Khác biệt “kỳ cục”

Khác biệt “kỳ cục”
TP - Việc ĐT U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam gần như thi đấu vào cùng một thời điểm tại SEA Games 28 và vòng loại World Cup 2018 kiêm vòng loại Asian Cup 2019 đã khiến vấn đề một HLV cho 2 ĐTQG càng trở nên nhức nhối.

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam vẫn luôn chỉ sử dụng một HLV trưởng cho 2 ĐTQG nam, cho dù là thầy nội hay thầy ngoại, và mặc dù chưa bao giờ chúng ta gặt hái được kết quả tốt nhất với mô hình này thì VFF cũng vẫn tiếp tục mô hình “2 trong 1” hay thậm chí có thời điểm là “3 trong 1”.

Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho tình trạng này, nhưng lý do “đầu tiên” (tức “tiền đâu”) hẳn phải là nguyên nhân cơ bản. Một quan chức cao cấp của VFF khi nói chuyện với chúng tôi cũng thừa nhận điều này, và nói thêm rằng bóng đá Việt Nam chưa đạt đẳng cấp cao tới mức phải cần có 2 HLV trưởng riêng rẽ cho 2 ĐTQG.

Tất nhiên chúng ta hiểu rằng “cái khó bó cái khôn”, nhưng một con người dù tài năng đến mấy cũng chỉ có một bộ não, và một nhà cầm quân dù giỏi đến mấy cũng chỉ có thể huấn luyện thật tốt cho một đội bóng duy nhất, bởi ngay cả khi chuyên tâm với chỉ một nhiệm vụ còn chưa chắc đã có thể hoàn thành xuất sắc, nói gì chuyện phải “chia năm xẻ bảy”.

Lịch sử bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG tại các sân chơi quốc tế trong khoảng một thập kỷ trở lại đây đã khẳng định rõ một xu thế rằng hễ chúng ta đạt thành tích tốt ở sân chơi châu lục thì đến giải khu vực lại không làm được như thế và ngược lại, đặc biệt là với những giải đấu diễn ra trong khoảng thời gian cách nhau không xa.

Thế nhưng, biết và hiểu là một chuyện, còn làm hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác, và đây chẳng phải là lần duy nhất bóng đá Việt Nam xuất hiện sự khác biệt theo kiểu chẳng giống ai như thế. Và có lẽ đấy cũng là nguyên nhân khiến chúng ta suốt hơn 20 năm qua vẫn không một lần chạm tới HCV bóng đá SEA Games, mà nguyên nhân có lẽ là vì chúng ta không thể xác định được đâu mới là lựa chọn ưu tiên của mình.

MỚI - NÓNG