói quen giờ giấc ở VFF có thay đổi hay không, nhưng chắc hẳn nhiều người phải giật mình.

Làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam cũng là một trải nghiệm lạ với ông Miura, trên khía cạnh tuân thủ luật pháp. Theo tiết lộ của nhà cầm quân người Nhật Bản, xe ô tô của ông đã 5 lần bị CSGT thổi phạt nhưng cả 5 đều “thoát” vì tài xế lấy vị HLV trưởng ĐTQG đang lo sốt vó trong xe ra làm “bùa hộ mệnh”. 

Một nhận xét khác của ông Miura về Việt Nam, thực tế cũng không còn mới lạ là phong trào uống bia của cánh mày râu. Đại khái là uống bia thực sự cả giữa và sau giờ làm. Nói vậy không có nghĩa ông Miura không biết uống bia. Trái lại, những người gần ông Miura cho biết, ông thích nghi rất nhanh với thói quen…uống bia vỉa hè của BHL và các cầu thủ. Phong độ có vẻ cũng không chịu kém ai. Nhà cầm quân người Nhật Bản cũng cho thấy khả năng hòa đồng nhanh với cuộc sống ở Việt Nam. Ông không ngại tham gia các buổi nhậu nhẹt “chém gió” với bạn bè, học trò, sẵn sàng “giao lưu” với mọi người. Tỏ ra rất ngại trả lời phỏng vấn giới truyền thông Việt, nhưng chụp ảnh chung thì lúc nào ông Miura cũng sẵn lòng.

Một nét đặc trưng của ông Miura so với phần đông các HLV bóng đá: thường xuyên mặc đồ vest khi chỉ đạo thi đấu. Trang phục quen thuộc của ông Miura là sơmi cắm thùng đơn sắc, hoặc trắng hoặc đen, áo vest khoác ngoài. Chỉ trong các buổi tập, người ta mới thấy ông Miura vận đồ thể thao. Vẻ ngoài của ông Miura gợi tới một ông giáo hơn là một HLV bóng đá. Trong ngày ra mắt, giới truyền thông đã mắt tròn mắt dẹt với diện mạo thư sinh của tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Nhiều người thậm chí nghi ngờ, cái ông này thì sao biết… đá bóng?
Tuy nhiên, câu trả lời có ngay sau khi chứng kiến các buổi tập của đội tuyển Việt Nam dưới sự chỉ đạo của ông Miura. Có những buổi tập sau khi học trò đã về hết, ông Miura vẫn ở lại “tráng miệng” 20 vòng sân giữa trưa nắng, tương đương với 6km! Nhiều cầu thủ Việt Nam khi mới làm quen với ông Miura đã phát hoảng khi các buổi tập, ông thầy Nhật Bản bắt học trò tập chạy cả tiếng đồng hồ. Ông Miura cũng thường đồng hành cùng học trò. Về tốc độ thì ông Miura chịu thua, nhưng sức bền thì nhiều cầu thủ phải nể thầy.

Dung dị đời thường, kỷ luật trong sân

Trong sinh hoạt hằng ngày, HLV Toshiya Miura tỏ ra rất tâm lý, khi chủ động làm quen, trò chuyện để nắm bắt tâm lý, cá tính của các học trò. Ông Miura cũng không quên những vấn đề đời thường, từ sinh nhật hay chuyện thăm nom cầu thủ lúc ốm đau, chấn thương. Tuy nhiên, trong huấn luyện và thi đấu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Cơn gió lạ mang tên Toshiya Miura ảnh 1

Khác với vẻ ngoài thư sinh, HLV Miura là người thầy rất nghiêm khắc trên sân tập. Ảnh: VSI

Không hổ danh đến từ nền bóng đá trọng thể lực như Nhật Bản, ông Miura đặc biệt coi trọng việc rèn thể lực cho các tuyển thủ. Đây thực tế cũng chính là điểm yếu của bóng đá Việt Nam. Khối lượng vận động trong các buổi tập của đội tuyển Việt Nam luôn được đẩy tối đa. Đã có thời điểm, nhiều tờ báo đặt vấn đề về kiểu huấn luyện “hành xác” của ông Miura, khi lo ngại cầu thủ bị chấn thương tăng nặng. Thế nhưng thực tế chiến đấu sau đấy của các đội tuyển do ông Miura dẫn dắt lại thể hiện một bộ mặt rất khác. Bảy tháng sau khi cầm quân, thể lực của các học trò ông Miura đã tăng đáng kể. Từ ASIAN Games 17 đến AFF cup 2014, các cầu thủ Việt Nam luôn chiến đấu với nền tảng thể lực sung mãn, khí thế hừng hực. Bóng đá Việt Nam tại ASIAN Games 17 đã gây ấn tượng mạnh khi chiến thắng nhiều đối thủ lớn, tạo nên cột mốc lịch sử mới.

Phương pháp tăng cường thể lực cho các cầu thủ của ông Miura được nhắc đến nhiều là ngâm nước đá. Với cách này, các cầu thủ cho biết sức khỏe đã được hồi phục nhanh chóng, khả năng chịu đựng cũng cải thiện đáng kể trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điểm lạ nhất có lẽ là cách… trị chấn thương của người Nhật. Thường các cầu thủ khi bị chấn thương sẽ được nghỉ ngơi, không phải tham gia tập nặng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cầu thủ đang chấn thương vẫn bị yêu cầu tập “phát sốt phát rét”. Chuyện có vẻ ngược đời nhưng lại đem lại hiệu quả tích cực. Sau này thì trợ lý người Nhật của ông Miura giải thích, chấn thương có nhiều loại và một số trong đó nếu tập luyện tích cực thì có thể có ích cho việc chữa trị. 

Đã biết tiếng của người Nhật, các tuyển thủ khi tập luyện dưới sự chỉ đạo của ông Miura cũng tuân thủ tuyệt đối kỷ luật đội. Ở thời điểm AFF cup 2014 vào cuộc, ông Miura thực hiện “thiết quân luật” và gần như mọi thứ được đảm bảo tuyệt đối. Giới truyền thông có lúc cũng phát cáu vì cái sự “ít nói” của ông Miura, nhưng rốt cuộc đều chia sẻ vì hiểu mục đích của ông Miura hướng tới là chiến thắng cho tuyển Việt Nam. 

Nhiều người cũng nể ông Miura ở chuyện đứng ra gánh trách nhiệm thay cho VFF. Ngay buổi đầu ra mắt, ông Miura đã thẳng thắn tuyên bố sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên đối với tuyển Việt Nam, lỡ khi đội thất bại. Nói sao làm vậy, AFF cup 2014 có lẽ là giải đấu VFF ít bị chỉ trích nhất, khi phần chuyên môn được ông Miura phân định và nhận trách nhiệm hoàn toàn. Từ những tập thể không nhận được nhiều yêu mến và sự tin tưởng, các đội Olympic và ĐTQG trong tay ông Miura lần lượt gây ấn tượng, và ngày càng chiếm được nhiều sự tin yêu của giới mộ điệu.

SEA Games 2015, có lẽ đang rất nhiều người mong muốn được thấy ông Miura dẫn dắt tuyển U23 chinh chiến ở Singapore.

MỚI - NÓNG