Kẻ kiếm tiền số một làng banh nỉ

Những danh hiệu vô địch giúp Djokovic kiếm được gần 100 triệu USD tiền thưởng ở tuổi 28.
Những danh hiệu vô địch giúp Djokovic kiếm được gần 100 triệu USD tiền thưởng ở tuổi 28.
TP - Tháng 10/2015, thế giới tennis chứng kiến kỷ lục mới khi Novak Djokovic trở thành cây vợt đầu tiên giành được 16 triệu USD tiền thưởng trong một mùa giải, bỏ xa kỷ lục cũ là 14,5 triệu USD do Rafael Nadal thiết lập vào năm 2013.

Thợ săn tiền thưởng

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn dự báo với phong độ đỉnh cao như hiện tại, chắc chắn Djokovic sẽ thiết lập cột mốc mới trong sự nghiệp săn tiền thưởng của mình. Và thực tế là không cần phải chờ tới hết năm 2015, ngay vào những ngày cuối tháng 11/2015, sau chức vô địch ATP World Tour Finals, Djokovic đã bỏ túi 21,595 triệu USD tiền thưởng chỉ trong mùa giải 2015, nâng tổng số tiền thưởng anh giành được trong sự nghiệp lên thành 91,22 triệu USD.

Ðể so sánh, chúng ta hãy nhớ rằng Roger Federer, huyền thoại thực sự của quần vợt và đến nay vẫn là cây vợt nam được yêu thích nhất, “chỉ” giành được tổng cộng 96,43 triệu USD tiền thưởng ở tuổi 34 (sang năm 2016 thì Federer đã bước sang tuổi 35). Trong khi đó Djokovic đã có 91,22 triệu USD ở tuổi 28, và với đà này thì cái ngày Djokovic cán mốc 150 triệu USD tiền thưởng sẽ không còn xa.

Không chỉ là một “thợ săn” tiền thưởng thiện nghệ trên sân quần vợt, Djokovic còn là một thương hiệu cực kỳ đắt giá. Theo số liệu của Forbes, Djokovic đã kiếm được 31 triệu USD chỉ nhờ các hợp đồng quảng cáo trong năm 2014, chỉ xếp sau Roger Federer (58 triệu USD), Tiger Woods (50 triệu USD), Phil Mickelson (48 triệu USD), LeBron James (44 triệu USD), Kevin Durant (35 triệu USD), và Rory McIlroy (32 triệu USD).

Hiện tại, Djokovic đang là đại diện của hàng loạt thương hiệu đắt giá như Mercedes-Benz, Bombardier Aerospacer, Peugeot hay ANZ. Ðặc biệt, sau khi chia tay 2 nhà tài trợ gốc gác châu Âu là thương hiệu thời trang Sergio Tacchini (Italia) và hãng đồng hồ  Audemars Piguet (Thụy Sỹ), Djokovic đã quyết định hợp tác với 2 thương hiệu Nhật Bản là Uniqlo (quần áo) và Seiko (đồng hồ).

Trong đó, câu chuyện đằng sau bản hợp đồng 5 năm trị giá hơn 10 triệu USD mỗi năm mà Djokovic ký với Uniqlo, bắt đầu từ giải Roland Garros vào tháng 5/2012, cho thấy sự khôn ngoan và tinh quái của Djokovic trên sân quần vợt đã được anh vận dụng linh hoạt như thế nào trong thương trường.

Kể từ khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp vào năm 2003, Djokovic sử dụng nguyên một cây Adidas, từ quần áo cho tới giày thi đấu. Tuy nhiên, vào cuối năm 2009, khi Adidas quyết định từ chối gia hạn hợp đồng với Djokovic để chọn Andy Murray làm đại sứ hình ảnh (đấy có lẽ là sai lầm lớn nhất của Adidas trong lịch sử tài trợ cho quần vợt), Djokovic đã ký hợp đồng có thời hạn 10 năm với Sergio Tacchini.

Tuy nhiên, vì Sergio Tacchini chỉ cung cấp trang phục chứ không sản xuất giày nên Djokovic vẫn lựa chọn thi đấu và tập luyện với giày Adidas. Trong hợp đồng giữa Sergio Tacchini và Djokovic có điều khoản quy định rằng Djokovic sẽ được thưởng tiền nếu như thi đấu xuất sắc.

Và khi Djokovic giành liền 4 danh hiệu Grand Slam trong màu áo của Tacchini thì nhãn hiệu này bắt đầu trở nên quá nhỏ so với tầm vóc của Djokovic. Kết quả Tacchini không thể bảo đảm thanh toán các khoản tiền thưởng cho những danh hiệu mà Djokovic giành được như đã cam kết, và cuối cùng dẫn tới kết cục là Djokovic đã thanh lý hợp đồng với Sergio Tacchini.

Cuộc chia tay thương hiệu thời trang của Italia đã đặt Djokovic đứng trước bài toán hơi khó tìm lời giải, khi anh phải tìm được một nhà tài trợ trang phục mới, nhưng lại không được “đụng hàng” với giày thi đấu của Adidas.

Djokovic và người đại diện của mình đã khoanh vùng mấy cái tên là Ralph Lauren, Tommy Hilfiger và Uniqlo.

Uniqlo đương nhiên trở thành lựa chọn khả dĩ nhất với Djokovic, bởi hãng thời trang Nhật Bản đang muốn khuếch trương thương hiệu trong thế giới tennis. Và trước khi Djokovic xuất hiện, Uniqlo chỉ ký hợp đồng với Kei Nishikori, nên Djokovic được nhận định là cái tên sẽ giúp thương hiệu của Uniqlo bay cao. Ðấy chính là nguyên nhân khiến Djokovic ký hợp đồng với Uniqlo và trở thành đại sứ toàn cầu của Uniqlo từ tháng 5/2012.

Kinh doanh mát tay

Tuy nhiên, Djokovic không chỉ kiếm bộn tiền từ các hoạt động liên quan đến quần vợt, mà cây vợt này còn dấn sâu vào thương trường và cho thấy anh cũng là một doanh nhân có hạng.

Kẻ kiếm tiền số một làng banh nỉ ảnh 1

Djokovic quảng bá cho sản phẩm xe Peugeot.

Djokovic đang sở hữu một chuỗi cửa hàng cafe mang tên Novak Café trên khắp lãnh thổ Serbia, trong đó tại New Belgrade và Dorcol là nhà hàng kiêm quán cafe, còn tại Kragujevac và Kraljevo chỉ là quán cafe đơn thuần. Lễ khai trương quán cafe của Djokovic được tổ chức hoành tráng và có sự hiện diện của những nhân vật nổi danh ở Serbia.

Không những thế, báo chí Serbia còn đưa tin để phục vụ tốt nhất cho hệ thống nhà hàng và quán cafe của mình, Djokovic đã bỏ tiền mua lại trọn vẹn hệ thống cung cấp pho mát lừa mang tên Pule. Ðây được xem là loại pho mát đắt giá nhất thế giới, vì mỗi kilôgam Pule có giá tới 1.350 USD, và chỉ duy nhất một nơi trên thế giới có thể sản xuất và cung cấp Pule, đấy là trang trại Zasavica ở Sremska Mitrovica (Serbia).

Sở dĩ loại pho mát mang tên Pule này đắt đỏ đến thế là bởi chúng có ít chất béo nhưng lại rất giàu protein, không gây dị ứng và phải mất tới 25 lít sữa lừa tươi mới làm được một kilôgam Pule thành phẩm. Ông Slobodan Simic, quản lý của Công ty pho mát Zasavica, cho biết họ đã lập tức gật đầu khi Djokovic đề nghị bao tiêu toàn bộ sản phẩm của công ty, bởi họ biết rõ rằng, không có hình thức nào quảng cáo cho Pule hiệu quả hơn chính Djokovic.

Ông Simic tiết lộ: “Tên tuổi của Djokovic sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều công sức để tiếp thị với các nhà hàng, và với việc chỉ có một khách hàng duy nhất bao tiêu toàn bộ sản phẩm là Djokovic, chúng tôi cũng chẳng phải lo lắng cho đội ngũ nhân viên kinh doanh của mình”.

Thế nhưng, nguồn thu của Djokovic chưa dừng lại ở đây, khi cách đây 2 năm, Djokovic đã cho ra đời cuốn sách về dinh dưỡng và phong cách sống do chính anh chấp bút với nhan đề "Serving to Win: The 14-Day Gluten-Free Plan for Physical and Mental Excellence" (tạm dịch: 14 ngày ăn kiêng không Gluten để có trí óc và sức khỏe tuyệt vời) chia sẻ về bí quyết dinh dưỡng giúp anh có được sự nghiệp vinh quang như hiện tại.

Kẻ kiếm tiền số một làng banh nỉ ảnh 2

Djokovic quảng bá cho các sản phẩm của đồng hồ Seiko.

Và tháng 5/2015 vừa qua, Djokovic đã cho trình làng bộ sản phẩm dinh dưỡng mang tên Djokolife, được Djokovic quảng cáo là “đúc rút gan ruột” sau 10 năm thi đấu quần vợt chuyên nghiệp của anh, và phù hợp với những người muốn nâng cao thể trạng một cách khoa học và chắc chắn.

Kín tiếng

Ðến đây hẳn nhiều người sẽ thắc mắc Djokovic kiếm tiền giỏi và kiếm được nhiều tiền như vậy thì anh sẽ sử dụng đồng tiền của mình như thế nào. Không dễ để tìm ra câu trả lời xác đáng trong trường hợp này, bởi Djokovic là người rất kín tiếng và hầu như không có bất cứ scandal nào trong cuộc sống bên ngoài sân quần vợt.

Người ta chỉ biết rằng Djokovic đã mua một căn hộ có 2 phòng ngủ tại Monte Carlo, một trong những thị trường bất động sản xa xỉ nhất thế giới. Cách đây 7 năm, Djokovic từng bỏ ra 2,5 triệu USD để mua chiếc du thuyền sang trọng mang tên Manhattan, nhưng nghe nói ngôi sao quần vợt người Serbia đã bán lại chiếc du thuyền này.

Có một chi tiết thú vị là vào năm 2009, Djokovic cùng với Công ty Family Sports mà bố mẹ anh là chủ sở hữu đã bỏ tiền mua lại giải quần vợt Dutch Open (Hà Lan mở rộng) và đổi tên thành Serbia Open, nhưng nhà Djokovic chỉ sở hữu giải đấu này được 4 năm trước khi ATP mua lại nó vào năm 2013.

Do Djokovic ký hợp đồng lâu dài với Peugeot nên anh thường xuyên sử dụng xe ôtô của hãng này, song Djokovic cũng sở hữu một số xe mang nhãn hiệu Audi, BMW và Mercedes. Tuy nhiên, sau khi làm bố thì Djokovic đã nói lời chia tay với tất cả những chiếc xe thể thao trong gara của mình.

MỚI - NÓNG