Leicester vô địch Premier League: Thái Lan lại đi trước bóng đá Việt

Tỷ phú Vichai (Thái Lan) thành công với Leicester City vì ông biết chọn những ngóc ngách ít người đi, chọn những đội bóng ít người đầu tư để sẵn sàng xây dựng đội bóng từ chốn vô danh
Tỷ phú Vichai (Thái Lan) thành công với Leicester City vì ông biết chọn những ngóc ngách ít người đi, chọn những đội bóng ít người đầu tư để sẵn sàng xây dựng đội bóng từ chốn vô danh
Nhà tân vô địch Leicester City của Premier League có chủ sở hữu là một người Thái: Tỷ phú của chuỗi cửa hàng miễn thuế Vichai Srivaddhanaprabha. Thế nên, câu chuyện cổ tích mà Leicester City vừa viết nên tại châu Âu không khác gì thành công của những nhà đầu tư bóng đá Thái Lan.

Khác biệt về cách tiếp cận với bóng đá

Những ông chủ mê bóng đá ở Thái Lan đầu tư ra nước ngoài sau khi họ đã hoàn tất xứ mệnh với bóng đá trong nước, đó là biến giải vô địch nhà nghề Thái Lan thành giải đấu hay nhất Đông Nam Á, giúp các CLB trong nước có tiềm lực tài chính vững chắc, biết cách khai thác lợi nhuận từ bóng đá, đồng thời quan trọng nhất là nâng chất lượng bóng đá Thái Lan, theo hướng có thể cạnh tranh ở tầm châu lục.

Nói về câu chuyện này thì nhiều ông chủ làm bóng đá Việt Nam còn nhảy vào công tác xã hội hoá TDTT nói chung và bóng đá nói riêng trước cả các ông chủ người Thái. V-League từng có lúc được xem là giàu có và sở hữu nhiều nhà đầu tư thuộc hàng tỷ phú hơn Thai-League.

Nhưng giờ thì V-League đi trước về sau, nhiều ông bầu của bóng đá Việt Nam cũng không thành công như các ông bầu trong bóng đá Thái. Quan trọng hơn nữa, ngoài sức cạnh tranh kém về chuyên môn, giải đấu quốc nội của bóng đá Việt Nam, cụ thể là các CLB trong nước, kể cả các CLB của những doanh nhân không có phương pháp kiếm tiền hiệu quả từ bóng đá.

Khác biệt cơ bản của nhiều ông bầu ở Thái với một số ông bầu bóng đá Việt Nam có thể nằm ở chỗ, các ông chủ tại Thái Lan dùng bóng đá để nuôi lại bóng đá, riêng một số ông bầu ở Việt Nam đầu tư vào bóng đá để tìm những mối lợi ngoài bóng đá, dễ thấy là tìm đến những dự án nghìn tỷ, những lô đất vàng.

Khi đất không còn là vàng, dự án càng ngày càng khó chuyển nhượng, thì bóng đá nội cũng lao dốc như bong bóng chứng khoán cách nay vài năm, còn một số ông bầu bóng đá cũng nản dần.

Dĩ nhiên, trong đầu tư thì mỗi người có một phương pháp, mỗi doanh nhân có một đường đi. Không ai rõ đường đi nước bước bằng chính những người đang thực hiện các bước đi đấy. Tuy nhiên, thông qua kết quả thì người ngoài sẽ đánh giá ai thành công và ai chưa thành công?

Trước khi tỷ phú Vichai nghĩ đến chuyện mua lại CLB Leicester City, bầu Đức của bóng đá Việt Nam cũng từng có ý định mua phần lớn cổ phần của CLB Arsenal.

Tuy nhiên, thương vụ mà bầu Đức dự định bất thành, vì nhiều lý do. Trong đó có cả việc phía được hỏi mua chắc chắn phải đánh giá người mua, rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng, nhất là rủi ro về mặt tài chính... để rốt cuộc phía Arsenal không chấp nhận lời đề nghị của bầu Đức.

Thành công này sẽ dẫn đến mặt lợi khác

Tỷ phú Vichai thì chọn con đường khiêm tốn hơn, ông đầu tư vào một đội bóng nhỏ, vốn chưa có thành tích đáng kể, cũng không phải thuộc dạng nổi tiếng ở Anh, cụ thể là ông chọn Leicester City để đổ tiền vào đấy. Đội bóng nhỏ hơn thì các yêu cầu có lẽ cũng ít gắt gao hơn, trước khi ông Vichai xây nên thành công cho nhà tân vô địch nước Anh từ khốn khó.

Leicester City thành công với một chủ sở hữu người Thái, có nghĩa là trong tương lai, hàng loạt tài năng của bóng đá Thái Lan sẽ được đặt cách sang đấy tu nghiệp (thực tế thì HLV Kiatisuk của đội tuyển Thái Lan đã nhận nhiệm vụ tuyển tài năng để đưa sang Anh).

Khó có khả năng những cầu thủ này được đá chính ở Premier League, nhưng việc được tập luyện chung với những nhà vô địch của một trong những giải đấu hàng đầu tại châu Âu, với họ, không bổ ngang cũng bổ dọc.

Đấy lại là một bước đi trước nữa của bóng đá Thái Lan so với bóng đá Việt Nam. Chúng ta từng có Việt Thắng, Công Vinh sang Bồ Đào Nha trong thời gian ngắn, từ quan hệ của các ông bầu, có Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng đến Nhật Bản và Hàn Quốc cũng từ quan hệ của ông chủ.

Nhưng tất cả những cầu thủ vừa nêu, đặc biệt là Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường giờ ngồi dự bị cho... đội hình 2 của CLB mà họ đang khoác áo còn khó, chứ huống hồ gì là được tập luyện chung với những ngôi sao có trình độ hàng đầu!

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG